Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Công nghệ thông tin - “đôi mắt” của người khiếm thị

(Baothanhhoa.vn) - Việc mất đi đôi mắt, cuộc sống của người khiếm thị gặp rất nhiều khó khăn. Dẫu vậy, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT) đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ giúp người khiếm thị vượt qua những rào cản trong học tập, lao động, sinh hoạt hàng ngày. Với họ, CNTT được ví như “đôi mắt” mở rộng tầm nhìn về đời sống xã hội và thế giới xung quanh.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa26/04/2025

Công nghệ thông tin - “đôi mắt” của người khiếm thị

Cô giáo Nguyễn Thị Mạo, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, hướng dẫn học sinh sử dụng máy vi tính.

Gặp Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Nguyễn Thị Mạo, khi chị đang say sưa hướng dẫn học sinh bên chiếc máy tính đã được cài sẵn phần mềm hỗ trợ dành cho người khiếm thị. Nhìn những ngón tay lướt trên bàn phím linh hoạt và chuẩn xác, ít ai dám tin đó là bàn tay của người không còn thị lực. Chị Mạo chia sẻ: “Mặc dù máy tính đã cài đặt phần mềm hỗ trợ cho người khiếm thị bằng âm thanh, nhưng những ngày đầu sử dụng bản thân tôi cũng phải đánh vật với bàn phím. Bởi vì, đối với người bình thường có thể sử dụng con chuột, còn với người mù phải sử dụng thành thạo 10 ngón tay, định hình được từng con chữ, số, dấu ở các phím. Trước kia để soạn thảo được văn bản có khi tôi mất cả ngày, thậm chí vài ngày, nhưng rồi kiên trì làm thì mọi việc đã thành thạo thôi”.

Qua trò chuyện tôi mới hay, năm 1995, chị Mạo gặp biến cố khiến hai mắt bị mù. Ở độ tuổi 17 với biết bao dự định hoài bão và từ người sáng mắt trở thành khiếm thị, chị đã có thời gian trong trạng thái trầm cảm. Chị tự nhốt mình trong căn phòng, không gặp gỡ và trò chuyện với bất cứ ai, thậm chí trốn tránh cả bố mẹ. Tuy nhiên, được sự yêu thương, đùm bọc của người thân, chị đã “vực” dậy tinh thần, năm 18 tuổi chị tham gia vào Hội Người mù Thiệu Yên (nay là Hội Người mù huyện Thiệu Hóa) và được học chữ nổi (chữ braille), học nghề, tham gia những lớp đào tạo máy vi tính cơ bản. Với tinh thần cầu thị và nỗ lực phấn đấu, hàng ngày chị Mạo kiên trì, nỗ lực học tập để sử dụng thành thạo tin học. Cùng sự hỗ trợ của các phần mềm đọc màn hình, như phần mềm đọc tiếng Việt, Talkback, Raws (công cụ hỗ trợ truy cập máy tính dành cho người khiếm thị), chị đã soạn thảo văn bản một cách dễ dàng, biết cách truy cập trang web, truy cập tìm kiếm và đọc các tài liệu trên mạng. Đặc biệt, chị có thể dùng zalo, facebook, gmail để giao lưu với bạn bè, người thân như người bình thường.

Từ sự đồng cảm với những người khiếm thị, chị Mạo đã lan tỏa niềm đam mê tìm hiểu CNTT đến cán bộ, hội viên và học sinh khiếm thị ở các cấp hội. Vừa lắng nghe âm thanh và bấm từng con chữ trên bàn phím máy vi tính, em Lê Văn Thịnh ở xã Xuân Lam (Thọ Xuân), cho hay: “Em sinh ra đã không được nhìn thấy ánh sáng, tuổi thơ em sống trong tình yêu thương của nhà nội. Đến năm 10 tuổi, em được ông bà dẫn xuống học tại Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề cho người mù tỉnh. Em được học chữ braille và cách sử dụng máy vi tính. Từ khi được học đã giúp em cập nhật rất nhiều kiến thức bổ ích, có thêm những người bạn mới để trao đổi thông tin, giao lưu học tập. Em sẽ cố gắng học tập để trở thành giáo viên dạy Tin học trong tương lai”.

Hiện nay, Hội Người mù tỉnh có 3.026 hội viên đang sinh hoạt ở các cấp hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó, người khiếm thị sử dụng được điện thoại thông minh chiếm khoảng 50%. Nhận thức được tầm quan trọng của CNTT với người khiếm thị, những năm qua, Hội Người mù tỉnh luôn quan tâm đến việc hỗ trợ, hướng dẫn, mở các lớp tập huấn CNTT để giúp cán bộ, hội viên, học sinh dễ dàng tiếp cận và sử dụng CNTT. Từ năm 2015 đến nay, Hội Người mù tỉnh đã tập huấn cho gần 1.000 cán bộ, hội viên và học sinh khiếm thị. Đồng thời, phối hợp với các cá nhân, tổ chức hảo tâm trong và ngoài tỉnh tặng nhiều máy vi tính đến các cấp hội trong tỉnh; tặng 100 điện thoại thông minh cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi được đào tạo, hầu hết các học viên đều nắm vững những kiến thức cơ bản về tin học, sử dụng thành thạo máy vi tính, điện thoại thông minh.

Anh Nguyễn Xuân Trung, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, cho biết: “Trong bối cảnh xã hội hiện nay đang tập trung vào việc chuyển đổi số, CNTT đã trở thành công cụ không thể thiếu, đặc biệt đối với người khiếm thị. Đến nay, 100% cán bộ hội sử dụng được máy vi tính, điện thoại thông minh một cách thành thạo, chủ động trong công tác soạn thảo văn bản, lưu trữ, quản lý thông tin phục vụ công việc. Điều đáng mừng là từ sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ đã giúp người khiếm thị không ngừng nâng cao kiến thức, khả năng ngoại ngữ hoặc những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Công nghệ đã mở ra một thế giới tri thức mới, giúp họ luôn vươn lên, hoàn thiện bản thân, trở thành những người có ích cho xã hội”.

Bài và ảnh: Trung Hiếu

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/cong-nghe-thong-tin-doi-mat-nbsp-cua-nguoi-khiem-thi-246946.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm