Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đa dạng hình thức, tối ưu chất lượng tuyên truyền Dự án 8

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức được xem là nhiệm vụ nòng cốt của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Để tối ưu hóa các nguồn lực tuyên truyền, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) đã không ngừng đổi mới cách thức, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, sinh hoạt, đồng thời số hóa các sản phẩm truyền thông, góp phần lan tỏa các nội dung mà dự án triển khai đến người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị17/04/2025

Đa dạng hình thức, tối ưu chất lượng tuyên truyền Dự án 8

Thành viên Tổ truyền thông cộng đồng ở xã Linh Trường, huyên Gio Linh sử dụng các ấn phẩm truyền thông của Dự án 8 để hướng dẫn cho người dân - Ảnh: T.C.L

Với mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG), giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em (PN&TE), Dự án 8 đã đề ra nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác tuyên truyền cho PN&TE và người dân vùng đồng bào DTTS&MN. Đối tượng của dự án là người dân đồng bào DTTS tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nên để những nội dung như phòng, chống bạo lực giới, BĐG đi vào đời sống của người dân tương đối khó khăn.

Để nâng cao chất lượng tuyên truyền, ngay từ khi triển khai dự án, hội LHPN các cấp đã nghiên cứu, học hỏi để đổi mới phương thức sinh hoạt, tuyên truyền, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền phù hợp, dễ hiểu với đồng bào DTTS, đem lại hiệu quả thiết thực.

Nhờ phối hợp tích cực của các cấp, ngành, địa phương, đến nay, các cấp hội LHPN trên toàn tỉnh đã thành lập 171 “Tổ truyền thông cộng đồng” gồm 1.560 thành viên là cán bộ xã, xóm. Ban điều hành của 54 “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng đã tuyên truyền 121 cuộc cho 7.220 lượt người dân về những vấn đề tại địa phương; thành lập và duy trì 29 câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại trường học. Tại cộng đồng, 100% tổ truyền thông đã đi vào vận hành hoạt động.

Bước đầu, các thành viên đã lựa chọn những hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nội dung, đối tượng tham gia như: truyền thông trực tiếp tại các buổi sinh hoạt cộng đồng, lồng ghép trong các cuộc họp thôn, bản, truyền thông tại gia đình, qua hệ thống phát thanh, sân khấu hoá,...

Các cấp hội LHPN đã đa dạng hình thức tuyên truyền như: tổ chức 57 chiến dịch truyền thông tìm hiểu kiến thức về BĐG, định kiến giới, khuôn mẫu giới và những vấn đề cấp thiết đối với PN&TE tại huyện, xã, cộng đồng khu dân cư với hơn 6.450 người tham gia; tổ chức truyền thông bằng hình thức sân khấu hóa; lồng ghép truyền thông trong các cuộc họp, sự kiện của xã, xóm, khu dân cư; tuyên truyền miệng, trên hệ thống phát thanh địa phương và mạng xã hội về BĐG. Đặc biệt, chú trọng đến sự tham gia của nam giới vào các chiến dịch truyền thông về BĐG tại địa phương.

Cùng với đẩy mạnh truyền thông tại thôn, bản, hội LHPN các cấp cũng đẩy mạnh tuyên truyền qua mạng xã hội zalo, fanpage về các hoạt động của Dự án 8 lan tỏa rộng rãi thông tin tích cực, nâng cao nhận thức về BĐG, xóa bỏ khuôn mẫu giới, hủ tục, vai trò của PN&TE... đến các tầng lớp nhân dân. Các nội dung về phòng, chống tảo hôn, bạo lực gia đình, phát triển giới cũng được Trung ương Hội LHPN Việt Nam số hóa thành video, podcast, audio book, cập nhật thường xuyên trên các trang mạng xã hội của các cấp hội.

Hội LHPN các cấp đã chủ động triển khai các cuộc thi, hội thi, hội diễn, diễn đàn giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm để đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, đồng thời, lan tỏa ý nghĩa nhân văn của dự án trong cộng đồng. Cùng với việc tham gia các cuộc thi, diễn đàn do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hội thi “Sáng kiến truyền thông BĐG và phòng, chống bạo lực gia đình” năm 2023 và cuộc thi sáng tác tác phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về BĐG cho trẻ em vùng đồng bào DTTS&MN với 120 tác phẩm tham dự; cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, sáng kiến truyền thông về phòng, chống tảo hôn”; phối hợp tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Sáng kiến truyền thông - An toàn cho trẻ em” và “Diễn đàn Giao lưu CLB Quyền Trẻ em, CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi” tỉnh Quảng Trị...

Hội LHPN các huyện cũng đã tổ chức 20 cuộc giao lưu, liên hoan chia sẻ kinh nghiệm. Qua các hội thi, giao lưu, liên hoan giúp các thành viên của Ban Điều hành các mô hình chia sẻ học hỏi kinh nghiệm để nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp vận động hội viên phụ nữ và người dân vùng đồng bào DTTS&MN thay đổi nếp nghĩ, cách làm và tích cực tham gia các hoạt động hội.

Ngay từ khi đi các mô hình can thiệp cộng đồng đi vào hoạt động, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ phương tiện, ấn phẩm, bộ nhận diện truyền thông cho các mô hình tại cơ sở. Cụ thể, Hội LHPN tỉnh và huyện hỗ trợ hơn 81 bộ loa di động, loa cầm tay cho tổ truyền thông cộng đồng phục vụ công tác truyền thông tại các thôn, nhân bản hàng trăm cuốn tài liệu “Sổ tay hướng dẫn thành lập và vận hành tổ truyền thông cộng đồng” cấp phát cho các huyện và các xã; sổ tay ghi chép cho Ban Điều hành của Tổ truyền thông cộng đồng; in phát hành nghìn áo, mũ bảo hiểm, mũ lưỡi trai, túi xách, tranh lật, tờ gấp cho thành viên của các mô hình và người tham gia các chiến dịch truyền thông.

Cầm cuốn tranh lật về “Xóa bỏ tảo hôn, phòng, chống bạo lực gia đình” do Hội LHPN tỉnh biên soạn, chị Hồ Thị Thương, Tổ trưởng Tổ Truyền thông cộng đồng tại thôn Ba De, xã Linh Trường, huyện Gio Linh cho biết, những quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình cũng như những việc cần làm khi bị bạo lực xảy ra được biên soạn ngắn gọn, dễ nhớ.

Nhờ những sản phẩm truyền thông này mà thành viên của tổ cũng tự tin, mạnh dạn truyền tải thông tin đến người dân hơn bởi nội dung được lựa chọn trọng tâm, dễ hiểu, hình ảnh minh họa đi kèm một cách sinh động.

Là báo cáo viên của nhiều lớp tập huấn, chị Lê Thị Lan, Trưởng Ban Xây dựng Tổ chức hội, Hội LHPN tỉnh nhấn mạnh, muốn đưa kiến thức đến với đồng bào, nhất là đồng bào vùng cao, vùng DTTS cần có cách thức truyền tải phù hợp. Trước mỗi chuyến công tác, chị luôn dành thời gian nghiên cứu để hiểu hơn về đối tượng, địa bàn, từ đó, lựa chọn nội dung, cách thức tuyên truyền phù hợp.

Ở bất cứ giai đoạn nào, công tác tuyên truyền cũng đòi hỏi đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cần cập nhật thông tin mới và cần đổi mới, linh hoạt trong cách thức truyền tải. Không chỉ là nói những nội dung do mình chủ đích mà điều quan trọng hơn là phổ biến được kiến thức mà người dân cần, phải tập huấn, hướng dẫn tận tình cách sử dụng các sản phẩm truyền thông để làm sao người tuyên truyền viên ở địa phương phải là người thuần thục và am hiểu nhất, có như thế, chất lượng tuyên truyền mới đạt hiệu quả tối ưu.

Trần Cát Linh

Nguồn: https://baoquangtri.vn/da-dang-hinh-thuc-toi-uu-chat-luong-tuyen-truyen-du-an-8-193003.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm