Diễn đàn thu hút sự quan tâm của sinh viên, cá nhân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội học tập, phát triển chuyên môn và nguồn nhân lực trình độ cao.
Diễn đàn là hoạt động thường niên do Khoa Sau đại học, Trường Đại học Ngoại thương chủ trì, hướng tới việc hỗ trợ người học định hướng nghề nghiệp, lựa chọn chương trình phù hợp, tiếp cận thông tin tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Yêu cầu thiết yếu trong môi trường cạnh tranh toàn cầu
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS Tăng Văn Nghĩa, Trưởng Khoa Sau đại học, Trường Đại học Ngoại thương nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của đào tạo sau đại học trong bối cảnh thế giới không ngừng biến đổi dưới tác động của công nghệ, toàn cầu hóa và các thách thức kinh tế - xã hội toàn diện.
PGS.TS Tăng Văn Nghĩa khẳng định, trong kỷ nguyên mới, việc tiếp tục học tập ở trình độ sau đại học không chỉ là lựa chọn để nâng cao chuyên môn, mà đã trở thành yêu cầu thiết yếu giúp mỗi cá nhân thích nghi, phát triển và khẳng định vị thế trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Với triết lý giáo dục “học để làm chủ trong kỷ nguyên mới”, Trường Đại học Ngoại thương luôn hướng tới kiến tạo một hệ sinh thái học thuật hiện đại, nơi sự gắn kết giữa học thuật và thực tiễn, giữa nhà trường - doanh nghiệp - người học - xã hội được đặt làm trọng tâm.
"Nhà trường cam kết đồng hành cùng người học không chỉ trong suốt quá trình đào tạo mà còn trên hành trình khám phá và phát huy tiềm năng cá nhân, phát triển tư duy phản biện, năng lực lãnh đạo, khả năng đổi mới sáng tạo và tinh thần hội nhập - những yếu tố then chốt giúp người học vững vàng làm chủ tương lai", PGS.TS Tăng Văn Nghĩa chia sẻ.


"Chiến lược đầu tư dài hạn" vào chất lượng nguồn nhân lực
Tại phiên thảo luận, ông Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia chia sẻ quan điểm từ góc độ của một nhà quản lý cấp cao trong khu vực công.
Ông cho rằng, đào tạo sau đại học không chỉ nhằm nâng cao trình độ học thuật, mà còn là một chiến lược đầu tư dài hạn vào chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản trị công. Đây chính là chìa khóa để nâng cao năng lực điều hành, thích ứng với chuyển đổi số và cải cách hành chính, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có tư duy chiến lược, năng động và đổi mới.

Dưới góc nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank Securities - VCBS) chia sẻ về tầm nhìn và chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp, nhấn mạnh rằng tri thức ngày nay không chỉ dừng lại ở sách vở, mà còn đòi hỏi khả năng vận dụng vào thực tiễn.
Ông cũng chia sẻ thực trạng nhân sự tại Công ty VCBS - một trong những công ty uy tín, tiên phong trong ứng dụng các công cụ quản lý hiện đại. Theo ông, mỗi cá nhân cần không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ để thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của Công nghiệp 4.0, đặc biệt là sự bùng nổ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Ở góc độ nhà quản lý giáo dục, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương khẳng định nhà trường luôn không ngừng đổi mới, sáng tạo nhằm xây dựng một hệ sinh thái giáo dục toàn diện, nơi mỗi cá nhân có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng của mình. Đây là môi trường nuôi dưỡng khát vọng tạo ra sự khác biệt và mang lại giá trị gia tăng không chỉ cho bản thân người học mà còn cho gia đình, tổ chức và xã hội.
Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng và nắm bắt kịp xu hướng tri thức trong nước và quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương đang triển khai 16 chương trình đào tạo sau đại học, bao gồm 5 chương trình tiến sĩ và 11 chương trình thạc sĩ. Các chương trình được thiết kế theo hướng chuyên sâu và liên ngành, gắn liền với sự phát triển nghề nghiệp của người học.
Đồng thời, trường cũng đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế để triển khai các chương trình đào tạo thạc sĩ song bằng, trong đó học viên sẽ nhận được bằng của Trường Đại học Ngoại thương và một bằng của đối tác nước ngoài.

Dự kiến đến năm 2026, trường sẽ ban hành và tuyển sinh hai chương trình song bằng giảng dạy bằng tiếng Anh gồm: Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (i-MBA) và Thạc sĩ Tài chính (i-MFin).
Với vai trò là cựu học viên Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Ngoại thương, MC - ThS Trịnh Vân Anh đã có những chia sẻ chân thành về hành trình học tập và công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam.
Theo chị, tấm bằng thạc sĩ tại Trường Đại học Ngoại thương không chỉ mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mà còn giúp chị trang bị nền tảng kiến thức chuyên sâu và những kỹ năng thiết yếu như giao tiếp, làm việc nhóm và làm việc độc lập - những yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả công việc chuyên môn.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu cũng có phiên đối thoại trực tiếp, giải đáp thắc mắc của người tham dự về lựa chọn ngành học, chương trình đào tạo phù hợp, kỹ năng cần thiết cũng như cơ hội học tập và việc làm sau khi tốt nghiệp.
Theo Trường Đại học Ngoại thương, Diễn đàn thể hiện cam kết mạnh mẽ của trường trong việc đồng hành cùng người học suốt hành trình phát triển toàn diện.
Năm 2024, nhà trường đã chính thức ra mắt Mạng lưới đối tác đào tạo sau đại học (Graduate Partner Network - GPN), thúc đẩy kết nối học thuật - doanh nghiệp, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo và chia sẻ tài nguyên tri thức để đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy học tập suốt đời.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/dao-tao-sau-dai-hoc-la-chien-luoc-dau-tu-dai-han-vao-chat-luong-nguon-nhan-luc-post410878.html
Bình luận (0)