Mở “cánh cửa thép” tiến vào Sài Gòn
Tháng 4/1975, trong khí thế thần tốc của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng phê chuẩn kế hoạch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Ngày 09/4/1975, Chiến dịch Xuân Lộc - Long Khánh mở màn, đánh dấu giai đoạn quyết chiến cuối cùng của cuộc kháng chiến.
5 giờ 40 phút sáng hôm đó, Quân đoàn 4 nổ súng tấn công Xuân Lộc là một thị xã của tỉnh Long Khánh (thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai hiện nay), nơi được ví như “cánh cửa thép” phía Đông Bắc Sài Gòn. Các đơn vị pháo binh trút bão lửa, tiếp đó là các mũi bộ binh thọc sâu, chia cắt, phá vỡ thế trận phòng thủ của đối phương. Trên các hướng Bắc, Đông và vòng ngoài, các đơn vị chủ lực, quân ta lần lượt đánh chiếm các mục tiêu chiến lược, từ khu thông tin, căn cứ quân sự, đến các vị trí chốt chặn then chốt trên đường số 1 và ngã ba Dầu Giây.
Ở Tây Nam Bộ, Sư đoàn 5 đánh mạnh vào Thủ Thừa, Tân An và các đồn bốt dọc Vàm Cỏ Tây. Trong khi đó, trên các hướng biển, Quân ủy Trung ương kịp thời ra lệnh chiếm đóng các đảo Trường Sa có dấu hiệu địch rút lui. Trên đường Trường Sơn, các sư đoàn vận tải khẩn trương cơ động Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 tiến sát Sài Gòn từ cả hướng Đông và Tây.
Tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, lực lượng đặc công Quân khu 6 kết hợp bộ binh mở rộng địa bàn, tạo thế bao vây chiến dịch vững chắc. Sau 12 ngày chiến đấu quyết liệt, đến ngày 21/4/1975, địch tháo chạy khỏi Xuân Lộc, “cánh cửa thép” chính thức bị phá vỡ. Cùng ngày, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức, đánh dấu sự sụp đổ không thể cứu vãn của chế độ Sài Gòn.
Chiến dịch Xuân Lộc được đánh giá là đòn quyết chiến chiến lược có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bằng nghệ thuật dùng mưu kế linh hoạt, chuyển từ đánh trực diện sang bao vây, chia cắt, tiêu diệt viện binh, quân ta đã đánh tan một tuyến phòng ngự dày đặc được Mỹ và chính quyền Sài Gòn dốc toàn lực xây dựng.
Xuân Lộc nằm cách Sài Gòn 80km, án ngữ các trục giao thông huyết mạch: Quốc lộ 1A, 15 và 20. Chính vì vậy, địch đã biến nơi đây thành pháo đài bất khả xâm phạm với đầy đủ các lực lượng tinh nhuệ: sư đoàn bộ binh, thiết giáp, pháo binh và biệt động quân. Đại tướng
Frederick C. Weyand - Tham mưu trưởng lục quân Mỹ từng thị sát và tuyên bố: “Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”.
Tuy nhiên, bằng quyết tâm, tinh thần quả cảm và chiến thuật linh hoạt, lực lượng Quân đoàn 4 cùng các đơn vị phối hợp đã khiến toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch tan vỡ.
Ngay khi Xuân Lộc thất thủ, tình hình chính trị tại Sài Gòn lập tức rúng động. Tối cùng ngày, trong không khí hoảng loạn bao trùm, đặc biệt khi chiến dịch di tản của Mỹ được đẩy nhanh chóng mặt, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức. Người kế nhiệm là Trần Văn Hương, nhưng sự thay đổi này không thể ngăn chặn được làn sóng tan rã của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đồng thời, chiến trường Trảng Bom - Biên Hòa tiếp tục được khai hỏa, đẩy nhanh tiến độ tiến công về Sài Gòn.
Ngay hôm sau, 22/4, Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua và chính thức phê duyệt kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Ðịnh. Ngày 23/4, Tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố trước Quốc hội: “Cuộc chiến đã chấm dứt đối với người Mỹ”.
Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27/4/1975) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm” tổ chức ngày 23/4 tại Đồng Nai, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên cho biết, vào những ngày cuối tháng 4/1975, khi cả nước đang dồn toàn lực cho Chiến dịch Hồ Chí Minh (26 - 30/4/1975) nhằm tiêu diệt sào huyệt cuối cùng của chính quyền ngụy, thì trận đánh tiêu diệt Yếu khu Trảng Bom ngày 27/4 của Sư đoàn 341 (Quân đoàn 4 khi đó, nay thuộc Quân khu 4), với sự phối hợp của quân dân Đồng Nai, đã giữ vai trò hết sức quan trọng.
Trong trận này, ta đã tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận sinh lực lớn của địch, phá vỡ “mắt xích cứng” trên tuyến phòng thủ phía Đông Sài Gòn, mở toang cánh cửa tiến vào Biên Hòa và tạo đà giải phóng Sài Gòn vào ngày 30/4, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của chiến dịch lịch sử.
Từ chiến trường ác liệt đến vùng kinh tế năng động bậc nhất Đông Nam Bộ
Chiến thắng Xuân Lộc là bước ngoặt mang tính quyết định mở đường cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây là chứng minh hiệu quả của nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại từ chuẩn bị thế trận, tổ chức binh lực đến vận dụng linh hoạt hình thức tác chiến, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chủ lực và địa phương.
![]() |
Từ chiến trường ác liệt, nay huyện Xuân Lộc đã vươn mình mạnh mẽ. (Ảnh: Một góc huyện Xuân Lộc nhìn từ trên cao) |
Ngoài giá trị chiến lược, chiến dịch còn mang đậm ý nghĩa biểu tượng cho tinh thần quật cường, trí tuệ và lòng yêu nước của quân dân miền Đông Nam Bộ. Từ vùng đất bị bom đạn cày xới, Xuân Lộc hôm nay đã trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, biểu tượng của ý chí phục hồi, phát triển sau chiến tranh.
Chiến dịch Xuân Lộc - Long Khánh khép lại không chỉ bằng thắng lợi quân sự vang dội, mà còn mở ra chương mới trong lịch sử dân tộc của độc lập, hòa bình và thống nhất. 50 năm đã trôi qua, nhưng âm vang của chiến dịch vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ hôm nay về khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước hùng cường.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là các vùng Xuân Lộc, Long Khánh, Trảng Bom là địa bàn chiến lược mà kẻ thù tìm mọi cách kiểm soát, biến thành hậu cứ quân sự vững chắc. Địch hiện đại hóa sân bay Biên Hòa thành căn cứ không quân lớn nhất miền Nam, xây dựng hàng loạt căn cứ quân sự như Quân đoàn 3, Bộ Tư lệnh dã chiến 2, Trung tâm huấn luyện Nước Trong và các kho hậu cần khổng lồ như Long Bình. Tại Xuân Lộc, địch lập tuyến phòng thủ trọng điểm với quyết tâm ngăn chặn bước tiến của quân ta từ hướng Đông Bắc.
Chiến thắng vang dội tại Xuân Lộc - Long Khánh và sau đó là Trảng Bom không chỉ xé toang tuyến phòng thủ then chốt của địch mà còn mở ra thời cơ quyết định cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
50 năm sau, vùng đất từng là chiến trường ác liệt năm xưa đã thực sự “đơm hoa kết trái”. Các địa phương Xuân Lộc, Long Khánh, Trảng Bom đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai và cả nước.
Huyện Xuân Lộc, nơi từng được mệnh danh là “cánh cửa thép” ngày nay là một trong 4 huyện của cả nước được Trung ương chọn thí điểm xây dựng “huyện nông thôn mới nâng cao” và đã hoàn thành với nhiều chỉ tiêu nổi bật. Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, bà Nguyễn Thị Cát Tiên cho biết: Toàn bộ 14/14 xã trên địa bàn đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 95 triệu đồng/năm; hạ tầng giao thông, trường học, y tế, văn hóa được đầu tư đồng bộ.
Thành phố Long Khánh (trước thuộc huyện Xuân Lộc) cũng phát triển mạnh với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục của vùng Đông Nam Bộ. Long Khánh giữ vững thế mạnh nông nghiệp, đặc biệt là trái cây chất lượng cao và sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời, địa phương cũng thu hút mạnh mẽ đầu tư công nghiệp nhẹ, dịch vụ, giáo dục và y tế chất lượng cao.
Huyện Trảng Bom từng là địa bàn chiến lược cuối cùng trước Biên Hòa đã trở thành vùng công nghiệp phát triển năng động. Theo ông Lê Tuấn Anh, Bí thư Huyện ủy Trảng Bom, huyện hiện có 4 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 223 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 3,4 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 118.000 lao động. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân trên 17%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: công nghiệp, xây dựng chiếm 83,2%; thương mại, dịch vụ chiếm 14,1%; nông nghiệp còn lại 2,7%.
Cùng với phát triển kinh tế, các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người có công. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 16.000 người đang hưởng trợ cấp chính sách thường xuyên, trong đó có nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Công tác “đền ơn đáp nghĩa” được thực hiện chu đáo, tạo nền tảng ổn định chính trị, xã hội vững chắc.
Trong chuyến thăm Xuân Lộc ngày 24/3/2025, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh: “Nếu như ngày 30/4/1975, Xuân Lộc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập - tự do - hòa bình - thống nhất, thì ngày 30/4/2025, Xuân Lộc và Đồng Nai bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc”.
Quá trình phát triển vượt bậc của các vùng đất chiến trường xưa minh chứng cho tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước trong công cuộc khôi phục và phát triển đất nước sau chiến tranh. Đồng Nai hiện là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có các công trình mang tính quốc gia như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.
Nguồn: https://baophapluat.vn/chien-dich-xuan-loc-long-khanh-50-nam-am-vang-ban-hung-ca-giai-phong-post547016.html
Bình luận (0)