Dù được gọi tên chính thức trong các văn bản hay chỉ mệnh danh, thì những địa điểm hẻo lánh phía tây TP.Huế gắn liền với sự nghiệp kháng chiến giành độc lập dân tộc đều mang nhiều ý nghĩa. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất, Thanh Niên xin giới thiệu những địa danh nghe rất lạ tai gợi lên sự tàn khốc của chiến tranh, sự hy sinh anh dũng của đồng bào trong cuộc kháng chiến vĩ đại.
Không ai nhớ chính xác thời điểm cũng như người đặt tên cho một hang động tại thôn Đụt 1 (xã Hồng Kim, H.A Lưới, TP.Huế) là động Tiên Công, chỉ biết rằng cái tên này xuất hiện kể từ sau khi cửa động bị vùi lấp khiến một tiểu đội hy sinh.
"CỰP VA" CHE CHỞ BỘ ĐỘI
Đồng bào Pa Kôh, Tà Ôi tại H.A Lưới quen gọi là "cựp Va" (cựp có nghĩa là hang động) hơn là động Tiên Công. Từ xưa, Anh hùng Lực lượng vũ trang Hồ Vai (hiện đã 85 tuổi, trú tại A Lưới) đã biết đến nơi này là một hang đá tự nhiên rộng lớn thuộc dãy A Túc, dưới chân động là con sông Tà Rình uốn lượn. Theo hồi ức của ông Hồ Vai, hang động này có diện tích khoảng 1.000 m2. "Với chiều dài cỡ 20 m, rộng 50 m, "cựp Va" nhìn về hướng đông nên có thể bao quát được thung lũng A Lưới. Bởi điều kiện thuận lợi đó mà trong chiến tranh, bộ đội ta đã sử dụng "cựp Va" như một trạm quan sát hết sức lợi hại", ông Hồ Vai kể.
Tảng đá lớn vùi lấp động Tiên Công khiến nhiều chiến sĩ hy sinh
ẢNH: HOÀNG SƠN
Theo Phòng VH-TT H.A Lưới, ngay dưới chân động là đường vận tải chiến lược Hồ Chí Minh. "Cựp Va" trở thành kho tập kết trung chuyển vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng, là nơi trú ẩn an toàn cho hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng mỗi lần có dịp qua đây (1965 - 1967). Điều đó càng chứng tỏ sự thông minh, sức sáng tạo của bộ đội ta khi quyết định chọn "cựp Va" vừa là đài quan sát, vừa là chốt bảo vệ cho con đường huyết mạch Hồ Chí Minh trong suốt thời gian dài.
Những năm 1965 - 1967, khi phát hiện đường Hồ Chí Minh qua khu vực này, đối phương tập trung hỏa lực ngày đêm đánh phá. Chính lúc đó, "cựp Va" phát huy hết khả năng là nơi trú ẩn an toàn, là trạm thương binh tiền phương, nơi cất giấu, trung chuyển vũ khí, đạn dược... đến các khu vực K.61, K.62, K.64 và cụm địa đạo Động So (xã Hồng Bắc, H.A Lưới) nhằm đảm bảo, duy trì cung cấp khí tài, vật lực cho các chiến trường. Đặc biệt phục vụ tốt, góp phần đáng kể cùng quân và dân Huế trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968.
"Là bộ đội địa phương, quê nhà ở xã Hồng Bắc gần đó nên bố biết nhiều năm liền "cựp Va" đã che chở bộ đội ta tránh được những trận bom ác liệt. "Cựp Va" là bằng chứng cho sự sáng tạo trong cách đánh địch, sử dụng địa hình, địa thế... của quân dân ta", anh hùng Hồ Vai nói.
TÊN "ĐỘNG TIÊN CÔNG" CÓ TỪ BAO GIỜ ?
Đó là câu hỏi mà ngay cả người sinh ra, lớn lên và thông thạo địa hình trong chiến đấu như anh hùng Hồ Vai cũng không trả lời được. Ông chỉ nhớ rằng một trận bom ác liệt trên dãy A Túc khiến cửa ra vào "cựp Va" bị sập, làm nhiều chiến sĩ hy sinh, từ đó tên động Tiên Công cũng ra đời.
Theo chỉ dẫn của bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng VH-TT H.A Lưới, tôi tìm gặp Anh hùng Lực lượng vũ trang Hồ Kan Lịch (82 tuổi, trú tại A Lưới) để hỏi gốc tích cái tên Tiên Công, nhưng bà cũng lắc đầu. "Mẹ chiến đấu tại địa phương với không biết bao nhiêu trận đánh lớn nhỏ, trú ẩn từ hang này đến hang khác nên không lạ gì "cựp Va". Nhưng tên "Tiên Công" do ai đặt thì mẹ cũng không rõ", anh hùng Hồ Kan Lịch nói.
Theo Bảo tàng Lịch sử TP.Huế, sau những thất bại trong chiến dịch Mậu Thân 1968, đối phương tập trung đánh phá khu vực phía tây Thừa Thiên, nhất là vào dãy A Túc, nơi có động Tiên Công. Trong một trận ném bom dữ dội, tảng đá lớn trước cửa động sập xuống, chặn lối ra vào. Phía trong, nhiều cán bộ, chiến sĩ ta đã hy sinh. "Đó là các chiến sĩ thuộc Binh trạm 7, trong đó có đồng chí Môn là Chính trị viên của Binh trạm; đồng chí Nái, thượng úy, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng chí, đồng bào", bảo tàng thông tin.
Theo đường Hồ Chí Minh, từ trung tâm H.A Lưới ra hướng bắc khoảng 15 km, có biển giới thiệu về di tích động Tiên Công. Nhìn từ xa, có thể thấy những tảng đá đen khổng lồ nằm chênh vênh bên vách núi. Từ vị trí này đi tiếp khoảng 500 m, du khách buộc phải dừng xe để lội qua sông Tà Rình rồi tiếp tục hành trình leo núi khoảng 30 phút nữa mới đến được động Tiên Công. Rất khó có thể hình dung hang động ngày xưa diện mạo như thế nào, bởi tảng đá rất lớn của dãy A Túc đã vùi lấp hoàn toàn cửa ra vào. Vết tích còn lại là "mái che" tự nhiên phía dưới tảng đá, với độ cao vừa tầm một người lớn đứng thẳng lưng. Trên hốc đá là những que nhang đã cháy tàn…
Tôi tìm gặp nhiều người dân ở thôn Đụt 1 để nghe họ kể về lai lịch cái tên động Tiên Công, nhưng những người già như bà Căn Sao (75 tuổi) cũng không biết. "Động Tiên Công là nơi có nhiều bộ đội của ta hy sinh. Mẹ nghe kể cả tiểu đội công binh. Phía trong hang động vẫn còn các anh nằm đó mà chưa lấy được hài cốt. Thương lắm!", bà Căn Sao nói. Thi thoảng lui tới động Tiên Công để nhang khói cho các liệt sĩ, nguyên Trưởng công an xã Hồng Kim Hồ Minh Châu (63 tuổi) vẫn không biết và hiểu rõ ý nghĩa của cái tên Tiên Công nên mong ngành chức năng có thêm thuyết minh để giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ.
Bà Lê Thị Thêm cũng nhìn nhận tên động Tiên Công vẫn chưa được làm rõ ý nghĩa. Bản thân bà chưa có dịp tìm gặp các nhân chứng khác ngoài địa phương để làm rõ nguồn gốc tên gọi này. "Là "cựp Va" hay động Tiên Công thì di tích vẫn sừng sững như một đài tưởng niệm, một chứng tích lịch sử oai hùng, nhắc nhở thế hệ hôm nay hãy sống xứng đáng với những người đã không tiếc xương máu, chiến đấu ngoan cường vì nền độc lập dân tộc", bà Thêm nói. Cũng theo bà Thêm, mặc dù được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 2005 nhưng động Tiên Công khó phát huy giá trị do nằm ở địa điểm hẻo lánh, đường sá trắc trở. Do vậy, huyện đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá nhằm thu hút du khách. (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/dia-danh-la-buoc-ra-tu-cuoc-chien-khuc-trang-ca-bi-hung-noi-dong-tien-cong-185250502215718119.htm
Bình luận (0)