
Doanh nghiệp về làng, giúp công nhân an cư lạc nghiệp
Không chỉ tập trung trong các khu, cụm công nghiệp, nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vốn đầu tư người ngoài về làng đã tạo điều kiện cho nhiều lao động địa phương không phải đi làm xa mà vẫn có mức thu nhập ổn định, bảo đảm chất lượng cuộc sống.
Công ty TNHH Sees Vina ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ) 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên sản xuất, gia công các mặt hàng quần áo, găng tay thể thao xuất khẩu. Đây là ngành nghề phù hợp với lao động phổ thông, nhất là phụ nữ, kể cả những người đã luống tuổi.
Về địa phương xây nhà máy đến nay đã 16 năm, công ty hiện thu hút hơn 2.000 lao động, trong đó phần lớn là người trong huyện. Hiện công ty vẫn duy trì mức sản xuất tốt, bảo đảm mức lương từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Môi trường làm việc và mức lương phù hợp đã thực sự trở thành điểm dừng chân lý tưởng để người lao động an cư lạc nghiệp.
“Tôi đã làm việc ở đây được hơn 9 năm, mọi thứ thực sự phù hợp với những phụ nữ như tôi khi vừa có thu nhập ổn định, không phải đi xa, có điều kiện chăm sóc gia đình”, chị Nguyễn Thị Thu, quê ở huyện Tứ Kỳ đang làm việc trong công ty chia sẻ.

Về làng được gần 20 năm, Công ty TNHH May mặc Makalot Việt Nam (100% vốn đầu tư Đài Loan, Trung Quốc) hiện đứng chân tại xã Thanh Hải (Thanh Hà) đã thực sự trở thành “ngôi nhà thứ 2” của nhiều lao động địa phương. Công ty hiện có hơn 6.000 công nhân thì có đến 5.000 người ở huyện Thanh Hà.
Với phương châm coi người lao động là tài sản quý, thời gian qua, công ty đã thực hiện tốt chế độ chính sách, bảo đảm mức lương bình quân của người lao động đạt 10 triệu đồng/tháng. Đây là mức cao so với thu nhập của lao động phổ thông tại các địa phương hiện nay ở Hải Dương. Bên cạnh đó, mỗi năm, công ty dành từ 18 - 20 tỷ đồng cho các hoạt động phúc lợi như trao tặng sổ tiết kiệm, tổ chức du lịch, khám sức khỏe định kỳ và các chương trình văn hóa thể thao.
Ông Kevin Lee, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH May mặc Makalot Việt Nam cho biết, công ty luôn coi người lao động là tài sản của doanh nghiệp. Ngoài việc tạo môi trường làm việc hiện đại, thoải mái, công ty còn duy trì chính sách thưởng tháng lương thứ 13 và nhiều chế độ đãi ngộ khác nhằm tri ân sự nỗ lực của người lao động.

Tại Hải Dương có không ít doanh nghiệp lớn về làng như 2 công ty nói trên. Điển hình như các Công ty TNHH: May Tinh Lợi ở xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ), Sumidenso Việt Nam ở xã Nghĩa An (Ninh Giang), Michigan Hải Dương ở phường Tân Dân (Chí Linh)… Đáng mừng là người lao động làm trong các công ty này đều có mức thu nhập ổn định, thậm chí còn cao so mặt bằng chung, giúp người lao động an cư lạc nghiệp.
Chăm lo đời sống
Bên cạnh việc bảo đảm chế độ tiền lương, hiện nay nhiều doanh nghiệp ở Hải Dương còn thực hiện những chính sách đãi ngộ ưu việt. Công ty TNHH Long Hải (TP Hải Dương) là một trong những đơn vị tiêu biểu của tỉnh trong thực hiện các hoạt động an sinh xã hội hướng đến người lao động. Những năm qua, doanh nghiệp này luôn duy trì nhiều chế độ, đãi ngộ cao hơn so quy định của Bộ luật Lao động. Điển hình như khen thưởng thường niên, đột xuất, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn, việc cưới, việc tang...
Các chế độ đãi ngộ cho người lao động được doanh nghiệp hiện thực hoá thông qua thoả ước lao động tập thể. Thoả ước này gồm nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động so với pháp luật quy định. Điển hình doanh nghiệp hỗ trợ các công nhân có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, lao động nữ nghỉ thai sản với các mức từ 500.000 đồng - 5 triệu đồng/trường hợp (tuỳ thuộc vào hoàn cảnh)...

Chị Nguyễn Thị Hiên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang làm việc tại Công ty TNHH Long Hải. Chị chỉ cao 1,2 m, sức yếu nên được doanh nghiệp sắp xếp cho làm công việc phù hợp để lo cho gia đình. "Chồng tôi mắc bệnh hiểm nghèo nhiều năm nay nên kinh tế khá eo hẹp. Mọi chi phí trong nhà và nuôi 2 con ăn học hầu như do tôi gánh vác. Được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của công đoàn và công ty nên tôi có việc làm ổn định để chăm lo gia đình. Tôi rất cảm động trước sự tạo điều kiện này", chị Hiên chia sẻ.
Theo đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh, những năm qua, các cấp công đoàn đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, đặc phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp làm tốt việc chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Đến nay đã có hơn 72% số doanh nghiệp nơi có tổ chức công đoàn cơ sở thực hiện thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó nhiều bản thỏa ước có những điều khoản có lợi cho người lao động.
Sự quan tâm của doanh nghiệp đối với người lao động chính là tiền đề để người lao động yên tâm gắn bó, phát huy trong công việc, giúp doanh nghiệp phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.
QUYẾT NGANguồn: https://baohaiduong.vn/doanh-nghiep-o-hai-duong-giup-cong-nhan-huong-loi-409765.html
Bình luận (0)