Trong đó, bức ảnh nổi tiếng “Chiến sĩ gái đơn vị xăng dầu Trường Sơn” gợi lên trong lòng những người xem bao niềm xúc động…
Trong ảnh, nữ chiến sĩ Trần Thị Thanh Kiêm (quê Thái Bình) bên trái “lưng ong, ngực vồng”, trên vai là chiếc đòn gánh với những cổ cút, vòng ngoàm; đi bên cạnh là người đồng đội Nguyễn Thị Lan (quê Hải Dương) dáng cao, vác một đoạn ống dẫn xăng dầu "chọc trời”.
Cả hai trong tư thế tiến về phía trước giữa nắng tươi. Người chụp đứng phía dưới (có lẽ là con dốc hoặc miệng một hố bom) hướng ống kính về nơi hai nữ chiến sĩ đang tiến đến. Góc chụp này khiến hình ảnh hai cô gái nổi bật trên nền trời cuồn cuộn những đám mây.
Tiền cảnh bên trái có một thân cây mất ngọn, nát te tua – phản ánh rất chân thực sự khốc liệt của chiến trường. Điều dễ nhận thấy, người chụp và nhân vật đã hòa chung xúc cảm, tạo nên một ấn tượng nghệ thuật vượt thời gian ngay tại chiến trường ác liệt.
“Chiến sĩ gái đơn vị xăng dầu Trường Sơn”. Ảnh: Vương Khánh Hồng |
Những người lính vận tải năm xưa kể: Bức ảnh được chụp cuối năm 1973, tác giả là Vương Khánh Hồng, phóng viên ảnh của Cục Chính trị Bộ Tư lệnh 559 (tác phẩm này đã đoạt giải Nhất của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1974, ông Vương Khánh Hồng cũng vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012 với bộ ảnh “Đường Hồ Chí Minh những năm chiến tranh”). Khi đó, hai nữ chiến sĩ đang chiến đấu trong đội hình Trung đoàn đường ống xăng dầu 592 Bộ đội Trường Sơn, bên dòng sông Sê Pôn thuộc tỉnh Savannakhet nước bạn Lào. Đơn vị có khoảng 300 cô gái làm nhiệm vụ bảo đảm thông suốt, an toàn tuyến vận chuyển xăng dầu vào miền Nam. Họ ngoan cường đối mặt với gian khổ, với bom B-52 Mỹ, là những “bông hoa thép” tô thêm vẻ đẹp của đường ống Trường Sơn.
Hôm ấy, đang vận chuyển ống dẫn xăng dầu từ lòng sông Sê Pôn về vị trí tập kết, hai nữ chiến sĩ từ bờ sông đi lên, vừa đi vừa tíu tít nói chuyện. Bỗng có anh bộ đội đeo máy ảnh xuất hiện và nói to: “Này hai em gái, dừng lại cho anh chụp bức ảnh nhé”; các cô gái thích thú và nói: “Vâng. Anh nhớ gửi tặng chúng em mỗi đứa một bức đấy”. Thế là bức ảnh “Chiến sĩ gái đơn vị xăng dầu Trường Sơn” ra đời. Đơn giản như thế song nó là một trong những bức ảnh đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.
Nữ chiến sĩ Trần Thị Thanh Kiêm trước ngày đi chiến trường. Ảnh tư liệu |
Ngắm nhìn bức ảnh, có thể thấy tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết, những chiến sĩ gái Trường Sơn ngày ấy luôn hăng hái đảm nhận mọi nhiệm vụ được giao: vận hành đường ống xăng dầu, trực tổng đài, thủ kho và cả mang lời ca tiếng hát giúp đồng đội thêm lạc quan, yêu đời... Đúng như câu ca: “Ống dài nối nhịp xăng reo/ Vai em gánh cả núi đèo Trường Sơn”, hai nữ chiến sĩ như những “cánh hoa rừng Trường Sơn” mãi tươi thắm dù phải dầm mình trong lửa đạn chiến tranh ác liệt. Nơi chiến trường, lằn ranh sinh tử cực kỳ mong manh, các chị vẫn phơi phới niềm lạc quan yêu đời, vững tin vào ngày toàn thắng.
Năm 2019, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam kỷ niệm 60 năm mở đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2019), rồi Hội Nữ Trường Sơn tổ chức kỷ niệm tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bà Trần Thị Thanh Kiêm và bà Nguyễn Thị Lan đã được mời dự và kể về bức ảnh. Những dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, Ngày toàn thắng 30/4, chuyện Trường Sơn, chuyện bức ảnh lại được nhắc nhớ, lan tỏa thêm niềm tự hào về một thời hào hùng…
Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/van-hoc-nghe-thuat/202505/chuyen-ve-buc-anh-chien-si-gai-don-vi-xang-dau-truong-son-cee05fa/
Bình luận (0)