Xác định rõ, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, trên cơ sở các nghị quyết của Quốc hội, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành tới 11 nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 chỉ thị, 5 công điện để đôn đốc giải quyết vốn đầu tư công nhằm đưa ra giải pháp hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nhờ đó, đã giúp cho việc giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024 đạt được kết quả rất đáng ghi nhận.
Tính đến hết ngày 31.12.2024, tổng vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 70.743,08 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 72,9% kế hoạch năm 2024 được giao (96.991,66 tỷ đồng). Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã góp phần khởi công mới, đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia để hoàn thành các dự án này đưa vào sử dụng.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, thì việc vẫn còn 30/46 bộ, cơ quan trung ương, và 26/63 địa phương có tỷ lệ ước đạt giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước, thậm chí có những cơ quan chưa giải ngân được một lần nữa cho thấy, việc thực hiện pháp luật về đầu tư công chưa thật sự hiệu quả.
Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây nên sự lãng phí nguồn lực quốc gia. Khi nguồn vốn đầu tư công không được giải ngân kịp thời cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang tự đánh mất đi cơ hội đầu tư phát triển. Điều đáng nói, nghịch lý xảy ra trong khi nguồn ngân sách của chúng ta còn hạn hẹp, thì sự chậm trễ giải ngân đã làm cho một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, an sinh xã hội phải chịu thiệt thòi chỉ vì “có tiền mà không tiêu được”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó, Chính phủ cho rằng, vướng mắc chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân là do nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các dự án theo đúng thời gian nên không thể giải ngân. Ngoài ra, còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu, vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA. Trong khi đó, đối với ngân sách địa phương, các khó khăn liên quan đến nguồn thu sử dụng đất do chưa bảo đảm so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao, dẫn đến chậm phân bổ nguồn thu sử dụng đất, ảnh hưởng tới việc triển khai thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn này.
Những nguyên nhân này không xa lạ mỗi khi chúng ta đề cập đến những vướng mắc, khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, tại sao trong cùng một cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, vẫn có những bộ, ngành, địa phương thực hiện giải ngân với tỷ lệ cao, trong khi đó, một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí có những cơ quan tỷ lệ giải ngân đạt 0%? Liệu có phải khó khăn thực sự từ nguyên nhân khách quan, hay vẫn còn tình trạng người đứng đầu chưa thật sự quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ này?
Để không gây nên tình trạng lãng phí nguồn vốn đầu tư công, cần phải đẩy tiến độ giải ngân về đích trước hoặc đúng hạn. Muốn vậy, cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, pháp luật về đầu tư công. Theo đó, rà soát, sửa đổi quy định liên quan đến lập, thẩm định, phê duyệt dự án, kế hoạch đầu tư công để giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết. Đơn giản hóa quy trình và rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục như đấu thầu, giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng. Cùng với đó, phân bổ vốn trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng về dự án, tránh đầu tư dàn trải.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án. Phát huy rõ vai trò của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan trước Chính phủ, Thủ tướng về kết quả giải ngân, coi đây là một trong những tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cố tình gây chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công, bởi có lý do gì mà nơi này làm tốt, nơi kia lại chỉ ngồi than khó khi thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/de-su-dung-hieu-qua-nguon-von-dau-tu-cong-post411240.html
Bình luận (0)