Để nâng cao hiệu quả GQVL cho NLĐ, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cho các doanh nghiệp, Sở Nội vụ đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh triển khai đa dạng các giải pháp hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động DVVL để mở rộng phạm vi khai thác thông tin thị trường lao động, tăng số lượng lao động cung ứng và rút ngắn thời gian cung ứng lao động.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới NLĐ các cơ chế, chính sách hỗ trợ GQVL; thông tin kịp thời tình hình thị trường lao động, các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, thông tin của các đơn vị DVVL, doanh nghiệp được giới thiệu tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Phó Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Phùng Quốc Ban cho biết: Nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, trung tâm đã xây dựng mạng lưới cộng tác viên là cán bộ lao động - việc làm tại các xã, phường, thị trấn, nhân viên, giáo viên của các trung tâm GDNN-GDTX trong toàn tỉnh; ký kết biên bản hợp tác, cung cấp thông tin thị trường lao động, cung ứng lao động với các trung tâm DVVL các tỉnh lân cận, ký kết hợp đồng hỗ trợ tuyên truyền, cung ứng lao động với các doanh nghiệp.
Đồng thời, chủ động đẩy mạnh tư vấn NLĐ thất nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề và hỗ trợ họ tìm kiếm công việc phù hợp, sớm quay trở lại thị trường lao động.
Cùng với đó, trung tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu và cung ứng lao động cho doanh nghiệp thông qua việc xây dựng và vận hành website vieclamvinhphuc.gov.vn.
Website được thiết kế theo hướng chuyên nghiệp, thân thiện với người dùng; thường xuyên đăng tải, cập nhật thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, các chương trình xuất khẩu lao động và du học…
Chỉ với chiếc điện thoại hay máy tính kết nối internet, NLĐ có thể đăng tải hồ sơ ứng tuyển của mình, các doanh nghiệp cũng có thể tự đăng thông tin tuyển dụng, tìm kiếm lao động.
Bên cạnh đó, hằng năm, trung tâm tổ chức hàng chục phiên giao dịch việc làm dưới nhiều hình thức như phiên cố định tại trung tâm, phiên lưu động tại các cơ sở GDNN-GDTX, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, phiên giao dịch việc làm online…
Riêng trong quý I/2025, trung tâm đã tổ chức 5 phiên giao dịch việc làm với 10 lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia, nhu cầu tuyển dụng hơn 2.900 người và gần 160 lao động đăng ký tư vấn tại sàn.
Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Mansa Việt Nam, trụ sở chính đặt tại thành phố Vĩnh Yên, chuyên cung cấp hệ sinh thái dịch vụ toàn diện cho các doanh nghiệp, trong đó đặc biệt tập trung vào dịch vụ cung ứng và cho thuê lại lao động cho các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận.
Công ty đang quản lý hơn 3.000 lao động, trong đó có khoảng 1.800 NLĐ đang được cho thuê lại làm việc tại hơn 60 nhà máy, khu công nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh.
Năm 2024, công ty đã cung ứng hơn 2.300 lao động cho hơn 70 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Quý I/2025, công ty đã cung ứng 1.300 lao động cho 43 doanh nghiệp theo hình thức cho thuê lại và 86 lao động cho 7 doanh nghiệp theo hình thức giới thiệu việc làm.
Ông Nguyễn Thanh Trương, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Mansa Việt Nam cho biết: Để nâng cao hiệu quả cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, công ty đã tuyển dụng NLĐ trong tỉnh và những tỉnh lân cận; chủ động liên kết với các nhà trọ, khu lưu trú để hỗ trợ NLĐ ổn định chỗ ở, đời sống; mở rộng liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh nhằm xây dựng nguồn nhân lực dài hạn.
Để tăng cường kết nối cung - cầu lao động, vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức hội chợ việc làm năm 2025 thu hút sự tham gia của 30 doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hàng trăm học sinh, sinh viên, NLĐ.
Tại hội chợ, học sinh, sinh viên và NLĐ được tiếp cận, tìm hiểu năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cùng nhiều ngành, nghề xu hướng hiện nay như điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, kinh tế - tài chính, du lịch; được tư vấn về các chính sách vay vốn, hỗ trợ đào tạo nghề, GQVL của Trung ương, của tỉnh; tìm hiểu thông tin về thị trường lao động, cơ hội việc làm, yêu cầu của nhà tuyển dụng…
Qua đó, tạo cơ hội để học sinh, sinh viên, NLĐ tìm kiếm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo và năng lực của bản thân; nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động giữa doanh nghiệp và Trung tâm DVVL tỉnh, doanh nghiệp hoạt động cung ứng lao động.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, giai đoạn 2020 - 2024, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh GQVL cho khoảng 22.000 lao động, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong quý I/2025, toàn tỉnh GQVL cho hơn 6.400 lao động, đạt gần 38% mục tiêu kế hoạch năm; các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới hơn 7.200 lượt lao động, tăng hơn 4.100 lượt so với cùng kỳ năm 2024.
Để hoàn thành mục tiêu GQVL cho 17.000 lao động trong năm 2025, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới, đa dạng các hình thức kết nối cung - cầu lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số, kịp thời cung cấp cho NLĐ các thông tin về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp…
Phương Anh
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/127798/Da-dang-giai-phap-ket-noi-cung---cau-lao-dong
Bình luận (0)