Việc mới đây, Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII) đã thể hiện rõ quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng, gia tăng nguồn điện sạch và hiện đại hóa hạ tầng truyền tải.
Với tổng vốn đầu tư hơn 136 tỷ USD đến năm 2030, cùng lộ trình đưa điện hạt nhân vào lưới quốc gia, ngành Điện lực không chỉ phục vụ cho nhu cầu trong nước mà thông qua đây tạo ra “giấy thông hành xanh” giúp hàng hóa Việt Nam vượt qua các rào cản thương mại quốc tế mới. Muốn tăng trưởng nhanh, bền vững, ngành Điện lực phải đi trước một bước - như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm - để làm nền tảng cho một nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động thích ứng và vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Điều này được hiện thực hóa bằng quyết tâm của Chính phủ trong việc chuyển đổi năng lượng công bằng, thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 - một yếu tố quan trọng để giữ vững vị thế xuất khẩu bền vững. Đây không chỉ là một kế hoạch đầu tư lớn, mà còn là cam kết chiến lược của Nhà nước nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời tạo hành lang pháp lý rõ ràng, ổn định cho nhà đầu tư trong và ngoài nước - yếu tố cực kỳ quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.
Tăng trưởng GDP 8% không thể thành hiện thực nếu thiếu điện. Các lĩnh vực dẫn dắt kinh tế như sản xuất chế biến - chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistics, đô thị thông minh hay trí tuệ nhân tạo (AI) - ô tô điện đều tiêu tốn lượng điện lớn, ổn định và có yêu cầu cao về chất lượng nguồn cung. Việc chậm trễ hay gián đoạn nguồn điện sẽ kéo theo hệ lụy dây chuyền, ảnh hưởng tới cả năng suất lao động, uy tín quốc gia và niềm tin của nhà đầu tư quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh Mỹ và các nước phát triển đang gia tăng các hàng rào thuế quan và phi thuế quan gắn với biến đổi khí hậu, như cơ chế điều chỉnh biên giới các bon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) hay quy định xuất xứ năng lượng sạch cho hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, nguồn điện xanh không chỉ là nhu cầu phát triển nội tại mà còn là “giấy thông hành” cho hàng hóa Việt Nam ra thế giới.
Lần đầu tiên, Việt Nam đưa vào lộ trình phát triển điện hạt nhân với công suất 4-6,4GW trong giai đoạn 2030-2035, mở ra một hướng đi đột phá để bảo đảm nguồn cung ổn định, ít phát thải và có công suất lớn.
Ngành Điện lực đang đứng trước thời cơ “vàng” để chuyển mình, song điều đó chỉ thành hiện thực nếu các bộ, ngành và địa phương hành động mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ và minh bạch. Không chỉ cần quy hoạch tốt, Việt Nam phải nhanh chóng hiện đại hóa quản lý năng lượng, ứng dụng chuyển đổi số, thị trường điện cạnh tranh, và giám sát hiệu quả vận hành - đầu tư. Hệ thống điện tương lai phải là một hệ sinh thái thông minh: Ổn định - phân tán - tối ưu hóa theo thời gian thực.
Nhu cầu đầu tư cho điện lực rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước có hạn. Việt Nam cần gỡ bỏ các rào cản về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, đấu nối lưới; đồng thời ban hành cơ chế giá điện hấp dẫn, ổn định và minh bạch để tạo niềm tin cho nhà đầu tư tư nhân, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và điện khí LNG.
Cùng với đó, lưới điện quốc gia cần được đầu tư bài bản, với công nghệ truyền tải cao, linh hoạt và đủ năng lực tích hợp các nguồn điện phân tán (như điện mặt trời hộ gia đình, điện gió ngoài khơi…). Ngoài ra, việc kết nối lưới điện với Lào, Trung Quốc, ASEAN cũng là một hướng đi chiến lược để nâng cao an ninh năng lượng và khả năng điều tiết.
Một hệ thống điện quốc gia mạnh, thông minh, xanh hóa chính là lá chắn an ninh năng lượng và đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Với những quyết sách đúng đắn, lộ trình rõ ràng, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để vừa bảo đảm đủ điện, vừa thúc đẩy xuất khẩu xanh, nâng tầm năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu đang bước vào giai đoạn chuyển đổi năng lượng sâu rộng.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/don-bay-cho-tang-truong-kinh-te-ben-vung-700137.html
Bình luận (0)