Tố Hữu "vào đời" từ sách báo
Qua hồi ký Nhớ lại một thời của Tố Hữu, độc giả được biết nhà thơ cách mạng khi học lớp nhất với tên Nguyễn Kim Thành, học khá tiếng Pháp, đã tiếp xúc với văn học Pháp qua những tác phẩm Vô gia đình của Hector Malot, truyện ngắn của Alphonse Daudet… Cậu bé Thành đã dành nhiều thời gian ở thư viện trường để có được nền tảng kiến thức căn bản. "Dù sao, biết tiếng Pháp cũng cho tôi khả năng đọc nguyên bản các tác phẩm của Pháp hoặc sách nước ngoài ở phương Tây được dịch ra Pháp văn. Trường có thư viện nên được đọc rất nhiều sách hay, trừ sách cộng sản", Tố Hữu viết.
Sách Mười ngày rung chuyển thế giới của John Reed (bản in năm 1960), một trong những tác phẩm Tố Hữu đọc khi là học trò
Từ những sách vở tiếp cận trên ghế nhà trường, về sau Tố Hữu vào đời qua nhiều tác phẩm lý luận, tư tưởng khác nơi hiệu sách Hương Giang của Hải Triều và hiệu sách Thuận Hóa của Lê Duẩn. Vẫn hồi ký Nhớ lại một thời cho biết, nhờ Hải Triều giới thiệu, Kim Thành đọc những tác phẩm của văn học Xô viết như Người mẹ (M. Gorki), Thép đã tôi thế đấy (Ostrovski), Mười ngày chấn động hoàn cầu (John Reed, bản Việt ngữ lưu hành hiện nay có tên Mười ngày rung chuyển thế giới )… Còn những Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Tư bản… lại được giới thiệu bởi Lê Duẩn chủ hiệu sách Thuận Hóa. Đọc sách, tiếp xúc với những nhà cách mạng Lê Duẩn, Hải Triều, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu "dần dần tôi giác ngộ chủ nghĩa cộng sản", Tố Hữu đã chia sẻ về con đường đến với cách mạng của mình như thế.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận, tác giả ca khúc Việt Nam quê hương tôi , từ nhỏ đã thực hành được một cái nghề hiếm, đó là đóng sách. Còn việc đọc sách thì sao? Đỗ Nhuận "hay đọc thơ Xuân Diệu, Thế Lữ. Tôi rất thích đọc tiểu thuyết ly kỳ của Thế Lữ như Vàng và máu, Trên đường thiên lý, Lê Phong phóng viên và đọc cả truyện trinh thám do Nhà xuất bản Lý Ngọc Hưng thuê các nhà văn bịa ra", theo hồi ký Âm thanh cuộc đời của ông.
Hồi ký Từ đất Tiền Giang (in năm 1986) của Nguyễn Thị Thập và Không còn đường nào khác (in năm 1969) của Nguyễn Thị Định
ẢNH: TRẦN ĐÌNH BA
Ở Côn Đảo, đọc và phê bình Hồn bướm mơ tiên
Người đã xem sách là bạn tâm giao, thì ở hoàn cảnh nào cũng mong có bạn ở bên, thậm chí là hoàn cảnh lao tù cũng không ngăn được mong muốn bổ túc tri thức chẳng khác gì người đói cần thức ăn. Thế nên trong Thư Côn Lôn (Nguyễn Đức Kính xuất bản, 1937), nhà cách mạng Nguyễn Đức Chính ở nhiều bức thư gửi cho em, cho bạn đã tha thiết yêu cầu ngoài gửi tiền, thư thì gửi kèm sách báo nữa. Như thư ngày 13.4.1935 nhắn Nguyễn Công Hoan gửi cho mình những tiểu thuyết mới xuất bản; thư ngày 28.12.1935 đề nghị em gửi ca uống nước, hành và không quên sách báo. Đặc biệt thư ngày 1.3.1936 tỏ bày tha thiết "ở ngoài này cần sách, cần báo, hơn là lạp sường hay bánh quế. Mình đi lĩnh thùng, các anh em ở nhà chỉ đợi mang về… cái gì?... Sách Duy tâm hay duy vật , hoặc báo Tiến bộ, báo Kiến văn… Bảo anh Liệu [Trần Huy Liệu] gửi ra cho cánh này coi".
Tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên (bản in năm 1933) bị Nguyễn Đức Chính phê bình
ẢNH: THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP
Mà nào chỉ đọc thôi đâu, là con người có lý luận, tinh thần phản biện cao, Nguyễn Đức Chính còn thực hiện phê bình văn học nữa. Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng bị nhận xét là đầy tính mơ mộng; truyện ngắn Hương gây mùi nhớ bị cho vẫn dừng ở tác phẩm của văn sĩ trưởng giả (thư gửi Nguyễn Đức Kính và Trần Huy Liệu ngày 27.5.1935). Trong khi ấy tác phẩm Đoạn tuyệt của Nhất Linh được khen là "Khá! Về một phương diện, phương diện nghệ thuật", nhưng lại không chắc về phương diện xã hội khi đưa ra giải pháp phản kháng, giải phóng… lưng chừng cho nhân vật cô Loan (thư gửi ngày 28.8.1936).
Có những nhà nữ cách mạng cũng giữ lòng chân thành với sách từ nhỏ. Nữ tướng Nguyễn Thị Định tỏ bày trong hồi ký Không còn đường nào khác lúc nhỏ bà được nghe, rồi đọc truyện Lục Vân Tiên , nên từ nhỏ đã biết ghét những kẻ ác, yêu những hình ảnh đẹp của Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga. Nhà cách mạng Nguyễn Thị Thập yêu sách mãnh liệt: "Tôi rất đam mê đọc sách. Mỗi lần gánh chuối, gánh trầu cau đi chợ bán, tôi không dám ăn quà bánh gì, để dành tiền mua sách về đọc. Những quyển sách nho nhỏ, mong mỏng như Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà, Vì nước hoa rơi, Giọt máu chung tình… tôi đọc đi đọc lại mãi vẫn không thấy chán", hồi ký Từ đất Tiền Giang ghi.
Vẫn theo hồi ký Từ đất Tiền Giang, ngoài những sách văn học kể trên, về sau những sách về cuộc đời hoạt động cùng văn thơ yêu nước của các cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu đã gợi mở cho cô gái trẻ về những vấn đề nam nữ bình quyền, hủ tục lạc hậu từ lề thói cũ… Rồi xa hơn nữa, là "tìm mượn đọc các sách báo cách mạng bí mật" để rồi về sau cùng sự dẫn dắt của những đồng chí cách mạng tiền bối, cô gái trẻ Nguyễn Thị Thập bước vào con đường hoạt động cách mạng cứu nước. (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/det-nhung-soi-vang-can-sach-bao-hon-lap-suong-banh-que-185250423215339019.htm
Bình luận (0)