Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đề xuất 4 ưu tiên chính sách về tài chính xanh

"Đổi mới tài chính và chiến lược huy động vốn cho tăng trưởng xanh toàn cầu" là chủ đề phiên thảo luận cấp Bộ trưởng, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh diễn đàn đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4, diễn ra ngày 16 và 17-4 tại Hà Nội.

Hà Nội MớiHà Nội Mới17/04/2025

Phiên thảo luận có sự tham gia của gần 300 đại biểu là lãnh đạo một số bộ, ngành Việt Nam; đại diện chính phủ các quốc gia, tổ chức tài chính quốc tế, các định chế phát triển đa phương, doanh nghiệp và chuyên gia lĩnh vực tài chính và môi trường.

qcanh.jpg
Quang cảnh tại phiên thảo luận. Ảnh: H.T

Chủ trì phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung khẳng định tầm quan trọng của chiến lược tăng trưởng xanh đối với Việt Nam và cộng đồng quốc tế; nhấn mạnh tăng trưởng xanh là xu thế không thể đảo ngược, là điều kiện tiên quyết để bảo đảm phát triển bền vững và nâng cao năng lực chống chịu trước biến đổi khí hậu.

Các quốc gia, các định chế tài chính cần phối hợp chính sách, nhằm xây dựng một khung khổ tài chính công bằng, công lý và bền vững.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận về nhu cầu vốn, kinh nghiệm phát triển thị trường tài chính xanh tại các nước; những giải pháp khắc phục các rào cản về kỹ thuật, pháp lý và thị trường nhằm tăng khả năng huy động vốn cho các dự án xanh; các chính sách tài chính nhằm thu hút đầu tư từ khu vực công và tư nhân, tối đa hóa nguồn lực cho chuyển đổi xanh.

Bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhấn mạnh vai trò then chốt của việc cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu, nhằm bảo đảm nguồn vốn đến được đúng nơi, đúng lúc, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Bà kêu gọi tăng cường công bằng tài chính và tạo điều kiện tiếp cận tài chính xanh cho mọi quốc gia.

Các diễn giả như ông Chuop Paris, Thứ trưởng Bộ Môi trường Campuchia; ông Chung Keeyong, Thứ trưởng kiêm Đại sứ về Biến đổi khí hậu Hàn Quốc; bà Amelia Tang, Thứ trưởng Văn phòng Thủ tướng Singapore; ông Kees van Baar, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác công – tư và sự cần thiết của việc kết nối chính sách giữa các nước trong khu vực, hướng đến việc hình thành một hành lang tài chính xanh xuyên biên giới tại châu Á.

Các diễn gia cũng đề nghị chia sẻ kinh nghiệm thành công của nhóm nước ASEAN trong việc thiết kế các gói khuyến khích tài chính cho phát hành trái phiếu xanh và tín dụng bền vững và đề xuất mở rộng hợp tác khu vực để đồng phát triển các chuẩn mực chung về tài chính xanh.

Các bên khẳng định cam kết đồng hành trong chuyển đổi xanh tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý nước và nông nghiệp thông minh với khí hậu.

Đại diện cho chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng khẳng định vai trò tiên phong của thành phố trong thúc đẩy tài chính xanh.

Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch tăng trưởng xanh đến năm 2030, triển khai chính sách tài chính đặc thù và thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư xanh thông qua trái phiếu xanh đô thị và PPP xanh.

Thành phố cũng đề xuất nhiều nhóm giải pháp, như hoàn thiện khung pháp lý, đa dạng hóa nguồn vốn, phát triển sản phẩm tài chính xanh, và tăng cường hợp tác quốc tế…

Các diễn giả cũng nhấn mạnh khoảng cách tài chính xanh trên toàn cầu vẫn còn lớn do dòng chảy tài chính khí hậu quốc tế còn hạn chế, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Do đó cần có các nguồn vốn mang tính khơi nguồn, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và giải quyết khoảng cách giới trong tiếp cận tài chính xanh.

Vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương và chính phủ trong việc chia sẻ rủi ro, đồng thời đề xuất cơ chế tài chính thông minh, linh hoạt để thu hút vốn tư nhân vào quá trình chuyển đổi xanh cũng được thảo luận.

Nhận định về thị trường tài chính xanh tại Việt Nam, các diễn giả cũng nêu ra những rào cản, như thiếu hệ thống phân loại rõ ràng; cần cải cách chính sách tài chính như ưu đãi thuế, điều chỉnh trần tín dụng, miễn hoặc giảm dự trữ bắt buộc cho tín dụng xanh, và khung pháp lý rõ ràng cho phát hành trái phiếu xanh.

Phiên thảo luận đã ghi nhận sự thống nhất cao về việc cần hoàn thiện cấu trúc tài chính toàn cầu và tăng cường vai trò của các định chế tài chính quốc gia trong thúc đẩy thị trường tài chính xanh.

Bốn ưu tiên chính sách được các đại biểu đề xuất bao gồm: Hoàn thiện thể chế tài chính quốc gia và toàn cầu; thúc đẩy đổi mới sản phẩm tài chính xanh; đẩy mạnh hợp tác công – tư; nâng cao minh bạch, giám sát tài chính xanh.

Một trong những kết quả nổi bật nhất trong lĩnh vực tài chính xanh, tín dụng xanh là tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam. Dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ 71 nghìn tỉ đồng vào năm 2015 lên gần 8 lần, đạt 564 nghìn tỉ đồng năm 2023, chiếm 4,4% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/de-xuat-4-uu-tien-chinh-sach-ve-tai-chinh-xanh-699251.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm