Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Điện Huệ Nam

NDO - Sáng 30/3, tại di tích Nghinh Lương Đình (Quận Phú Xuân), Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế phối hợp với đơn vị liên quan trang trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Điện Huệ Nam”. Đây là hoạt động tiêu biểu nằm trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia và Festival Huế năm 2025.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân30/03/2025

Tham dự lễ đón nhận di sản có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Thanh Bình; Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Hoàng Khánh Hùng; đại diện lãnh đạo Cục di sản văn hóa và các Sở, ban, ngành, đoàn thể và đông đảo quần chúng nhân dân, bà con theo tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại Huế.

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế Phan Thanh Hải cho biết, Lễ hội truyền thống điện Huệ Nam (còn gọi là điện Hòn Chén) được tổ chức tại địa điểm chính là Điện Huệ Nam, tọa lạc tại làng Hải Cát, phường Long Hồ, Quận Phú Xuân, thành phố Huế.

Lễ hội Điện Huệ Nam đã trải qua quá trình hình thành, phát triển lâu dài và ngày càng thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham dự. Điều này thể hiện sức sống mạnh mẽ và trường tồn của lễ hội Điện Huệ Nam. Trong giai đoạn đầu, lễ hội điện Huệ Nam chỉ diễn ra trong phạm vi khu vực điện thờ, về sau có sự tham gia của dân làng Hải Cát và dần dần phổ biến rộng rãi trong nhân dân.

Đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Điện Huệ Nam ảnh 1

Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ sôi động, đa sắc màu tâm linh theo tín ngưỡng thờ Mẫu được tái hiện và tổ chức tại Huế.

Lễ hội điện Huệ Nam là một hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, nhằm thỏa mãn những nhu cầu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng và góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của địa phương. Những nghi thức tại lễ hội như Lễ cung nghinh Thánh Mẫu và chư vị, lễ cáo yết, lễ chánh tế, hầu đồng cùng những lễ vật dâng lên Mẫu là những sản vật do chính họ làm ra từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi hoặc đánh bắt được…

“Ngày nay, lễ hội truyền thống Điện Huệ Nam mang sắc thái của các thánh môn đệ tử thờ Mẫu ở Việt Nam, nó cũng đã trở thành sản phẩm văn hóa tiêu biểu cho vùng đất Huế. Lễ hội Điện Huệ Nam đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhiều vùng miền trong cả nước”, ông Phan Thanh Hải nhấn mạnh.

Theo ông Hải, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, Lễ hội Điện Huệ Nam đã diễn ra đều đặn một năm hai lần vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch, với các hình thức quan trọng là Lễ cung nghinh Thánh Mẫu và chư vị tại Thánh đường 352 Chi Lăng thông qua nghi lễ rước bằng đường bộ, đường thủy, lễ Cáo yết, lễ Chánh tế tại Điện Huệ Nam và đình làng Hải Cát, sinh hoạt tín ngưỡng, thực hiện nghi lễ hầu đồng trên các bằng, án.

Lễ hội Điện Huệ Nam thể hiện được tầm ảnh hưởng, quy mô với sự tham gia đông đảo cộng đồng Thánh môn đệ tử của Đạo Mẫu và du khách thập phương trong và ngoài nước đến tham dự lễ hội.

Đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Điện Huệ Nam ảnh 2

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế Phan Thanh Hải phát biểu tại buổi lễ.

Cùng với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Chi hội Di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu thành phố Huế xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội Điện Huệ Nam” đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày 10/12/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3981/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội truyền thống “Lễ hội Điện Huệ Nam” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Thật vinh dự và tự hào khi Huế có thêm 1 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là di sản chung của cộng đồng, do cộng đồng nắm giữ và chung tay bảo vệ, phát huy giá trị bền vững.

Để phát huy ngày càng hiệu quả hơn giá trị di sản quý giá này, ngành văn hóa sẽ đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các đề án, kế hoạch về bảo vệ và phát huy giá trị di sản lễ hội truyền thống Điện Huệ Nam. Điều này cũng thể hiện cam kết và quyết tâm của chính quyền và nhân dân thành phố trong việc bảo tồn, phát huy và lan tỏa hơn nữa giá trị của di sản phi vật thể quốc gia lễ hội Điện Huệ Nam trong bối cảnh xã hội đương đại”, ông Hải khẳng định.

Đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Điện Huệ Nam ảnh 3

Đoàn cung nghênh Thánh Mẫu bằng đường bộ từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng) lên Nghinh Lương Đình.

Trước khi diễn ra Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Ban Tổ chức Lễ hội Điện Huệ Nam tiến hành Lễ cung nghinh Thánh Mẫu, Hội đồng Tứ phủ bằng đường bộ với sự tham gia của hàng trăm người, bà con theo tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại Huế.

Đoàn cung nghênh bắt đầu từ Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng) dọc theo tuyến Chi Lăng lên đường Trần Hưng Đạo, tiếp nối đến Lê Duẩn trước khi đến di tích Nghi Lương Đình với chiều dài hơn 3km.

Tại di tích Nghinh Lương Đình, sau khi tiến hành nghi thức đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Ban tổ chức cùng Đoàn cung nghênh đã làm lễ cáo yết cầu an trước khi nghênh giá xuống các thuyền rồng để ngược theo dòng sông Hương lên thượng nguồn đến điện Huệ Nam thuộc phường Long Hồ, Quận Phú Xuân (thành phố Huế).

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, đây là lần thứ ba sau hơn 50 năm, Lễ hội điện Huệ Nam thực hiện hoạt động cung nghinh Thánh Mẫu, Hội đồng Tứ phủ trên đường bộ, tái hiện và xây dựng một Carnival dân gian độc đáo và có quy mô lớn tại Festival mùa Hạ, nằm trong khuôn khổ hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia và Festival Huế năm 2025.

Ngoài lễ rước Thánh Mẫu bằng đường bộ, nét độc đáo của Lễ hội truyền thống Điện Huệ Nam còn là hoạt động rước Thánh Mẫu bằng hàng loạt thuyền rồng di chuyển trên sông Hương.

Một số hình ảnh tại Lễ hội Điện Huệ Nam và đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia:

Đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Điện Huệ Nam ảnh 4

Lễ hội Điện Huệ Nam đã diễn ra đều đặn một năm hai lần vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch.

Đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Điện Huệ Nam ảnh 5

Lễ hội cũng được xem là một festival văn hóa dân gian, cộng đồng đặc trưng của Cố đô.

Đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Điện Huệ Nam ảnh 6

Đoàn lễ rước Thánh Mẫu qua nhiều tuyến phố ở trung tâm thành phố Huế.

Đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Điện Huệ Nam ảnh 7
Lễ hội Điện Huệ Nam tiến hành Lễ cung nghinh Thánh Mẫu bằng đường bộ từ Thánh đường 352 Chi Lăng lên Nghinh Lương Đình.
Đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Điện Huệ Nam ảnh 8

Hoạt động cung nghinh Thánh Mẫu bằng đường bộ đã được tái hiện một độc đáo, có quy mô lớn và đầy màu sắc của trang phục cổ xưa, mang yếu tố văn hóa tâm linh thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na tại Cố đô.

Đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Điện Huệ Nam ảnh 9

Lễ hội truyền thống “Lễ hội Điện Huệ Nam” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 3981/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024.

Đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Điện Huệ Nam ảnh 10

Đoàn rước Thánh Mẫu xuống thuyền rồng để di chuyển bằng đường sông trên sông Hương.

Đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Điện Huệ Nam ảnh 11

Lãnh đạo Cục di sản văn hóa và các Sở, ban, ngành chụp ảnh lưu niệm tại Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Điện Huệ Nam”.

Đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Điện Huệ Nam ảnh 12

Đoàn thuyền rồng xuất phát từ di tích Nghinh Lương Đình, xuôi theo sông Hương lên thượng nguồn đến điện Huệ Nam (phường Long Hồ).

Nguồn: https://nhandan.vn/don-nhan-bang-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-le-hoi-dien-hue-nam-post868779.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm