Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chờ con về, bố nhé!

“Chừng nào, con… mới… về… với bố?” - câu nói của bố trên điện thoại chậm rãi nghe rõ đến từng hơi thở mệt nhọc, làm tôi chợt bừng tỉnh: Có phải mình đã quá vô tâm với bố? Chẳng nghĩ thêm được gì, tôi vội vàng đến trường đón con gái và lên kịp chuyến xe khách

Báo Bình PhướcBáo Bình Phước05/04/2025

Tôi là đứa trẻ bị bỏ rơi ở bãi rác trên doi đất cạnh khu chợ làng khi mới còn đỏ hỏn, dây rốn còn chưa kịp cắt. Trong một lần đi lượm ve chai, bố đã nhặt được tôi khi kiến bu cắn khắp người, có chỗ đã loét da hở cả thịt và rỉ máu. Bố vội xua đàn kiến trên người rồi ôm tôi đến trạm y tế xã để sát trùng và trị vết thương. Trong tình cảnh ấy, tôi - đứa trẻ bị bỏ rơi như được tái sinh nên nghị lực sống thêm phần mạnh mẽ hơn, chỉ vài ngày là vết thương đã khô. Tôi được bố bế về nhà và trở thành con gái ông từ đó.

Bố sống một mình, không người thân thích và ở làng Chanh này cũng chẳng ai muốn gần gũi bố ngoại trừ chú Đính hàng xóm, bởi theo chú, tính bố thô kệch, ít nói nhưng lại rất tình cảm, gặp người khó khăn hơn là sẵn sàng sẻ chia, kể cả lon gạo cuối cùng trong nhà. Bởi vậy, người trong làng mới nói bố là kẻ khùng, kẻ điên khi thân mình còn lo chưa xong lại “đèo bòng” đứa trẻ đỏ hỏn.

 Để ngoài tai tất cả lời đàm tiếu, bố lấy gạo nấu cháo, chắt nước cho tôi uống rồi dỗ ngủ. Sau đó, bố ra chợ xin mọi người quần áo cũ và sữa cho tôi uống. Tuy không ưng bố nhưng lại thương xót cho tôi - đứa trẻ đói khát nên một số người quyên góp được quần áo, tã cũ, sữa và nhét vào tay bố rồi giục: “Mau về sớm kẻo nó khóc”. Bản tính thô kệch, ít nói, không biết thể hiện tình cảm nên bố cũng chỉ khẽ gật đầu ra điều cảm ơn rồi rảo bước về nhà.

Trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng, một tay bố chăm sóc, cưu mang con gái. Nhờ kiên trì lượm ve chai nên bữa ăn của hai bố con cũng tằn tiện qua ngày, khi có người thương tình cho miếng thịt, con cá… thì bữa cơm có món ngon. Như hiểu được khó nhọc của bố, tôi lớn lên mà ít bị bệnh, học hành vào diện khá, biết làm việc nhà. Lên lớp 6, tôi xin khản cổ bố mới đồng ý cho con gái một buổi đi học, một buổi ra chợ phụ bán hàng kiếm thêm tiền sinh hoạt. Bởi lúc này sức khỏe bố không còn như xưa, ngày đi làm, tối về mình mẩy đau nhức nên hầu như không ngủ được. Tôi muốn bố nghỉ ngơi cho lại sức, thuyết phục mãi bố mới chịu… gật đầu.

Cuộc sống cứ thế trôi qua, một già một trẻ nương tựa nhau, tưởng chừng tằn tiện đắp đổi cũng qua ngày. Thế nhưng, tai họa ập đến khi tôi đang học lớp 11. Vào một buổi chiều tối đi phụ bán hàng về, tôi đã bị đám thanh niên lêu lổng xóm bên chặn đường làm nhục. Tối ấy chờ mãi không thấy con gái về, bố đã soi đèn đi tìm và phát hiện ra tấm thân lê lết, yếu ớt của tôi đang ở bụi cây ven đường chỉ cách nhà chừng trăm mét. Bố hiểu ra tất cả và đỡ tôi dậy. Những giọt nước mắt bố rơi xuống làm tôi càng thêm đau điếng, bởi lần đầu tôi thấy bố khóc…

Bố động viên tôi “không sao đâu con, đã có bố đây rồi” và tôi đã òa khóc nức nở. Thế nhưng sau đó vì không chịu được miệng đời cay nghiệt nên tôi đã ích kỷ để bố ở lại đối diện, còn mình chạy trốn vào Nam. Nơi đất khách, không tiền, không nghề nghiệp, tôi bắt đầu bằng công việc rửa chén thuê. Thấy tôi hiền lành, chịu khó, lúc rảnh đều đến bếp phụ nấu nướng nên ông bà chủ thương tình truyền nghề cho tôi. Trời không phụ lòng người, sau 3 năm đứng bếp thuê, tôi đã học được nghề làm vốn giắt lưng để thuê mặt bằng mở tiệm bán đồ ăn sáng.

Quán tuy nhỏ nhưng tôi nấu ăn bằng cả tấm lòng, vừa sạch sẽ, lại chỉ lấy công làm lời nên khách mỗi ngày thêm đông. Trên tất thảy, tôi cật lực làm mọi việc chỉ để có điều kiện đón bố vào ở cùng. Và như duyên nợ, ước mơ đó chưa thành hiện thực thì một buổi tối sau khi đóng cửa tiệm, tôi đã nhặt được chiếc giỏ nhựa đặt ngoài cửa, bên trong có một đứa trẻ chừng vài ngày tuổi đang ngủ cùng tờ giấy “xin hãy cưu mang”. Chẳng kịp suy nghĩ, tôi vội ôm bé vào lòng. Nhìn đứa bé, tôi như thấy được chính mình năm xưa, có khác chăng là nơi bỏ rơi mà thôi.

Từ đó, tôi nhận nuôi bé gái. Nhờ chịu khó làm ăn, tiêu pha tiết kiệm nên chỉ sau vài năm cuộc sống cũng khá hơn, tôi ngỏ ý muốn đón bố vào để được an hưởng tuổi già. Thế nhưng bố lại không đồng ý bởi “không thể rời xa căn nhà bao năm bố dành dụm dựng lên và đó là nơi hương hỏa của tổ tiên”. Bố cũng không một lời than trách tôi, bởi bố cho rằng việc năm xưa tôi rời đi “là lựa chọn duy nhất lúc ấy để thoát khỏi áp lực tinh thần khi bản thân còn chưa kịp trưởng thành”.

Giờ đây, bố lâm bệnh và tôi hiểu mong ước duy nhất trong ông là được con, cháu tề tựu, sum họp, hơn cả những thứ vật chất, chi phí mà tôi thường gửi về phụng dưỡng ông.

Ngồi trên xe khách mà lòng tôi như lửa đốt, thời gian chưa bao giờ lại trôi chậm như lúc này. Đứa con gái 5 tuổi trong lòng mẹ vui vẻ ngắm cảnh dọc đường qua ô cửa kính xe, vừa nhoẻn miệng: “Mẹ ơi, chắc ông ngoại nhớ mẹ con mình nhiều lắm”. Tôi thầm cười và trả lời con gái: “Mẹ biết ông luôn nhớ mong mẹ con mình. Lần này mẹ đã tìm được đáp án chính xác cho cuộc đời mình, trốn tránh không phải là giải pháp hay, mà đối mặt để sống tốt, để được ở bên cạnh và đền đáp công ơn dưỡng dục của ông - người đã tái sinh cuộc đời mẹ, mới là đạo làm con”.

… Và nguyện ước duy nhất của con bây giờ là “Bố ơi, chờ con về… Bố nhé”!.

Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email [email protected], Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/171159/cho-con-ve-bo-nhe


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm