Chanh dây được đánh giá là một cây trồng tiềm năng tại nhiều địa phương ở Đắk Nông vì phù hợp với đất đai, khí hậu. Thế nhưng những năm qua, cây trồng này có sự phát triển thiếu ổn định.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là đầu ra phụ thuộc phần lớn vào một số thị trường Trung Quốc. Người dân trồng bằng giống không chuẩn, quy trình chăm sóc thiếu khoa học nên năng suất, chất lượng thấp làm ảnh hưởng đến thu nhập.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - Môi trường, những năm 2019, 2020, chanh dây của tỉnh mức 1.700ha, sản lượng khoảng 33.000 tấn/năm. Đến năm 2024, diện tích chanh dây của tỉnh là 838ha, trong đó trên 700ha kinh doanh, sản lương đạt khoảng 25.000 tấn.
Trong khi đó, theo định hướng, đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu với diện tích khoảng 2.000ha chanh dây. Điều này cho thấy, diện tích chanh dây ở Đắk Nông đang có nhiều biến động, chưa tạo được vùng nguyên liệu ổn định.
Trong khi đó, người dân chưa thực sự yên tâm, đặt niềm tin nhiều vào cây chanh dây. Huyện Đắk Glong là địa bàn hiện có diện tích chanh dây lớn nhất tỉnh, với 151ha. Nhiều người dân ở đây đầu tư trồng chanh dây mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Quý, thôn 1, xã Đắk Ha, huyện Đắk Gong, gia đình bà có 7 sào chanh dây tím bắt đầu vào thời kỳ kinh doanh. Với giá bán 20.000 đồng/kg thì cứ 2 ngày bà thu về mức 4 - 5 triệu đồng từ vườn chanh dây.
Bà Quý cho rằng, chanh dây là cây trồng cho thu nhập khá nhanh, khoảng 6 tháng, thời gian thu liên tục khoảng 2 - 3 năm. Tuy nhiên, giá cả loại cây trồng này lại thiếu ổn định. Có thời điểm cách đây khoảng 3 năm chanh dây chỉ ở mức 2.000 - 3.000 đồng/kg. Điều này khiến bà chưa có ý định gắn bó lâu dài với chanh dây.
.jpg)
Theo Sở Nông nghiệp - Môi trường, khoảng 2 năm gần đây, giá chanh dây ở mức khá cao, dao động 10.000 - 20.000 đồng/kg chanh tươi.
Đây được coi là cơ hội lớn để ngành hàng chanh dây Đắk Nông tái cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hình thành các liên kết bền vững.
Từ tháng 7/2022, chanh dây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ngoài thị trường Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng thị trường xuất khẩu quả chanh dây đến các nước Trung Đông, châu Á. Đây là cơ hội lớn cho sản xuất chanh dây của tỉnh.
Ông Bùi Phú Tôn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân cho hay, nhu cầu của công ty trong thu mua nguyên liệu chanh dây phục vụ chế biến xuất khẩu rất lớn.
Công ty đã xuất khẩu được hàng ngàn tấn dịch chanh dây sang Trung Quốc. Cơ hội để gia tăng sản lượng xuất khẩu chanh dây là rộng lớn trong bối cảnh hiện nay.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp - Môi trường đánh giá, để cây chanh dây phát triển bền vững, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, người dân, doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hướng ngành hàng, bảo đảm an toàn thực phẩm, nông sản sạch để tăng giá trị.
Tỉnh đang tập trung vào các giải pháp về tuyển chọn các giống chanh dây cho năng suất chất lượng cao như chanh dây tím, Đài Nông 1... để đưa vào sản xuất.
Tỉnh xây dựng mô hình sản xuất chanh dây kiểu mẫu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiến bộ, phòng trừ sâu bệnh sinh học và sản xuất theo tiêu chuẩn.

Đắk Nông hướng tới xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho chanh dây. Các cấp, ngành, đoàn thể tích cực khuyến khích, vận động người trồng tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác, áp dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất chanh dây, bảo quản phục vụ chế biến, chế biến sâu và xuát khẩu.
Đắk Nông hiện có khoảng 15 doanh nghiệp thu mua, chế biến chanh dây, một số doanh nghiệp xuất khẩu.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-day-manh-lien-ket-nganh-hang-chanh-day-250168.html
Bình luận (0)