Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chính phủ giữ vai trò hỗ trợ quyết định đối sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Sự hỗ trợ lâu dài và ổn định của Chính phủ có ý nghĩa then chốt trong việc giúp khu vực tư nhân đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu đối với hàng hóa và dịch vụ bền vững về môi trường và xã hội, để từ đó doanh nghiệp Việt Nam vươn lên trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng quốc tế.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ26/04/2025

Chính phủ giữ vai trò hỗ trợ quyết định đối sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam- Ảnh 1.

Giám đốc Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức, TS. Michaela Baur

Chia sẻ về triển vọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-CHLB Đức (1975-2025), Giám đốc Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), TS. Michaela Baur đánh giá, lĩnh vực kinh tế ngoài Nhà nước đang trở thành "trái tim" của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp 50% GDP, hơn 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước và cung cấp việc làm cho hơn 40 triệu người (chiếm 82% tổng lực lượng lao động).

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (SMEs), chiếm hơn 95%. Các doanh nghiệp siêu nhỏ có khả năng phát triển thành doanh nghiệp nhỏ, và doanh nghiệp nhỏ có cơ hội mở rộng thành doanh nghiệp vừa, tiếp tục vươn xa hơn nữa. Tầm quan trọng và mức độ tham gia của họ vào các chuỗi giá trị toàn cầu sẽ ngày càng tăng. Do đó, trong tương lai, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam hứa hẹn tiềm năng phát triển rất lớn.

Theo bà Michaela Baur, khi hội tụ đủ các yếu tố then chốt, như nguồn vốn đầu tư, các mối quan hệ đối tác tốt trong chuỗi giá trị, lực lượng lao động có tay nghề và không gian vận hành linh hoạt, doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển mạnh mẽ và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo.

Hiện nay, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng ở mức hai con số, trở thành một quốc gia công nghiệp và có thu nhập cao vào năm 2045. Tất cả những mục tiêu này sẽ khó có thể trở thành hiện thực nếu không tiếp tục phát triển khu vực tư nhân theo hướng tăng cường số lượng, đổi mới sáng tạo và hội nhập sâu rộng hơn với thị trường toàn cầu, đặc biệt theo hướng xanh hơn và bền vững hơn.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa: Cơ hội vàng để khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cất cánh

Bà Michaela Baur nhấn mạnh, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để trở thành động lực cho tăng trưởng xanh và bao trùm: Thiên thời - khi thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ sang phát triển bền vững; địa lợi - với vị trí chiến lược và tiềm năng thị trường nội địa; nhân hòa – thể hiện qua sự đồng thuận giữa chính phủ và doanh nghiệp. Thời cơ thuận lợi tạo nên nền tảng vững chắc cho khu vực tư nhân phát Việt Nam triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam được hưởng rất nhiều điều kiện thuận lợi, như nguồn lực lao động trẻ, chu kỳ kinh tế tích cực, sự hỗ trợ và cải cách từ Chính phủ, các hiệp định thương mại tự do, cơ hội trong số hóa và đổi mới sáng tạo, đầu tư nước ngoài và hợp tác quốc tế.

Chính phủ giữ vai trò hỗ trợ quyết định đối sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam- Ảnh 2.

Nhân dịp này, bà Michaela Baur cũng đề xuất Chính phủ đẩy mạnh việc sử dụng các nền tảng Chính phủ điện tử nhằm tạo ra quy trình tương tác thuận lợi và hiệu quả hơn, đồng thời tăng tính minh bạch, ổn định và tinh gọn thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Giám đốc GIZ cũng khuyến nghị Việt Nam tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho SME, thông qua việc hỗ trợ phát triển các nền tảng cho vay kỹ thuật số và các nguồn tài chính thay thế, đồng thời cải thiện thị trường cổ phiếu và trái phiếu để giúp doanh nghiệp huy động vốn dễ dàng hơn.

Bà đề xuất Việt Nam quan tâm nâng cao đào tạo tay nghề và kỹ năng cho lực lượng lao động, bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nhân sự đáp ứng yêu cầu của một nền kinh tế số và kết nối toàn cầu.

Chính phủ cũng có thể xem xét hỗ trợ tài chính cho các sáng kiến chuyển đổi số, đặc biệt đối với SMEs ở khu vực nông thôn, giúp họ theo kịp các xu hướng phát triển hiện nay; đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa khu vực công và tư, đẩy nhanh quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là SMEs và thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động của SMEs.

"Cuối cùng, tăng trưởng xanh và bao trùm là con đường tất yếu của Việt Nam. Sự hỗ trợ lâu dài và ổn định của Chính phủ có ý nghĩa then chốt trong việc giúp khu vực tư nhân đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu đối với hàng hóa và dịch vụ bền vững về môi trường và xã hội, để từ đó doanh nghiệp Việt Nam vươn lên trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng quốc tế", TS. Michaela Baur nhấn mạnh.

Chính phủ giữ vai trò hỗ trợ quyết định đối sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam- Ảnh 3.

Trưởng đại diện Quỹ Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam Michael Siegner

Startup bền vững: Động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Trưởng đại diện Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF, CHLB Đức) tại Việt Nam Michael Siegner nhận định, khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (Startup) theo mô hình bền vững và kinh tế tuần hoàn đóng vai trò quan trọng cho quá trình phát triển dài hạn của Việt Nam.

Các Startup tại Việt Nam nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn hiện đang đối mặt với những thách thức phổ biến, như thiếu vốn, hạn chế về kỹ năng quản trị và khó tiếp cận với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Do đó, HSF theo đuổi sứ mệnh hỗ trợ các Startup Việt kết nối với những trung tâm đổi mới sáng tạo tại Singapore và thúc đẩy các doanh nghiệp lớn trong nước nhận ra tiềm năng hợp tác với các startup theo hướng phát triển bền vững.

Hiện tại, HSF chủ yếu hỗ trợ các startup theo định hướng sáng tạo và bền vững thông qua đào tạo, xây dựng năng lực và kết nối mạng lưới. Một trong những sáng kiến nổi bật là chương trình Climate Launchpad, do EU khởi xướng và HSF đồng tổ chức tại Việt Nam từ năm 2020. Trong năm năm qua, ClimateLaunchpad đã thu hút sự tham gia và đào tạo hơn gần 100 Startup từ 12 tỉnh, thành phố trên khắp Việt Nam.

Thông qua chương trình, nhiều startup tiềm năng đã được phát hiện và tạo thuận lợi để phát triển, điển hình như Alterno (đơn vị sản xuất pin từ cát) hay AirX Carbon (với sản phẩm NetZero Pallet được làm từ vật liệu phế thải sinh học xơ dừa polymer hóa). Hiện nay, các startup dẫn đầu cũng được tích hợp thành công vào chuỗi giá trị của các công ty lớn.

"Chúng tôi đã xây dựng được một mạng lưới khởi nghiệp xanh toàn cầu, kết nối Việt Nam với khu vực ASEAN và cả châu Phi, tạo điều kiện cho các startup học hỏi, chia sẻ và mở rộng thị trường", ông Siegner chia sẻ.

Thanh Thúy


Nguồn: https://baochinhphu.vn/chinh-phu-giu-vai-tro-ho-tro-quyet-dinh-doi-su-phat-trien-cua-kinh-te-tu-nhan-viet-nam-102250426162111557.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm