Lãnh đạo BSR cho biết, thời gian qua, BSR đã tích cực phối hợp và triển khai các công tác trong việc đẩy nhanh thực hiện dự án NCMR Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Đến nay, tiến độ tổng thể công tác thiết kế FEED đã đạt 91,5%; công tác liên quan đến bản quyền công nghệ đã hoàn thiện mô hình mô phỏng công nghệ, tài liệu sản lượng và tính chất sản phẩm. Dự kiến khởi công san lấp mặt bằng dự án được triển khai trong tháng 6/2025.
Ngay sau khi phương án đầu tư điều chỉnh được cấp thẩm quyền phê duyệt, BSR nhanh chóng bước vào giai đoạn triển khai các hạng mục then chốt của dự án. BSR đã ký hợp đồng tư vấn thiết kế kỹ thuật tổng thể điều chỉnh (FEED) với Công ty Foster Wheeler Limited (thuộc tập đoàn Wood, Anh) - doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực lọc hóa dầu toàn cầu. BSR cũng đã hoàn tất quá trình lựa chọn và ký kết hợp đồng bản quyền công nghệ với các đối tác lớn như Axens (Pháp), UOP và Merichem (Mỹ), KT Tech (Ý), cùng Worley Nederland B.V (Hà Lan).
Những đơn vị này sẽ cung cấp bản quyền và hỗ trợ thiết kế công nghệ nền tảng cho các phân xưởng công nghệ cốt lõi của nhà máy. Không chỉ chú trọng đến thiết kế và công nghệ, công tác thu xếp vốn - yếu tố sống còn của một dự án có tổng mức đầu tư lên tới hàng tỷ USD cũng đã được BSR triển khai thực hiện.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. |
Đầu năm 2025, BSR và Liên danh nhà thầu ký kết hợp đồng tư vấn đánh giá tác động môi trường - xã hội theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là một phần trong yêu cầu bắt buộc để vay vốn từ các tổ chức tín dụng quốc tế, đảm bảo tính minh bạch và bền vững của dự án.
Dự án NCMR Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mang đặc thù kỹ thuật cao, tính kết nối phức tạp giữa nhà máy hiện hữu và phần mở rộng, đòi hỏi Ban Quản lý dự án NCMR Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và toàn hệ thống BSR phải vận hành linh hoạt, khoa học và dự báo chính xác.
Về kỹ thuật, BSR làm việc chặt chẽ với các nhà bản quyền công nghệ, nhà thầu tư vấn thiết kế FEED để xử lý triệt để các yêu cầu về đồng bộ hóa kỹ thuật, cập nhật các giải pháp công nghệ tiên tiến và phù hợp với hiện trạng của nhà máy. Các hạng mục công nghệ cần vật tư, thiết bị có thời gian chế tạo dài cũng được rà soát và đặt hàng sớm nhằm rút ngắn thời gian giao hàng trong giai đoạn EPC.
Đặc biệt, BSR và tư vấn thiết kế FEED đang phối hợp xây dựng phương án triển khai theo mô hình EPCC (Thiết kế - Mua sắm - Thi công - Vận hành chạy thử). Theo mô hình này, nhà thầu EPC sẽ chịu trách nhiệm từ khâu thiết kế đến khi hoàn thành cơ khí, còn phần chạy thử sẽ do chính đội ngũ vận hành của BSR thực hiện dưới sự giám sát, hỗ trợ từ nhà thầu. Cách làm này vừa phát huy kinh nghiệm vận hành sẵn có, vừa tăng tính chủ động và kiểm soát chi phí, tiến độ trong giai đoạn nước rút.
Theo Tổng Giám đốc BSR Nguyễn Việt Thắng, dự án NCMR Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không chỉ là nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đơn thuần, mà còn là sứ mệnh chính trị góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Năm 2025, mặc dù dự án có thể gặp nhiều khó khăn, thách thức từ biến động giá dầu, rủi ro địa chính trị, chi phí vận chuyển leo thang, đến sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành lọc hóa dầu khu vực.
Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần quyết tâm cao, BSR đặt mục tiêu giữ vững tiến độ các mốc quan trọng, đặc biệt là hoàn tất thiết kế FEED, lựa chọn nhà thầu EPC và triển khai công tác san lấp mặt bằng đúng kế hoạch. Dự án NCMR Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không chỉ là một đại dự án công nghiệp mà còn là biểu tượng cho khát vọng vươn lên của ngành lọc hóa dầu Việt Nam trong giai đoạn hội nhập sâu rộng.
PV
Nguồn: https://baoquangngai.vn/kinh-te/202504/day-nhanh-tien-do-du-an-nang-cap-mo-rong-nha-may-loc-dau-dung-quat-11e0529/
Bình luận (0)