Các ca sĩ, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và khán giả cùng hát bài Hãy yêu nhau đi và Nối vòng tay lớn kết thúc đêm nhạc Đồng dao hòa bình - Ảnh: T.T.D.
Chiều 1-4. tại Đường sách TP.HCM diễn ra đêm nhạc tưởng nhớ 24 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Lấy chủ đề "Đồng dao hòa bình", chương trình hướng đến kỷ niệm 50 năm hòa bình, chấm dứt chiến tranh - một dấu son trong lịch sử và niềm tự hào của người Việt Nam trước thế giới.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn luôn ở đây
Dù chương trình bắt đầu lúc 17h nhưng từ 16h, nhiều khán giả đổ dồn về Đường sách TP.HCM, chờ đợi đêm nhạc diễn ra. Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, một số người cho biết mình đã đến từ sớm để không bỏ lỡ giây phút đặc biệt này.
Không chỉ có khán giả với mái tóc điểm bạc, chương trình còn thu hút nhiều bạn trẻ, các em học sinh, du khách nước ngoài. Tất cả đều có điểm chung là say mê, yêu thích nhạc Trịnh.
Đông đảo khán giả đến tham dự đêm nhạc Đồng dao hòa bình - Ảnh: T.T.D.
MC Tùng Leo thay mặt gia đình gửi gắm: "Xin mọi người hãy gọi là 'nhạc sĩ Trịnh Công Sơn' thay vì 'cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn'. Bởi lẽ, anh vẫn còn ở đâu đây với chúng ta. Ngày hôm nay, anh cũng đến dự chương trình này, chúng tôi tin là như vậy".
Chương trình bắt đầu với ca khúc Như một hòn bi xanh bản song ngữ Việt Anh, được thể hiện bởi ca sĩ đặc biệt - đại diện cho thế hệ thứ 4 trong gia đình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Theo MC Tùng Leo, đây là bài hát nằm ngoài kịch bản chương trình, nằm ngoài đề tài 50 năm hòa bình.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, gia đình quyết định chọn ca khúc này làm mở màn vì "thay vì nói một điều gì đó xa vời, hãy bắt đầu bằng việc tất cả mọi người đều lựa chọn 'hòn bi xanh' này làm quê hương".
"Ca sĩ đặc biệt" - thế hệ thứ 4 trong gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ảnh: T.T.D.
Và quả thật, Như một hòn bi xanh là lựa chọn hoàn hảo để mở màn. Không ai nhắc ai, hàng trăm khán giả bắt đầu cùng ngân nga giai điệu quen thuộc "Như một hòn bi xanh/Trái đất này quay tròn/Căn nhà ta nằm nhỏ/Trong lòng một quê hương...".
Ngay sau đó, chương trình đưa khán giả quay ngược về quá khứ, cùng nhau nhìn lại thời kỳ khói lửa, đau thương nhưng vẫn ngập tràn hy vọng qua lăng kính của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đó là những năm tháng mà có thể gói gọn bằng chữ chờ đợi - Chờ nhìn quê hương sáng chói.
Ca sĩ Tấn Sơn đàn guitar hát bài Xin mặt trời ngủ yên - Ảnh: T.T.D.
Trong chương đầu tiên, ca khúc huyền thoại, đi từ da diết mong đợi hòa bình như Chờ nhìn quê hương sáng chói, Xin mặt trời ngủ yên, Huyền thoại mẹ... đến niềm phấn khởi khi nghĩ về độc lập trong Ta đã thấy gì trong đêm nay.
Một trong những điểm đặc biệt tại đêm nhạc là các nghệ sĩ - những người anh em thân thiết với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn "cháy" hết mình cùng khán giả.
Dù sức khỏe hạn chế, bước lên sân khấu khó khăn, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn vẫn mang đến cảm xúc sâu lắng khi trình diễn liên tục hai ca khúc Em đi bỏ lại con đường, Ca dao mẹ.
Mặc dù có người dìu lên sân khấu một cách khó khăn, nhưng saxophone Trần Mạnh Tuấn vẫn "máu lửa" chơi liên tục hai bài của Trịnh Công Sơn: Em đi bỏ lại con đường và Ca dao mẹ - Ảnh: T.T.D.
Ca sĩ Cẩm Vân xuất hiện trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của người hâm mộ. Chị khuấy động không khí qua ca khúc Huế Sài Gòn Hà Nội - khúc hát về thời đất nước bị chia cắt và mong muốn đoàn kết giữa ba miền.
Chứng kiến khán giả ở nhiều độ tuổi yêu thích nhạc Trịnh, ca sĩ Cẩm Vân xúc động: "Dù nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất 24 năm nhưng âm nhạc của anh vẫn còn sống mãi. Nhờ có gia đình, qua mỗi ngày, âm nhạc của anh ngày một lớn hơn.
Giới trẻ ngày nay cũng dần yêu thích nhạc Trịnh, đó là một tín hiệu rất đẹp và đáng mừng".
Ca sĩ Cẩm Vân và khán giả cùng hát Huế Sài Gòn Hà Nội trong không gian Đường sách TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Khán giả cùng hòa ca Nối vòng tay lớn
Đi qua giai điệu về hòa bình, chương 2 mở ra với loạt tình ca bất hủ, gắn liền với nhiều thế hệ với chủ đề "Bốn mùa thay lá". Đó là các ca khúc Mưa hồng, Tình nhớ, Hạ trắng, Cho đời chút ơn, Xin cho tôi, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui...
Ca sĩ Quang Dũng bắt đầu chương 2 với hai bài: Mưa hồng và Tình nhớ - Ảnh: T.T.D.
Dù đang điều trị bệnh nhưng ca sĩ Hồng Nhung vẫn đến tham dự, trình diễn liên tục hai tiết mục Ở trọ và Hãy yêu nhau đi.
Cơn mưa nặng hạt bất ngờ trút xuống khi Hồng Nhung đang hát Hãy yêu nhau đi. Dẫu vậy, thời tiết khắc nghiệt cũng không ngăn cản được khán giả "phiêu" theo nhạc Trịnh.
Sau các đợt điều trị bệnh, ca sĩ Hồng Nhung "phiêu" trở lại với nhạc Trịnh qua bài Ở trọ - Ảnh: T.T.D.
Có người che ô, cũng có người đội mưa, không có bất cứ ai rời đi. Họ cùng nhau hát vang những giai điệu quen thuộc, như thể âm nhạc của Trịnh Công Sơn kết nối mọi người, bất chấp mọi thử thách của thời gian và hoàn cảnh.
Đêm nhạc tưởng nhớ 24 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khép lại với Nối vòng tay lớn.
Cách đây 50 năm, bài hát này đã được ông hát vang trên Đài Phát thanh Sài Gòn trong ngày đại thắng. Và giờ đây, sau 50 năm, Nối vòng tay lớn lại lần nữa vang lên với niềm tự hào của hàng trăm khán giả.
Các ca sĩ, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và khán giả cùng hát bài Nối vòng tay lớn kết thúc đêm nhạc - Video: T.T.D.
"Gia đình lấy chủ đề Đồng dao hòa bình cho đêm nhạc vì năm nay đánh dấu 50 năm kỷ niệm đất nước thống nhất và 24 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm. Chúng tôi xúc động và luôn biết ơn các khán giả đã yêu nhạc Trịnh.
Dù đã qua 24 năm nhưng tình yêu của họ vẫn còn lớn, ngày càng yêu nhạc Trịnh hơn. Điều đáng mừng hơn nữa là thế hệ Gen Z ngày nay cũng bắt đầu hát nhạc Trịnh, thể hiện qua cách riêng của họ và đều rất hay" - ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh chia sẻ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/doi-mua-cung-tran-manh-tuan-hong-nhung-quang-dung-trong-dem-nhac-tuong-nho-trinh-cong-son-2025040123015755.htm
Bình luận (0)