Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đội tuyển cử tạ Việt Nam: Sẽ đột phá với chuyên gia ngoại?

Trong chỉ đạo mới nhất từ Cục Thể dục thể thao (TDTT) Việt Nam, đội tuyển cử tạ Việt Nam cần gấp rút tìm chuyên gia ngoại cho nhóm VĐV trọng điểm từ giữa tháng 5 này. Tất cả nhằm tạo ra sự đột phá về thành tích tại ASIAD và Olympic trong thời gian tới.

Báo Công an Nhân dânBáo Công an Nhân dân01/05/2025

12 năm không chuyên gia ngoại cho nhóm trọng điểm

Cho đến năm 2013, đội tuyển cử tại Việt Nam vẫn có chuyên gia ngoại cho nhóm VĐV trọng điểm, thậm chí có lúc chỉ dành riêng cho 1 VĐV trọng điểm (trường hợp đô cử Hoàng Anh Tuấn có chuyên gia người Bulgaria trong quá trình chuẩn bị cho Olympic 2008). Đến hết năm 2013, nhóm VĐV trọng điểm, trong đó có đô cử Trần Lê Quốc Toàn vẫn được chuyên gia Deikov (Bulgaria)  huấn luyện với mức lương khoảng 2.200 USD/tháng.

c%3f t%3f.jpg -0
Thành viên đội tuyển cử tạ Việt Nam năm 2025. Ảnh: Minh Minh

Việc Trần Lê Quốc Toàn chỉ xếp hạng 4 tại Olympic London năm 2012 bị xem như không đạt chỉ tiêu trong thời điểm ấy và đó là một trong những lý do mà hết năm 2013, Tổng cục TDTT (nay là Cục TDTT Việt Nam) không tái ký hợp đồng với chuyên gia này. Sau này, đến năm 2020, Trần Lê Quốc Toàn được đôn lên giành HCĐ Olympic 2012 khi đô cử xếp thứ 3 (hạng 56kg) tại kỳ Olympic năm đó là Valentin Hristov (Azerbaijan) bị xác định dương tính với doping và bị hủy kết quả.

Nhưng lúc đó cũng quá muộn để có thể đánh giá chính xác đóng góp của chuyên gia Deikov cho cử tạ Việt Nam nói chung và thành tích của Trần Lê Quốc Toàn nói riêng ở Olympic năm 2012. Bởi nếu Trần Lê Quốc Toàn giành HCĐ ngay kỳ Olympic 2012, có lẽ chuyên gia Deikov đã gắn bó lâu hơn với đội tuyển cử tạ Việt Nam kể cả khi nhóm VĐV trọng điểm do ông huấn luyện không đạt thành tích ưng ý trong năm 2013, cũng là lý do khác để Tổng cục TDTT không tái ký hợp đồng với ông.

Như thế, cả 2 tấm huy chương tại Olympic năm 2008 và 2012 của đội tuyển cử tạ Việt Nam đều có dấu ấn của các chuyên gia ngoại dù mức độ đóng góp của mỗi người khác nhau.

Sau đó, Tổng cục TDTT cũng xúc tiến tìm chuyên gia ngoại cho nhóm VĐV trọng điểm ở đội tuyển quốc gia với định hướng là HLV châu Âu. Nhưng từ 2014 đến nay, nhóm VĐV trọng điểm vẫn không có chuyên gia ngoại.

Vấn đề nằm ở việc các VĐV trọng điểm từ đó đến nay như Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền hay Trịnh Văn Vinh được các HLV nội dẫn dắt cũng đạt thành tích đáng kể ở các sân chơi thế giới, ASIAD. Điều đó khiến những người có trách nhiệm tin rằng các HLV nội có thể cáng đáng được nhiệm vụ ở các sân chơi quan trọng như Olympic, ASIAD. Nhưng khi cần đoạt HCV ở ASIAD hay huy chương Olympic Rio 2016, Olympic Rio Tokyo 2020 (tổ chức vào năm 2021) và mới nhất là Olympic Paris 2024 thì tất cả lại không thực hiện được.

Thực tế, cho đến lúc này, cử tạ Việt Nam vẫn có chuyên gia ngoại, nhưng là cho nhóm VĐV thuộc đội tuyển trẻ. Từ gần chục năm nay, chuyên gia Daniela Samuilova Kerkelova - từng dự Olympic Sydney năm 2000 tại Australia với tư cách VĐV, đã làm việc ở đội tuyển trẻ quốc gia và góp công lớn để tạo nên những lứa VĐV trẻ tài năng. Trong số này, nổi bật là đô cử Ngô Sơn Đỉnh khi từng giành HCV tại Olympic trẻ thế giới năm 2018, HCB giải vô địch thế giới 2022, 2023. Trong khi đó, nữ tuyển thủ Phạm Đình Thi (giành HCĐ hạng 49kg nữ tại giải vô địch thế giới 2024) cũng là học trò của Daniela Samuilova Kerkelova.

Tất cả cũng để thấy các chuyên gia ngoại vẫn có những đóng góp hiệu quả, thiết thực cho cử tạ Việt Nam.

Đầu tư cho đúng "trọng điểm"

Cho đến lúc này, cùng với bắn súng, phần nào là bắn cung, cử tạ vẫn là môn được coi như ưu tiên và có tiềm năng hàng đầu của thể thao Việt Nam để tranh chấp HCV ASIAD hay huy chương Olympic. Ngay tại hội thảo mới đây do Cục TDTT Việt Nam tổ chức về Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, các nhà chuyên môn cũng đều thống nhất về việc đưa cử tạ vào nhóm trọng điểm để tranh chấp huy chương Olympic.

Vấn đề vẫn là đầu tư như thế nào để xứng với cái danh "trọng điểm" dành cho cử tạ. Ngay trong cuộc làm việc mới đây của Cục TDTT Việt Nam với Ban huấn luyện đội tuyển cử tạ Việt Nam, yêu cầu đặt ra là cần có sự thay đổi về phương pháp huấn luyện bên cạnh những sự đầu tư khác liên quan đến trang thiết bị, cơ sở vật chất, chế độ dinh dưỡng, y học, tập huấn.

Và để có sự thay đổi mang tính đột phá về phương pháp huấn luyện, cần có chuyên gia ngoại với cách tiếp cận mới, hiện đại để giúp các VĐV trọng điểm của đội tuyển vững vàng ở các sân chơi giàu áp lực như Olympic, ASIAD. Và cũng để bớt những lần đô cử Việt Nam đánh rơi tạ ở những mức tạ thấp hơn nhiều so với khi tập luyện chỉ vì yếu tố bản lĩnh, tâm lý. Cục TDTT Việt Nam cũng yêu cầu bộ phận chuyên môn của Cục, Ban huấn luyện đội tuyển phối hợp với Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam tìm kiếm chuyên gia ngoại để báo cáo Cục TDTT ngay trong tháng 5/2025.

Chính Cục TDTT Việt Nam cũng khẳng định sẵn sàng chi mức lương tối đa 8.000 USD/tháng cho chuyên gia ngoại của nhóm VĐV trọng điểm ở đội tuyển quốc gia. Đây được xem là mức lương khá cao, có thể thu hút các chuyên gia ngoại giỏi từ nhiều nước khác. Vấn đề là bộ phận liên quan phải tìm đúng người đáp ứng yêu cầu.

Ông Đỗ Đình Kháng, Tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam cũng nhận định với mức lương 8.000 USD/tháng, có thể tìm được chuyên gia ngoại giỏi để có thể tạo nên sự đột phá về thành tích cho đội tuyển ở những sân chơi lớn như Olympic hay ASIAD.

Ông Đỗ Đình Kháng cũng nghiêng về phương án chọn HLV từ Trung Quốc do Ban huấn luyện nội hiện tại của đội tuyển quốc gia đều có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Trung Quốc. Không kể, cử tạ Trung Quốc cũng đã chứng tỏ được vị thế ở sân chơi Olympic nhờ nguồn HLV giỏi và có khả năng điều chỉnh tốt trong khi VĐV thi đấu để đặt VĐV vào thế chủ động nhất mỗi khi lên sàn. Tuy vậy, vẫn cần có thời gian thử việc với chuyên gia ngoại để đánh giá có phù hợp với con người hiện có của đội tuyển hay không.

Chuyên gia ngoại có mặt ở đội tuyển cử tạ quốc gia trong những tháng tới có lẽ chỉ còn là câu chuyện thời gian. Vấn đề quan trọng vẫn là việc chọn đúng chuyên gia xứng "đồng tiền bát gạo", sự phối hợp giữa Ban huấn luyện nội, các đô cử với chuyên gia ngoại để nhằm tạo đột phá trong thời gian tới, để cử tạ thực sự là "trọng điểm" của thể thao Việt Nam cả về đầu tư cũng như thành tích quốc tế.

Sàn đấu như thật tại nơi tập luyện

Cục TDTT Việt Nam cũng yêu cầu bộ môn Cử tạ của Cục, Ban huấn luyện đội tuyển cử tạ quốc gia trong thời gian tới nghiên cứu phương án lắp đặt sàn đấu với hệ thống ánh sáng mô phỏng sàn đấu thật ngay tại phòng tập của đội tuyển. Điều này sẽ giúp VĐV trải nghiệm tối đa cảm giác thi đấu thật để rèn bản lĩnh. Đây không phải phát kiến mà là kinh nghiệm từ cử tạ Trung Quốc đã áp dụng nhiều năm nay. (Minh Khuê)

Nguồn: https://cand.com.vn/the-thao/doi-tuyen-cu-ta-viet-nam-se-dot-pha-voi-chuyen-gia-ngoai--i766982/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trời đất giao hoà, vui cùng non sông
Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm