Hợp tác xuyên biên giới về trang sức
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Trang sức và Đá ngọc ASEAN diễn ra tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 23 - 26/4/2025, Doanh nhân Văn hóa Vũ Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty Bảo Tín Minh Châu đại diện cho Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam tham dự toạ đàm cùng 7 đại diện các nước ASEAN về những thay đổi và xu hướng phát triển thương mại ngành trang sức trong kỷ nguyên số hiện nay.
Doanh nhân Văn hóa –Vũ Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty Bảo Tín Minh Châu đại diện cho Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam tham dự toạ đàm cùng 7 đại diện các nước ASEAN |
Đây là sự kiện quan trọng trong ngành trang sức và đá ngọc ngọc của khu vực Đông Nam Á, nhằm kết nối cộng đồng doanh nghiệp trang sức ASEAN với thị trường toàn cầu, thúc đẩy hợp tác thương mại và chia sẻ kiến thức về xu hướng, công nghệ và tiếp thị trong ngành. Đặc biệt, Hội nghị Thượng đỉnh Trang sức và Đá ngọc ASEAN là lần đầu tiên được tổ chức tại Thái Lan, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc nâng cao vai trò của ASEAN trên bản đồ ngành trang sức thế giới.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 150 chuyên gia và doanh nhân hàng đầu đến từ các quốc gia ASEAN và các đối tác quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hồng Kông (Trung Quốc), Úc và New Zealand. Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác xuyên biên giới để phát triển bền vững ngành trang sức trong khu vực.
Các chuyên gia và doanh nhân hàng đầu đến từ các quốc gia ASEAN và các đối tác quốc tế tham dự Hội nghị. |
Việt Nam có thể trở thành “công xưởng trang sức” ASEAN
Đại diện doanh nhân của Việt Nam tham dự tọa đàm cùng các chuyên gia, doanh nhân hàng đầu khu vực ASEAN, Doanh nhân Văn hóa – Tổng giám đốc Vũ Minh Châu đã có những chia sẻ quan điểm về sự thay đổi thương mại toàn cầu hiện nay ảnh hưởng đến ngành công nghiệp trang sức.
Bên cạnh đó, nhìn nhận về xu hướng trong tương lai, ngành trang sức của Việt Nam đóng vai trò quan trong việc hỗ trợ chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Châu chia sẻ, ngành trang sức của Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thứ nhất, Việt Nam là nước có tay nghề chế tác tinh xảo, đặc biệt là kỹ thuật thủ công truyền thống. Thứ hai, với chi phí lao động hợp lý, kết hợp với việc áp dụng công nghệ cao đang giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn quốc tế. Thứ ba, trang sức Việt Nam mang nét đẹp Á Đông, gắn với biểu tượng văn hóa đang lên ngôi trên thị trường toàn cầu. Việt Nam có thể trở thành một “thương hiệu quốc gia” về trang sức thủ công cao cấp, góp phần đa dạng hóa nguồn cung cho thị trường thế giới.
“Với vị trí là một doanh nghiệp uy tín, lâu năm trong lĩnh vực kinh doanh và chế tác vàng trang sức, đá ngọc quý tôi nhận thấy Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nơi gia công trang sức cho các doanh nghiệp ASEAN, cũng là thị trường tiềm năng tiêu thụ cũng như xuất khẩu các sản phẩm trang sức cho thị trường chung các nước ASEAN”, ông nhận định.
Tham dự Hội nghị thượng đỉnh trang sức quốc tế ASEAN lần này không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp trong khu vực nâng cao năng lực sản xuất và phát triển công nghệ mới, mà còn là nền tảng để xây dựng mạng lưới hợp tác bền vững, hướng tới việc đưa ngành trang sức ASEAN ra thế giới. Sự kiện thu hút hàng chục nghìn khách tham quan và và là trung tâm cho hàng nghìn người mua quốc tế đến để giao thương.
Nằm trong khuôn khổ sự kiện, đã diễn ra hội chợ quốc tế ngành trang sức. Phiên thảo luận đặc biệt với chủ đề “AGJA - ASEAN Brainstorming to Support Country Partners” quy tụ các lãnh đạo chủ chốt của Hiệp hội Thương mại Đá quý và Trang sức ASEAN (AGJA), các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về việc hỗ trợ phát triển thị trường nội địa, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng khu vực, và thúc đẩy thương mại song phương trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Đây là bước đi thiết thực nhằm hiện thực hóa tầm nhìn chung của AGJA trong việc xây dựng một hệ sinh thái trang sức bền vững, đổi mới và gắn kết tại Đông Nam Á. |
Nguồn: https://congthuong.vn/co-hoi-nao-cho-trang-suc-viet-nam-giua-thuong-truong-asean-384992.html
Bình luận (0)