Nông dân huyện Châu Thành A bón phân cho lúa Hè thu ở giai đoạn mạ để giúp cây lúa mau phát triển.
Sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông xuân 2024-2025, ông Nguyễn Văn Châu cùng nông dân tại cánh đồng lúa ở ấp 4A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tiếp tục vệ sinh đồng ruộng, khi đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa thì tiến hành xuống giống vụ lúa Hè thu 2025 theo lịch thời vụ của ngành NN&MT địa phương, đồng thời thực hiện xuống giống đồng loạt trên cùng cánh đồng. Hiện các trà lúa nơi đây được gần 30 ngày tuổi và đang phát triển tốt.
Rảo quanh thăm hơn 1ha lúa Hè thu (giống OM 5451) của gia đình, ông Châu chia sẻ: “Vụ lúa Đông xuân vừa qua, tôi bán lúa chỉ được giá 6.400 đồng/kg (giống lúa Đài thơm 8), giảm 1.600 đồng/kg so với cùng kỳ. Tuy có buồn vì nguồn lợi nhuận giảm nhưng không vì thế mà lơ là ở vụ lúa Hè thu này. Với quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nên từ khi xuống giống lúa Hè thu đến nay, tôi và bà con nơi đây luôn tích cực chăm sóc cây lúa, nhờ vậy mà tình hình sinh vật gây hại xuất hiện ít, cây lúa phát triển xanh tốt. Nông dân rất kỳ vọng về thị trường xuất khẩu gạo tới đây của Việt Nam được thuận lợi hơn về sản lượng và giá bán, để giá thu mua lúa trong dân ở đợt thu hoạch vụ Hè thu tới đây được nâng lên, góp phần cải thiện thu nhập cho bà con”.
Theo ghi nhận của ngành NN&MT huyện Châu Thành A, đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện đã xuống giống được 6.570ha, đạt 100,92% kế hoạch. Có 2 giống lúa được nông dân huyện Châu Thành A ưu tiên chọn canh tác nhiều trong vụ lúa Hè thu năm nay là OM 18 và OM 5451. Hiện các trà lúa tập trung ở giai đoạn mạ và đẻ nhánh. Về SVGH, hiện ghi nhận có khoảng 1.500ha lúa Hè thu bị nhiễm, với một số đối tượng chủ yếu như: Rầy nâu, ốc bươu vàng, chuột, bệnh đạo ôn lá, bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đốm vằn, cỏ dại,... Tuy nhiên, qua đánh giá của ngành NN&MT huyện Châu Thành A thì mật số và tỷ lệ nhiễm sinh vật gây hại ở các ruộng lúa chỉ ở mức thấp nên khả năng gây hại không đáng kể nhờ nông dân luôn chủ động phòng ngừa ngay từ đầu mùa vụ.
Ông Lê Văn Khoa, Phó phòng NN&MT huyện Châu Thành A, cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân trên địa bàn huyện tích cực gieo sạ vụ lúa Hè thu, từ đó giúp địa phương vượt kế hoạch về diện tích xuống giống. Đây là yếu tố quan trọng đầu tiên để làm tiền đề cho ngành NN&MT huyện chỉ đạo sản xuất đạt thắng lợi trên các mặt trong vụ lúa Hè thu năm nay. Đặc biệt, trước tình hình thị trường tiêu thụ lúa gạo có nhiều biến động, giải pháp mà ngành NN&MT huyện đặt ra là tập trung hỗ trợ về khoa học kỹ thuật để giúp người dân giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, từ đó làm tăng nguồn lợi nhuận.
Một trong những mô hình giúp người dân giảm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao giá trị hạt lúa gạo và đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu là hiện ngành NN&MT huyện Châu Thành A đẩy mạnh khuyến khích người dân canh tác theo quy trình sản xuất của đề án vùng lúa chất lượng cao. Minh chứng như tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Phước Lộc, ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A; trong vụ lúa Đông xuân vừa qua, HTX liên kết sản xuất 30ha lúa giống theo mô hình “Canh tác lúa thông minh theo hướng giảm phát thải khí nhà kính”, đồng thời thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong bao tiêu đầu ra sản phẩm với giá bán lúa cao hơn giá thị trường khoảng 1.000 đồng/kg. Theo đánh giá của HTX, năng suất lúa trong vụ Đông xuân đạt khoảng 7,5 tấn/ha (công 1.000m2), cao hơn năng suất lúa ngoài mô hình từ 200-300kg/ha. Phát huy thành công đạt được, sang vụ lúa Hè thu này, lãnh đạo HTX nông nghiệp Phước Lộc tiếp tục khuyến khích các thành viên của HTX nhân rộng mô hình nhằm mang lại hiệu quả cao trong canh tác lúa cho người dân.
Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Lộc, ở ấp Trường Hiệp A, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, cho hay: “Nông dân sản xuất theo quy trình lúa chất lượng cao đều áp dụng gieo sạ bằng phương pháp cấy với lượng lúa giống 50kg/ha; đồng thời áp dụng kỹ thuật rút nước theo nguyên tắc ướt khô xen kẽ; bón phân hợp lý, cân đối; sử dụng bảng so màu lá lúa để điều chỉnh lượng đạm bón phù hợp; quản lý dịch hại tổng hợp và thu rơm rạ ra khỏi ruộng bằng máy cuộn rơm. Ngoài ra, nông dân còn áp dụng cơ giới hóa ở nhiều khâu trong canh tác nên giảm công lao động. Hiện các trà lúa Hè thu của HTX ở giai đoạn mạ và đẻ nhánh, cây lúa phát triển xanh tốt”.
Ông Lê Văn Khoa, Phó phòng NN&MT huyện Châu Thành A, cho biết thêm: Mặc dù tình hình sinh vật gây hại trên lúa Hè thu tại địa phương đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên dự báo tình hình rầy nâu, chuột, bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ… sẽ tiếp tục xuất hiện và gây hại cho cây lúa. Do đó, ngành NN&MT huyện khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sinh vật gây hại trên lúa Hè thu được hiệu quả, nhất là cần thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và điều trị khi sinh vật gây hại mới xuất hiện, tránh lây lan sang diện rộng…
HỮU PHƯỚC
Nguồn: https://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/day-manh-san-xuat-lua-he-thu-140557.html
Bình luận (0)