Trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn luôn giữ vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng. Trong bối cảnh mới, khi Luật Công đoàn sửa đổi chuẩn bị có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, vai trò của Công đoàn càng được khẳng định rõ ràng hơn: Là chiếc cầu nối vững chắc giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước – tất cả dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Hướng mạnh vào doanh nghiệp ngoài nhà nước
Trong nhiều năm qua, tổ chức Công đoàn, đặc biệt là Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN), đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, tiếp cận sát hơn với khối doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Đây là khu vực năng động, chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất và giải quyết việc làm, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức về điều kiện lao động, phúc lợi xã hội và chấp hành pháp luật lao động.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và định hướng tư tưởng cho đoàn viên, người lao động. Ảnh: Cấn Dũng |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong bài phát biểu nhân Tháng Công nhân 2025 đã nhấn mạnh, các cấp Công đoàn cần: Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và định hướng tư tưởng cho đoàn viên, người lao động”, tạo nền tảng để thiết lập quan hệ lao động hài hòa.
Không chỉ đại diện cho người lao động, Công đoàn còn cần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp – đặc biệt trong bối cảnh biến động thị trường, chuyển đổi công nghệ và áp lực hội nhập.
Điểm đáng chú ý trong thời gian gần đây là xu hướng tổ chức Công đoàn tham gia ngày càng sâu vào quá trình giám sát thực hiện chính sách pháp luật trong doanh nghiệp. Với vai trò “cầu nối”, Công đoàn góp phần tạo tiếng nói chung giữa người lao động, chủ sử dụng lao động và cơ quan nhà nước.
Thúc đẩy thực hiện chính sách pháp luật qua đối thoại và tham vấn
Một trong những bước tiến mới là việc phát huy cơ chế tham vấn và đối thoại ba bên. Trong đó, Công đoàn không chỉ là đại diện quyền lợi người lao động, mà còn là cầu nối để doanh nghiệp chủ động tiếp cận, góp ý, giám sát chính sách pháp luật trong quá trình thực thi.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang tham quan dây chuyền sản xuất phân bón tại Công ty Supe Lâm Thao. Ảnh: Cấn Dũng |
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước đã chủ động cùng Công đoàn cơ sở xây dựng thỏa ước lao động tập thể, tham gia các hội nghị người lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao chế độ chính sách.
Sự đồng hành của Công đoàn với người lao động được thể hiện rõ nét qua các chương trình như “Mái ấm Công đoàn”, “Bữa cơm Công đoàn”, chăm lo Tết cho công nhân, hỗ trợ người lao động bị mất việc hoặc giảm giờ làm… Đây không chỉ là hoạt động nhân đạo, mà còn là minh chứng cho vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên – một trong những chức năng cốt lõi của tổ chức Công đoàn.
Vai trò của Công đoàn trong giám sát việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn vệ sinh lao động… ngày càng rõ nét, góp phần hạn chế xung đột lao động, giữ vững ổn định sản xuất.
Đưa hàng Việt đến gần người tiêu dùng – bằng sức mạnh của đoàn viên
Một nội dung quan trọng nữa được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đặc biệt nhấn mạnh trong Tháng Công nhân 2025 là tiếp tục triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Các cấp Công đoàn được yêu cầu xác định đây là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài, và phải đổi mới mạnh mẽ về phương thức tuyên truyền.
Supe Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) đã tổ chức Gian hàng phúc lợi, khu vực trưng bày, bán sản phẩm Việt Nam chất lượng cao với giá ưu đãi phục vụ người lao động. Ảnh: Cấn Dũng |
Hưởng ứng tinh thần đó, nhiều công đoàn cơ sở trong ngành đã tổ chức hội chợ hàng Việt, tuần lễ tiêu dùng hàng nội địa tại khu công nghiệp, đưa hàng Việt chất lượng cao đến với công nhân lao động.
Song song, phong trào “Tiêu dùng thông minh – dùng hàng Việt vì cộng đồng” cũng được phát động rộng rãi trong khối công nhân viên chức lao động, trở thành lực lượng tiêu dùng chủ lực và là kênh lan tỏa ý thức tiêu dùng hàng Việt hiệu quả.
Hướng ứng Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động 2025, Supe Lâm Thao đã tổ chức Gian hàng phúc lợi, khu vực trưng bày, bán sản phẩm Việt Nam chất lượng cao với giá ưu đãi. Với 3 khu vực chính: Sản phẩm của chính Supe Lâm Thao (phân bón, hóa chất).
Thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu từ các doanh nghiệp Việt: gạo, gia vị, đồ gia dụng…Khu chăm sóc sức khỏe và giới thiệu dịch vụ hỗ trợ công nhân. Điều này khẳng định thông điệp nhân văn của Công đoàn Công Thương Việt Nam và Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã lan tỏa mạnh mẽ.
Hài hòa lợi ích – nền tảng bền vững cho doanh nghiệp và xã hội
Một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển bền vững là môi trường lao động ổn định, nơi quyền và nghĩa vụ các bên được thực thi công bằng. CĐCTVN với gần 150.000 đoàn viên đang nỗ lực thiết lập chuẩn mực mới về quan hệ lao động trong doanh nghiệp ngoài nhà nước – nơi vốn tiềm ẩn nhiều yếu tố nhạy cảm.
Bằng việc khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào các hoạt động công đoàn sẽ giúp tạo dựng nền tảng tin cậy, đồng thuận để phát triển. Ảnh: Cấn Dũng |
Bằng việc khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào các hoạt động công đoàn, không chỉ với vai trò người sử dụng lao động mà còn là “đối tác đồng hành”, tổ chức Công đoàn đang giúp tạo dựng nền tảng tin cậy, đồng thuận để phát triển. Nơi nào có Công đoàn hoạt động hiệu quả, nơi đó năng suất lao động cao hơn, tỷ lệ nghỉ việc giảm và mối quan hệ lao động ổn định hơn.
Công đoàn không chỉ là tiếng nói của người lao động, mà còn là lực lượng đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật được phát động rộng khắp đã tạo nên hàng trăm nghìn giải pháp hữu ích, góp phần tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp. Đây là minh chứng rõ ràng cho vai trò tích cực của Công đoàn trong việc gắn kết giữa phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người lao động.
Thông qua các hoạt động, Công đoàn còn giúp nhà nước thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội, đảm bảo quyền lợi lao động, thúc đẩy bình đẳng giới, cải thiện môi trường làm việc và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, trong Tháng Công nhân và Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2025, với chủ đề “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới”, Công đoàn đã phối hợp đồng bộ với các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp để nâng cao nhận thức, hành động thực chất vì an toàn, sức khỏe và năng suất lao động.
Trong năm 2025 – năm bản lề để thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng và Công đoàn các cấp – Công đoàn càng cần khẳng định vai trò là người bạn đồng hành tin cậy của người lao động, là “cầu nối ba bên” giữa Đảng – Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Để làm được điều đó, Công đoàn cần tiếp tục chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đẩy mạnh truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, đồng thời chủ động đề xuất giải pháp chính sách với các cấp chính quyền, góp phần hoàn thiện thể chế lao động phù hợp với thực tiễn. Công đoàn không chỉ cần làm tốt vai trò đại diện mà còn phải tiên phong trong việc phát động, dẫn dắt các phong trào thi đua yêu nước, sáng tạo trong công nhân viên chức lao động, tạo khí thế mới cho phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế. |
Nguồn: https://congthuong.vn/cong-doan-cau-noi-ben-vung-giua-quan-ly-nha-nuoc-385669.html
Bình luận (0)