Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng

Việt NamViệt Nam30/04/2025


Ngày 30/4/1975, ta tổng công kích vào nội thành, đánh chiếm các mục tiêu chiến lược đã định. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Sài Gòn và phần lớn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được giải phóng.

Ngày 3041975 Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng
Xe tăng của Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)

Sáng 30/4/1975, Martin, Đại sứ Mỹ chạy khỏi Sài Gòn. 9 giờ 30 phút, Dương Văn Minh tuyên bố trên Đài Phát thanh Sài Gòn đề nghị Quân giải phóng ngừng tiến công “để cùng nhau thảo luận bàn giao chánh quyền trong vòng trật tự”.

Từ 5 giờ sáng, trên các hướng, bộ đội ta, nòng cốt là lực lượng đột kích thọc sâu ào ạt tiến vào nội đô Sài Gòn.

Trên hướng tây bắc, lúc 7 giờ 15 phút ngày 30/4/1975, các trận địa pháo cối của Quân đoàn 3 và Sư đoàn 10 đồng loạt trút bão lửa xuống sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Các đơn vị từ các vị trí triển khai nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu quy định. Trung đoàn 24 cùng 1 tiểu đoàn của Lữ đoàn 273 Thiết giáp được biệt động dẫn đường, từ 6 giờ 30 phút, nổ súng đánh chiếm Ngã tư Bảy Hiền.

9 giờ 45 phút, Trung đoàn 24 cùng xe tăng chia thành 2 mũi đánh vào Tân Sơn Nhất. Mũi thứ nhất, Đại đội 5 là đơn vị đột phá. Tiểu đoàn 5 tràn qua cổng số 5, khu truyền tin, Bộ Tư lệnh Sư đoàn Không quân 5. Địch chống trả quyết liệt. Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24 theo cổng số 4 đánh chiếm Bộ Tư lệnh Dù, Bộ Tư lệnh Không quân và các mục tiêu chung quanh.

Đại đội 9, Tiểu đoàn 6 nhanh chóng phát triển tới trại Đa-vít, nơi đặt trụ sở hai phái đoàn quân sự của ta trong Ủy ban liên hợp bốn bên thi hành Hiệp định Paris. Cuộc gặp gỡ giữa các chiến sĩ Trung đoàn 24 với các đồng chí trong đoàn diễn ra vô cùng cảm động.

Lực lượng Tiểu đoàn 6 tiếp tục phát triển đánh chiếm Bộ Tư lệnh Không quân Việt Nam Cộng hòa. 11 giờ, Đại đội 11 Tiểu đoàn 6 tiến vào Bộ Tư lệnh không quân Việt Nam Cộng hòa. 11 giờ 30 phút, Trung đoàn 24 làm chủ hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất.

Nhận lệnh đánh vào Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam Cộng hòa, 9 giờ 30 phút, Trung đoàn 28 tiến đến Lăng Cha Cả gặp Trung đoàn 24 đang đánh địch ở cổng số 5, lập tức cơ động vòng về phía bên phải. Tiểu đoàn 3 cùng với Tiểu đoàn xe tăng 2 và các đơn vị công binh, trinh sát, cao xạ cùng tổ chức đột phá vào cổng chính. Địch chống cự quyết liệt.

Trung đoàn 28 chia thành 2 mũi, một mũi đánh vào cổng chính, một mũi đánh vòng sang phía đông nam. Lực lượng của Trung đoàn 28 có xe tăng dẫn đầu vượt qua cổng chính tiến thẳng đến ngôi nhà chính của Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam Cộng hòa và làm chủ mục tiêu lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975.

Ngày 3041975 Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng
Xe tăng quân giải phóng chiếm phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)

Cùng trong thời gian này, các chiến sĩ Sư đoàn 320B Quân đoàn 1 đánh vào Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa từ một hướng khác, chiếm khu nhà tầng, trận địa pháo và sân bay lên thẳng của địch ở gần cổng số 2, khu thông tin, phòng nhất, phòng nhì, tổng cục tiếp vận và tiến vào khu trung tâm, phối hợp với Trung đoàn 28 chiếm lĩnh và bảo vệ ngôi nhà chính của Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa.

Trung đoàn 64 thuộc Sư đoàn 320A, theo lệnh của Quân đoàn, tiến vào Dinh Độc Lập hợp điểm với đơn vị bạn nhưng 13 giờ mới tới nơi, sau đó cùng đơn vị bạn tiến công, làm chủ Quận 3, quận Phú Nhuận. Các sư đoàn 316, 320 truy quét địch và cùng lực lượng địa phương Tây Ninh, Củ Chi, Hóc Môn, giải phóng các địa phương này.

Trên hướng bắc, hướng Quân đoàn 1, Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312) có 10 xe tăng yểm trợ và 2 đại đội bộ đội địa phương phối hợp, tiến công căn cứ Phú Lợi. Trung đoàn 209 đánh chiếm An Lợi, Cầu Tây, Mỹ Thạch, Xóm Xoài. Trung đoàn 141 vượt qua Trảng Bàng, tiến công địch ở Lai Khê. Sau đó, các lực lượng này phát triển về Thủ Dầu Một, tiêu diệt, làm tan rã Sư đoàn 5 và toàn bộ quân ngụy, phối hợp cùng lực lượng địa phương giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Dương.

Rạng sáng ngày 30/4/1975, Sư đoàn 312 lệnh cho Trung đoàn 209, Trung đoàn 141 (thiếu), các đơn vị binh chủng kỹ thuật tăng cường, được 1 tiểu đoàn bộ đội địa phương hỗ trợ, thực hiện bao vây, ngăn chặn Sư đoàn Bộ binh 5 (thiếu 1 trung đoàn) Việt Nam Cộng hòa ở cụm cứ điểm Lai Khê. Gần trưa, địch ở cứ điểm này kéo cờ trắng ra hàng.

Tiến theo Quốc lộ 13, đội hình thọc sâu Sư đoàn 320B đập tan hệ thống phòng ngự chi khu quân sự Lái Thiêu, mở toang “cánh cửa cứng” cuối cùng trên hướng bắc tiến vào nội đô Sài Gòn. Rạng sáng 30/4, Trung đoàn 27 (Sư đoàn 320B) được tăng cường đại đội 3 xe tăng thuộc Lữ đoàn 202 phát triển tiến công cầu Bình Phước và Bộ Tư lệnh các binh chủng của địch. Khi đến cầu Vĩnh Bình, cuộc chiến đấu giành giật cầu diễn ra vô cùng ác liệt. Đến 8 giờ 30 phút, Trung đoàn 27 làm chủ cầu, sau đó được nhân dân địa phương dẫn đường, đánh chiếm cầu Bình Phước và Bộ Tư lệnh các binh chủng ở Gò Vấp.

Mũi thọc sâu chủ yếu vào nội đô do Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320B) đảm nhiệm đột phá tuyến phòng ngự địch chốt giữ cầu Bình Triệu, thọc sâu theo đường Bạch Đằng, Chi Lăng đánh vào Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa. Tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, trong khi Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) đánh chiếm cổng số 1 thì Trung đoàn 48 cũng đánh chiếm được cổng số 2, khu điện toán, khu trung tâm truyền tin và trung tâm hành quân.

Ngày 3041975 Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng
Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Xe tăng 4 (cầm cờ, phía trước) cùng 3 chiến sĩ của Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN)

Trên hướng tây và tây nam, lực lượng Đoàn 232 tiến công làm chủ khu vực Hậu Nghĩa và hai bên sông Vàm Cỏ. Sư đoàn 9 sau khi vượt sông, tiến quân theo hai mũi. Mũi thứ nhất, Trung đoàn 1 tiêu diệt tiểu đoàn dù ở ngã ba Bà Quẹo, chiếm phân chi khu Vĩnh Lộc, rồi tiến công đập tan quân địch ở ngã tư Bảy Hiền và phát triển theo đường Lê Văn Duyệt, đánh chiếm và làm chủ Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô Việt Nam Cộng hòa lúc 10 giờ 30 phút. Tiếp đó một mũi tiến vào hợp điểm ở Dinh Độc Lập.

Mũi thứ hai, Trung đoàn 3 tiêu diệt Sở Chỉ huy Liên đoàn 8 và Tiểu đoàn 88 biệt động quân trên tuyến vành đai Đại Hàn, đánh tan Tiểu đoàn bảo an 327 ở nam Vĩnh Lộc, rồi tiến công chốt của Tiểu đoàn 317 bảo an, tiêu diệt chi khu Bà Hom, đánh chiếm trường đua Phú Thọ, một bộ phận tiến sang hợp điểm ở dinh Độc Lập.

5 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Trung đoàn 24 cùng đặc công tiến công tiêu diệt địch ở ngã ba Đình Hưng Đông, sau đó chiếm cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chữ Y; 10 giờ 30 phút, Trung đoàn đánh chiếm Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia và đưa một bộ phận sang hợp điểm ở Dinh Độc Lập. Các đơn vị đặc công nhanh chóng tổ chức lực lượng tiến công, 8 giờ chiếm quận Tân Bình; 10 giờ chiếm quận Bình Chánh; 12 giờ chiếm Đặc khu Rừng Sác.

Từ 5 giờ 30 phút đến 8 giờ, Trung đoàn 88 tiến công tiêu diệt đồn và phân chi khu Bà Phước, sau đó phát triển tiến công làm chủ đồn Ông Thìn, ngã ba An Phú, khu Nhà Bè. Trung đoàn 16 đánh chiếm khu Xa cảng miền Tây, An Lạc, Bình Điền, sau đó một bộ phận phát triển vào nội đô.

5 giờ đến 12 giờ ngày 30/4, Sư đoàn 5 tiến công tiêu diệt và bức hàng toàn bộ Sư đoàn 22 và các liên đoàn biệt động quân. Sau đó, Sư đoàn cùng lực lượng tại chỗ đánh chiếm thị xã Tân An, chi khu Thủ Thừa.

Trên hướng đông, từ 7 giờ đến 9 giờ ngày 30/4/1975, Sư đoàn 6 (Quân đoàn 4) phối hợp với Trung đoàn 3 (Sư đoàn 341) chiếm Sở chỉ huy Quân đoàn 3 Việt Nam Cộng hòa, 11 giờ, làm chủ Sở chỉ huy Sư đoàn 3 Không quân và sân bay Biên Hòa.

Ngày 3041975 Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng
Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)

9 giờ sáng 30/4/1975, Sư đoàn 341 đánh chiếm Hốc Bà Thức, 13 giờ phát triển sang Thủ Đức.

10 giờ 30 phút, Trung đoàn 209 chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 18 và khu biệt động quân, sau đó phát triển vào nội đô Sài Gòn. 11 giờ, Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 3 cùng 6 xe tăng vượt qua cầu Ghềnh tiến công trong hành tiến và đến 16 giờ 30 phút tiến vào Sài Gòn.

9 giờ ngày 30/4/1975, Sư đoàn 7 tổ chức đội hình tiến vào Sài Gòn theo đường xa lộ, đánh chiếm các mục tiêu quy định như Sở chỉ huy Thủy quân lục chiến, căn cứ hải quân, Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa, cảng Bạch Đằng… Tiến sau đội hình Sư đoàn 7, Lữ đoàn 52 tiến công làm chủ các mục tiêu được phân công ở Quận 10.

Trên hướng đông nam, tảng sáng 30/4/1975, vừa giải quyết xong khu vực cầu Xa Lộ qua sông Đồng Nai, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 lập tức ra lệnh cho lực lượng đột kích cơ giới nhanh chóng đánh ngay về Thủ Đức, Sài Gòn.

Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) sau khi đánh chiếm Long Bình, làm chủ xa lộ Sài Gòn, tiến công Tân Cảng. 13 giờ 30 phút, Sư đoàn 325 đã vượt sông đánh chiếm Quận 9, Thủ Thiêm. Sư đoàn 3 (Quân khu 5) làm chủ Vũng Tàu và được nhân dân địa phương đưa thuyền bè giúp đỡ, tổ chức vượt sông, đánh chiếm Cần Giờ.

5 giờ ngày 30/4/1975, binh đội thọc sâu (Lữ đoàn xe tăng 203 và Trung đoàn 66) được Trung đoàn Đặc công 116 dẫn đường, vượt qua cầu Biên Hòa, bỏ qua cụm địch ngăn chặn ở ngã tư Thủ Đức, tiến đến cầu Rạch Chiếc lúc 9 giờ.

9 giờ sáng 30/4/1975, mũi thọc sâu vượt qua cầu Sài Gòn, tiêu diệt ổ đề kháng của địch tại Hàng Xanh, cầu Thị Nghè, tiến về Dinh Độc Lập. 10 giờ 30 phút, được biệt động thành dẫn đường, Đại đội 4 Lữ đoàn xe tăng 203 do đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy dẫn đầu đội hình thọc sâu húc đổ cánh cửa, tiến vào Dinh Độc Lập. Đơn vị đi đầu của Trung đoàn bộ binh 66 (Quân đoàn 2) và một phân đội Biệt động tiến buộc Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng. 11 giờ 30 phút lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Sau hơn 3 ngày đêm chiến đấu thần tốc dũng mãnh, ta đã đánh chiếm xong 5 mục tiêu chủ yếu và cũng trong ngày 30/4/1975 ta đã làm chủ toàn bộ các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế trong nội thành Sài Gòn.

Cùng ngày 30/4/1975, các lực lượng ta ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phối hợp với quần chúng nhân dân tiến công và nổi dậy đồng loạt giành chính quyền. Đặc biệt sau khi được tin Sài Gòn đã giải phóng, quân địch suy sụp, hầu hết các huyện, tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tiến hành giải phóng địa phương mình hết sức mau lẹ. Trong ngày 30/4/1975, nhân dân và lực lượng vũ trang các tỉnh Cần Thơ, Gò Công, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Sa Đéc, Long An kết hợp tiến công và nổi dậy tự giải phóng.

Tại Cần Thơ, Quân khu 9 sử dụng Sư đoàn 4 lần lượt đánh chiếm sân bay Trà Nóc, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 4 Không quân Việt Nam Cộng hòa, rồi tiến vào trung tâm thành phố, đánh chiếm: căn cứ Bộ Tư lệnh Quân khu 4 Việt Nam Cộng hòa, Sân bay, bến cảng, kho tàng, các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa… Cùng lúc đó, lực lượng vũ trang địa phương và biệt động thành phối hợp với quần chúng cách mạng nổi dậy làm chủ các vị trí quan trọng trong thành phố. Thành phố Cần Thơ được giải phóng trong tối 30/4/1975.

Tại Trà Vinh, sáng 30/4/1975, từ nhiều hướng lực lượng vũ trang tỉnh tiến vào thị xã, phối hợp với lực lượng tại chỗ và nhân dân tước vũ khí, bức hàng các tiểu đoàn bảo an 404, 407, truy bắt ác ôn. Đến trưa Trà Vinh đã được hoàn toàn giải phóng.

Tại Vĩnh Long, sáng 30/4/1975, các đơn vị vũ trang của khu và của tỉnh đồng loạt đánh chiếm thị xã theo kế hoạch. Địch ngoan cố dùng pháo bắn ngăn chặn và chiến đấu định tử thủ ở các đồn bót ven thị xã. Đến 15 giờ chiều 30/4/1975, lực lượng vũ trang phối hợp với lực lượng chính trị quần chúng chiếm sân bay, diệt đồn phòng vệ dân sự, buộc các chi khu đầu hàng. Đến chiều 30/4/1975, Vĩnh Long được giải phóng.

Ngày 3041975 Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh cùng nội các ra trước Đài Phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, kết thúc chiến tranh Việt Nam, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Tại Sóc Trăng, đêm 29 rạng ngày 30/4/1975, các lực lượng chủ lực và địa phương ta đồng loạt tiến công vào thị xã Sóc Trăng. Lực lượng vũ trang kết hợp với lực lượng quần chúng nổi dậy chiếm các mục tiêu quan trọng trong thị xã như: cầu An Hòa, chùa Năm Ông, ty cảnh sát, dinh tỉnh trưởng, khu Hoàng Diệu, trại Lý Thường Kiệt, sân bay… Địch chống trả quyết liệt. Tới 14 giờ ngày 30/4/1975, thị xã và hầu hết các địa phương ở Sóc Trăng đã hoàn toàn giải phóng.

Tại Bạc Liêu, do làm tốt công tác binh vận từ trước, sáng 30/4/1975, cán bộ ta cắm cờ mặt trận lên xe chạy thẳng vào dinh Tỉnh trưởng. Trên các đường phố quần chúng nhân dân hưởng ứng tập trung trước tòa hành chính buộc đại tá tỉnh trưởng phải tuyên bố giao chính quyền cho cách mạng lúc 11 giờ 30 phút.

Tại Hà Tiên, 17 giờ 30/4/1975, lực lượng vũ trang kết hợp với quần chúng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn thị trấn Hà Tiên và thị trấn Kiên Lương.

Cùng ngày 30/4/1975, Bộ Chính trị gửi điện “nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Sài Gòn-Gia Định, khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên, thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội tinh nhuệ, dân quân tự vệ đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc ngụy quyền Sài Gòn phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố Sài Gòn-Gia Định, đưa chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng”.

NDO



Nguồn: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/ngay-30-4-1975-chien-dich-ho-chi-minh-toan-thang-160470.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh
TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm