Theo thông tin của Chi cục Nông nghiệp và Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Môi trường), thời điểm hiện nay, một số loại dịch hại đang phát sinh trên lúa xuân. Bệnh đạo ôn lá xuất hiện với mức độ tương đương cùng thời điểm những vụ xuân gần đây. Bệnh xuất hiện gây hại mạnh trên các giống lúa nhiễm nặng, như: TBR 225, J02, Nếp, Ải 32, Nhị Ưu 838…; các diện tích gieo cấy dầy; các diện tích lúa xanh tốt… Bệnh đang gây hại cho một số diện tích lúa của huyện Thanh Liêm, Bình Lục và thị xã Kim Bảng. Tỉ lệ bệnh trung bình rải rác, nơi cao 3-5% số lá, cục bộ hơn 10% số lá. Tổng diện tích có vết bệnh là 40,2 ha, diện tích nhiễm là 36,2 ha. Các địa phương đã chỉ đạo người dân phun phòng trừ được 28,8 ha và xử lý phun 2 lần được 8,3 ha. Tại thị xã Kim Bảng, nơi lúa xuân được gieo cấy sớm đã phát hiện bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại 14,5 ha rải rác tại các địa phương và đã được phòng trừ. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Kim Bảng cho biết: Bệnh đạo ôn lá phát sinh chưa nhiều, nhưng đây sẽ là nguồn của bệnh đạo ôn cổ bông nguy hiểm giai đoạn lúa trỗ, dễ dẫn đến mất mùa cục bộ. Trung tâm đang tích cực chỉ đạo và hướng dẫn để các địa phương phòng trừ triệt để bệnh đạo ôn lá trên lúa xuân hiện nay.
Cùng với bệnh đạo ôn lá, một số đối tượng dịch hại đang xuất hiện trên diện tích lúa xuân của tỉnh. Trong đó, chuột gây hại rải rác tại những diện tích ven làng, gò đống… Đây là đối tượng cần quan tâm triển khai các biện pháp diệt trừ thường xuyên hạn chế nguồn gây hại nhất là giai đoạn cây lúa làm đòng, trỗ bông. Các loại dịch hại khác có nguy cơ xuất hiện gây hại thời gian tới, như: bệnh lùn sọc đen phương nam, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu – rầy lưng trắng, khô vằn và một số đối tượng dịch hại khác. Theo ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp và Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Môi trường), thời tiết năm nay khá thuận lợi cho lúa xuân sinh trưởng, phát triển. Từ đầu vụ, các đối tượng dịch hại phát sinh không nhiều và được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, thời điểm lúa trỗ, tập trung trong khoảng từ 5 – 20/5 sâu, bệnh rất dễ phát sinh và gây hại mạnh. Do vậy, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố, thị xã và hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nông dân phòng trừ.
Để thực hiện tốt việc phòng trừ sâu, bệnh trong các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, Chi cục Nông nghiệp và Kiểm lâm đã triển khai các biện pháp phòng trừ đến các địa phương theo phương pháp “4 đúng” gồm: đúng thời điểm, đúng thuốc, đúng liều lượng và phun đúng kỹ thuật. Trước mắt, tập trung bám sát đồng ruộng kiểm tra, phát hiện diễn biến mức độ phát sinh, mật độ của sâu, bệnh để phòng trừ kịp thời, hiệu quả khi đến ngưỡng. Với đối tượng đạo ôn lá có khả năng phát sinh mạnh nếu thời tiết tiếp tục thuận lợi cho bệnh phát triển (thời tiết âm u, có mưa nhỏ, mưa phùn rải rác). Do đó, các địa phương cần chú ý đến các giống nhiễm nặng, diện tích bón phân mất cân đối, diện tích lúa xanh tốt; những ruộng lúa xuân đã có bệnh đạo ôn lá xuất hiện, dừng bón phân đạm, kali không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ đủ nước trong ruộng; tổ chức phun trừ những diện tích chớm bị bệnh có vết bệnh cấp tính, phun kép lại lần 2 sau lần 1 từ 4 – 5 ngày nếu bệnh tiếp tục phát triển. Để phòng chống bệnh lùn sọc đen Phương Nam, cần điều tra cụ thể mật độ rầy lưng trắng, phát hiện sớm những cây lúa có triệu chứng dị dạng, lá xanh đậm, lùn xoắn, mép có vệt trắng răng cưa... Khi phát hiện thấy cây lúa có triệu chứng bệnh, cán bộ HTXDVNN, cán bộ bảo vệ thực vật cơ sở cần báo cáo ngay cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp để về kiểm tra xác minh và chỉ đạo phòng trừ cụ thể, đạt hiệu quả… Cũng theo ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp và Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Môi trường), giai đoạn tới khi lúa trỗ là thời điểm quan trọng nhất trong phòng trừ dịch hại cho lúa xuân. Công tác kiểm tra, phát hiện các đối tượng sâu bệnh trên đồng ruộng cần được chú trọng, tránh tư tưởng chủ quan trong phòng trừ.
Thời tiết vụ lúa xuân năm nay vẫn có nhiều bất thuận, là điều kiện để các đối tượng dịch hại tiếp tục phát sinh, phát triển và gây hại cho lúa. Công tác phòng trừ vẫn cần được quan tâm, nhất là công tác điều tra, dự tính, dự báo. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh sử dụng máy bay điều khiển từ xa phun thuốc bảo vệ thực vật nâng cao hiệu quả phòng trừ, góp phần quan trọng bảo vệ lúa xuân, không để tình trạng giảm năng suất hay mất mùa cục bộ do sâu, bệnh gây hại.
Mạnh Hùng
Nguồn: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/chu-dong-phong-tru-cac-doi-tuong-dich-hai-cho-lua-xuan-156133.html
Bình luận (0)