Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Huế đi sáng tác trên lòng hồ thủy điện Hương Trà. Ảnh: Phạm Văn Tý |
Không ngừng lớn mạnh
Từ khoảng hơn 100 người từ năm 1975, đến nay đội ngũ VNS ở Huế đã có trên 700 người, sinh hoạt trong 8 hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Huế. VNS Huế vừa bảo tồn giá trị truyền thống, vừa tiếp thu các khuynh hướng hiện đại từ thế giới. Sự tự do trong sáng tạo VHNT ngày càng được mở rộng, cho phép VNS thử nghiệm đa dạng đề tài và hình thức thể hiện mới mẻ.
Nhà nghiên cứu phê bình Phạm Phú Phong khẳng định: “Chưa có thời điểm nào trong lịch sử văn chương xứ Huế lại có một đội ngũ những người viết đông đảo như nửa thế kỷ qua, kể cả thời Huế còn là trung tâm vàng son của cả nước, với những thành tựu của văn chương chữ Hán, chữ Nôm và chứng kiến bước chuyển giao rộn ràng trong buổi giao thời của văn chương quốc ngữ. Không khí đổi mới đã mở ra cả một chân trời cao rộng cho sáng tạo nghệ thuật”.
Bàn về thành tựu thơ Huế nhìn từ tiềm năng và lực lượng sáng tạo, Nhà phê bình Hồ Thế Hà nhận xét: “Sau 1975, đội ngũ nhà thơ đã đoàn viên trong ngày hội lớn của dân tộc. Huế từng được mệnh danh là xứ sở của thi ca, nhạc họa, là nơi chứng kiến không khí hội ngộ đông vui này. Chính từ hiện thực sinh động của cuộc sống và con người đã quy định chất thơ của một thời đại văn học diễn ra trong thời bình. Những giá trị mới của thơ ca được kết tinh từ mảnh đất giàu tiềm lực này, để trong khoảnh khắc nó trở thành sức mạnh đặc biệt”.
Trên lĩnh vực âm nhạc, với hàng ngàn tác phẩm âm nhạc được sáng tạo, các nhạc sĩ Huế đã góp phần phản ánh từng bước phát triển đi lên trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Trong khi đó, từng dự án bảo tồn và phát huy giá trị múa cung đình Huế luôn được triển khai đồng bộ và mang lại những hiệu quả thiết thực. Điều này đã đem lại cho nghệ thuật cung đình Huế nói chung, múa cung đình Huế nói riêng có thêm một sức sống mới. Múa đương đại Huế cũng đang từng bước phát triển nhanh chóng, được giới chuyên môn đánh giá cao.
Nhiếp ảnh đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy những nét đẹp truyền thống, từ kiến trúc cổ đến các lễ hội văn hóa của địa phương góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng của vùng đất Cố đô. Cũng như hai trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn Hà Nội và thành phố Hồ chí Minh, mỹ thuật Huế có những chuyển biến tích cực từ sự vận động nội tại, thay đổi cách nhìn, để mở cửa đón nhận một thế giới phẳng mang tính toàn cầu, rồi hòa mình vào các xu hướng nghệ thuật đang diễn ra trong khu vực và trên toàn cầu.
Hoạt động khá sôi nổi và hiệu quả là văn nghệ dân gian. Bàn về phát huy giá trị văn hóa dân gian xứ Huế trong phát triển văn hóa, TS. Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội VNDG cho biết: “Thời gian qua, các di sản văn hóa dân gian đã được nhận diện giá trị, bảo vệ và phát huy có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống văn hóa tốt đẹp. Hội cũng xây dựng và quảng bá các giá trị của văn hóa dân gian xứ Huế ra thế giới thông qua các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế”.
Để có thêm những thành tựu mới
Bên cạnh việc đánh giá cao các thành tựu, cũng nên thẳng thắn nhìn nhận, so với thời kỳ kháng chiến kiến quốc, hoạt động VHNT trong giai đoạn đổi mới đất nước đang có phần chững lại, thiếu vắng những tác phẩm có sức khái quát nghệ thuật cao, có năng lực hiệu triệu, lay động, cổ vũ, khích lệ toàn dân, chung sức và đồng lòng. Đó cũng là trăn trở lớn của tất cả VNS Việt Nam và Huế.
Để có thêm những thành tựu mới, cần có nhiều sáng tạo mới trên những nỗ lực đổi mới sáng tạo. Trong đó, để có được những "mùa màng" thực sự và góp được sức mạnh của mình trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi hệ hình nghệ thuật hiện đại Việt Nam, các VNS Huế không thể dừng lại ở những khai phá như đã từng mà cần đẩy sự khai phá đi đến đa dạng hơn và vững vàng hơn. Sự khai phá cần hơn ở tư tưởng chứ không chỉ là những thể nghiệm kỹ thuật.
Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - với quyết tâm, niềm tin về một nước Việt Nam hùng cường, thành phố Huế cũng không nằm ngoài khí thế mới, khát vọng mới ấy. VNS TP. Huế hơn lúc nào hết, cần nỗ lực sáng tạo, làm cho văn học nghệ thuật đồng hành cùng khát vọng phát triển của Huế và đất nước.
Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/dong-hanh-cung-khat-vong-phat-trien-cua-thanh-pho-hue-152593.html
Bình luận (0)