Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, hoạt động kinh doanh thương mại không ngừng mở rộng về phạm vi và quy mô; vượt ra khỏi giới hạn của thị trường truyền thống và diễn ra sôi động trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội, như: Lazada, Shopee, Facebook, Zalo, TikTok…
Bên cạnh những lợi ích sàn thương mại điện tử mang lại, như: Giúp DN mở rộng thị trường, giảm chi phí, tăng lợi nhuận và hỗ trợ thanh toán nhanh chóng, nền tảng này vẫn còn tồn tại không ít hạn chế trong hoạt động mua bán trực tuyến, nhất là nạn hàng giả, hàng lậu; các hình thức kinh doanh có yếu tố nước ngoài phát sinh ngày càng đa dạng và nguy cơ xảy ra tranh chấp với đối tác trong môi trường giao dịch điện tử. Đặc biệt, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch diễn ra với mức độ tinh vi, khiến người tiêu dùng vẫn còn e ngại trong việc mua sắm và thanh toán trực tuyến.
Nhằm cập nhật thông tin cho các cơ quan quản lý, nâng cao nhận thức của cộng đồng DN và toàn xã hội về vai trò của CĐS trong phát hiện, ngăn chặn và xử lý hàng giả, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn chủ đề “CĐS trong lĩnh vực phòng, chống hàng giả, hàng lậu và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”. Đây là dịp để DN nhìn nhận đầy đủ hơn về tầm quan trọng của CĐS trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, giới thiệu các giải pháp công nghệ mới ứng dụng trong thực tiễn và hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4.
Đại biểu dự tập huấn
Tại buổi tập huấn, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; DN và hợp tác xã đã được nghe Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh Trần Giang Khuê trình bày và phổ biến kiến thức chuyên sâu xoay quanh 3 chuyên đề chính: CĐS trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và phòng, chống hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại An Giang; thực trạng tình hình CĐS trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho DN trong quá trình CĐS.
Các DN chia sẻ rằng, đây là dịp để cộng đồng DN tìm kiếm và đề xuất các giải pháp ứng dụng CĐS trong lĩnh vực phòng, chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, bền vững.
Theo ông Trần Giang Khuê, Nhà nước đã tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống hàng giả; các biện pháp đấu tranh được triển khai đồng bộ, thường xuyên, đặc biệt chú trọng môi trường số. Đồng thời, hệ thống quy định pháp lý ngày càng hoàn thiện theo hướng đủ mạnh để xử lý; cơ chế, chính sách được cập nhật, đổi mới phù hợp với thực tiễn và sự phát triển công nghệ; hợp tác quốc tế về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục được thúc đẩy. Ông Khuê nhấn mạnh, DN cần chủ động tiến hành các thủ tục pháp lý để bảo hộ tài sản trí tuệ; áp dụng các biện pháp quản trị hiện đại, tận dụng công nghệ 4.0 và CĐS để tự bảo vệ mình; xây dựng bộ phận chuyên trách quản lý, theo dõi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; chủ động yêu cầu, phối hợp cơ quan chức năng trong xử lý các hành vi xâm phạm, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đồng thời, cần tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Về phía người tiêu dùng, cần "nói không" với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; chủ động thông tin cho DN hoặc cơ quan chức năng khi phát hiện hàng hóa vi phạm và yêu cầu được bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, để phòng, chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả, cần đẩy mạnh ứng dụng CĐS, kết hợp với giải pháp công nghệ hiện đại trong truy xuất nguồn gốc và giám sát thị trường. Sở sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt trong việc tuân thủ pháp luật, không kinh doanh, mua bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng.
HẠNH CHÂU
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/chuyen-doi-so-ngan-chan-hang-gia-va-xam-pham-so-huu-tri-tue-a419008.html
Bình luận (0)