Các nhà khoa học tại Trung tâm Y tế Đại học Radboud (Hà Lan) nhận thấy người dân ở Tanzania, quốc gia nằm ở đông nam châu Phi, khỏe mạnh hơn nhiều so với các nước phương Tây, nên đã tiến hành nghiên cứu so sánh chế độ ăn giữa 2 vùng này để tìm hiểu lý do.
Chế độ ăn Tanzania bao gồm rau, trái cây, các loại đậu, ngũ cốc và thực phẩm lên men
Ảnh minh họa: AI
Được biết chế độ ăn Tanzania bao gồm rau, trái cây, các loại đậu, ngũ cốc và thực phẩm lên men như mbege - một loại đồ uống chuối lên men truyền thống đặc trưng của khu vực này.
Các loại thực phẩm điển hình có trong chế độ ăn Tanzania bao gồm cháo kê với sữa lên men, khoai môn, chuối với đậu thận và bơ, các món ăn làm từ sắn, bắp và rau xanh, theo trang tin sức khỏe Women's Health.
Các nhà nghiên cứu đã tuyển dụng 77 nam giới Tanzania khỏe mạnh ở độ tuổi trung bình là 25. Trong đó, 23 người đang tuân theo chế độ ăn Tanzania, tập trung vào thực phẩm truyền thống, chưa qua chế biến, được yêu cầu chuyển sang chế độ ăn phương Tây thông thường trong 2 tuần, bao gồm các loại thực phẩm như xúc xích chế biến, bánh mì và khoai tây chiên.
22 người khác đang ăn kiểu phương Tây chuyển sang chế độ ăn Tanzania trong 2 tuần, bao gồm bắp, đậu bắp, chuối, đậu thận và quả bơ.
22 người khác theo chế độ ăn phương Tây cũng được yêu cầu uống 1 khẩu phần "mbege" mỗi ngày trong 1 tuần. 5 người ăn uống như bình thường để làm đối chứng.
Chế độ ăn Tanzania có mức độ viêm thấp, hệ thống miễn dịch mạnh mẽ
Kết quả đã phát hiện những nam giới tuân theo chế độ ăn Tanzania có mức độ viêm thấp hơn đáng kể, hồ sơ trao đổi chất lành mạnh hơn và hệ thống miễn dịch mạnh mẽ hơn nhiều.
Cụ thể, những người chuyển sang chế độ ăn phương Tây nhiều thực phẩm chế biến giàu calo, chất béo bão hòa, muối và carbohydrate tinh chế có mức tăng đột biến các dấu hiệu viêm trong máu, cũng như chức năng miễn dịch giảm chỉ sau 2 tuần.
Đáng chú ý, theo số liệu mới nhất, Tanzania có tỷ lệ ung thư mắc mới là 71 ca trên 100.000 dân
Ảnh: AI
Ngược lại, những người chuyển sang chế độ ăn Tanzania trong 2 tuần có dấu hiệu viêm giảm đáng kể, khả năng miễn dịch cũng tăng lên mạnh mẽ, theo Women's Health.
Đặc biệt, dấu hiệu giảm viêm kéo dài đến cả tháng sau, điều này cho thấy ngay cả những thay đổi chế độ ăn uống ngắn hạn cũng có thể có tác dụng lâu dài.
Các tác dụng khác cũng bao gồm những thay đổi tích cực về mặt chuyển hóa mà các nghiên cứu khác cho thấy có thể dẫn đến giảm các tình trạng mạn tính như bệnh tim, tiểu đường loại 2 và ung thư, cũng như suy giảm nhận thức nói chung.
Kết quả nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều thực vật, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm lên men có khả năng mang lại lợi ích lâu dài, với những tác động tích cực bắt đầu ngay sau khi thay đổi chế độ ăn.
Các tác giả nghiên cứu cho rằng chế độ ăn không có thực phẩm chế biến giúp ngăn ngừa tình trạng viêm, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính và có thể kéo dài tuổi thọ.
Tác giả chính, tiến sĩ Quirijn de Mast, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Radboud ở Hà Lan, cho biết: Nghiên cứu nhấn mạnh lợi ích của các thực phẩm truyền thống đối với tình trạng viêm và các quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
Tiến sĩ de Mast cho biết: Viêm là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh mạn tính. Theo Phòng khám Cleveland Clinic (Mỹ), viêm mạn tính có liên quan đến quá trình bệnh của nhiều tình trạng, bao gồm bệnh tim mạch, huyết áp cao, ung thư, tiểu đường, các bệnh về phổi, bệnh đường tiêu hóa, bệnh Alzheimer, Parkinson và cả trầm cảm và lo âu.
Tỷ lệ mắc ung thư thấp một cách đáng kinh ngạc!
Đáng chú ý, theo số liệu mới nhất, Tanzania có tỷ lệ ung thư mắc mới là 71 ca trên 100.000 dân vào năm 2022, so với 556 ca trên 100.000 người ở Mỹ. Trong khi tỷ lệ này trên thế giới là gần 197 ca trên 100.000 dân. Điều này có nghĩa là tỷ lệ mắc ung thư ở Tanzania thấp hơn 7,8 lần so với ở Mỹ, và thấp hơn 2,8 lần so với mức bình quân trên thế giới, theo tờ Daily Mail.
Chế độ ăn Tanzania gồm những gì?
Chuyên gia dinh dưỡng Sapna Peruvemba, người sáng lập Trung tâm chăm sóc sức khỏe Health by Sapna (Mỹ), cho biết những người muốn áp dụng chế độ ăn Tanzania nên tập trung vào rau, trái cây và các loại đậu.
Chế độ ăn này cũng bao gồm các thực phẩm lên men như dưa cải bắp và kim chi, có chứa lợi khuẩn - vốn đã được chứng minh là thúc đẩy sản xuất kháng thể chống lại bệnh tật và các hợp chất chống viêm, theo Daily Mail.
Nguồn: https://thanhnien.vn/che-do-an-moi-noi-lien-quan-den-ty-le-ung-thu-thap-dang-kinh-ngac-185250430181349093.htm
Bình luận (0)