DeepSeek cho biết họ đang tìm kiếm những ứng viên có khả năng xây dựng “trải nghiệm sản phẩm thông minh thế hệ mới” dựa trên công nghệ mô hình ngôn ngữ lớn. Ảnh: Shutterstock. |
Start-up AI DeepSeek của Trung Quốc vừa bắt đầu đợt tuyển dụng gấp cho các vị trí thuộc mảng "sản phẩm và thiết kế" tại Bắc Kinh và Hàng Châu, SCMP đưa tin. Thông tin này làm dấy lên nhiều suy đoán về một mô hình AI mới mà công ty đến nay vẫn hoàn toàn giữ kín.
Trong thông báo tuyển dụng đăng ngày 23/4 (giờ địa phương) trên tài khoản WeChat chính thức, DeepSeek cho biết họ đang tìm kiếm những ứng viên có khả năng xây dựng “trải nghiệm sản phẩm thông minh thế hệ mới” dựa trên công nghệ mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Đây là công nghệ nền tảng đằng sau các dịch vụ AI tạo sinh như ChatGPT và ứng dụng chatbot cùng tên của chính DeepSeek.
Lần đầu tiên kể từ khi thành lập DeepSeek công bố tuyển dụng cho các vị trí liên quan đến sản phẩm như quản lý sản phẩm, thiết kế sản phẩm và thiết kế thị giác. Trước đó, công ty có trụ sở tại Hàng Châu chủ yếu tập trung vào nghiên cứu các mô hình nền tảng trong lĩnh vực AI.
Đợt tuyển dụng này được giới phân tích nhìn nhận như một dấu hiệu cho thấy DeepSeek đang chuyển mình để trở thành một doanh nghiệp hoàn chỉnh. Ngoài các vị trí sản phẩm và thiết kế, công ty cũng đang tuyển dụng Giám đốc Tài chính (CFO) và Giám đốc Điều hành (COO), cùng với 4 công việc khác trong lĩnh vực nghiên cứu và kỹ thuật, theo thông tin từ trang tuyển dụng của DeepSeek.
Dù thu hút sự quan tâm rộng rãi từ công chúng và giới đầu tư, DeepSeek vẫn rất kín tiếng. Từ khi ra mắt đến nay, họ chỉ giới hạn tương tác với công chúng qua một số bản cập nhật sản phẩm và các công bố nghiên cứu khoa học. Bản nâng cấp mô hình LLM gần đây nhất của công ty được phát hành cách đây gần một tháng. Khi đó, DeepSeek công bố những cải tiến về hiệu năng của mô hình mã nguồn mở V3.
Theo Reuters, DeepSeek có thể sẽ ra mắt mô hình lập luận mới R2 vào đầu tháng tới. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông báo chính thức nào liên quan đến thời điểm hoặc tiến độ phát hành mô hình này.
DeepSeek bắt đầu thu hút sự chú ý toàn cầu từ cuối tháng 12/2024 đến tháng 1/2025 nhờ liên tiếp tung ra 2 mô hình AI mã nguồn mở tiên tiến là V3 và R1. Cả 2 mô hình này đều được phát triển với chi phí và yêu cầu tính toán chỉ bằng một phần nhỏ so với những gì các công ty công nghệ lớn đang cần cho các dự án LLM. Loạt công bố của DeepSeek đã gây chấn động tại cả Phố Wall lẫn Thung lũng Silicon.
Ngay sau đó, một loạt doanh nghiệp công nghệ tại Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển sản phẩm dựa trên các mô hình mã nguồn mở của DeepSeek, đặc biệt là R1 - mô hình được công bố vào tháng 1.
Tháng trước, nhà sáng lập kiêm CEO Lee Kai-fu của start-up 01.AI cho biết công ty ông đang tận dụng công nghệ của DeepSeek để cung cấp các giải pháp AI cho khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành tài chính, game điện tử và pháp lý. 01.AI cũng đã ngừng phát triển mô hình AI riêng của mình.
Hiện tại, giới nghiên cứu, các nhà đầu tư và công chúng nói chung đang theo dõi sát sao cách DeepSeek tiếp tục tạo ra các đột phá trong bối cảnh Mỹ thắt chặt lệnh cấm xuất khẩu các loại chip AI tiên tiến của Nvidia sang Trung Quốc.
Tuần trước, theo Financial Times, CEO Nvidia Jensen Huang đã có cuộc gặp với nhà sáng lập DeepSeek Liang Wenfeng trong chuyến thăm Trung Quốc. Tuy nhiên, cả Nvidia lẫn DeepSeek đều không xác nhận liệu cuộc gặp đó có thực sự diễn ra hay không.
Nguồn: https://znews.vn/deepseek-tuyen-dung-gap-post1548748.html
Bình luận (0)