Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Động lực tăng trưởng kinh tế từ khu vực FDI

Trong 3 tháng đầu năm 2025, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam ước đạt 4,96 tỉ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ Tài chính, đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 3 tháng đầu năm trong 5 năm qua (2021-2025). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,05 tỉ USD, chiếm 81,7% tổng vốn FDI thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 387,7 triệu USD, chiếm 7,8%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 193,3 triệu USD, chiếm 3,9%. Khu vực FDI chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của quốc gia. Trong quý I-2025, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt kim ngạch xuất khẩu 73,82 tỉ USD, tăng 9% so cùng kỳ năm 2024 và chiếm 71,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ12/04/2025

Theo Cục Ðầu tư nước ngoài, tính đến 31-3-2025, tổng vốn FDI vào Việt nam đạt 10,38 tỉ USD (vốn cấp mới, điều chỉnh tăng thêm và vốn góp mua cổ phần), tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng chậm lại, các căng thẳng thương mại gia tăng đang tác động tiêu cực đến sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, nhưng thu hút vốn FDI của Việt Nam vẫn tăng cao cho thấy môi trường đầu tư đang được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá tích cực. Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài. Khu vực FDI cũng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô thông qua việc bổ sung vào nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, tạo thêm việc làm, đóng góp cho ngân sách; đồng thời thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ.

Dự báo của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2025 đã nhận định, Việt Nam tăng trưởng cao nhất trong khu vực Asean, với mức dự báo từ 6,5% đến 6,8%. Mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đặt ra năm 2025 tăng trưởng từ 8% trở lên để tạo đà cho tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030 được các tổ chức quốc tế đánh giá là mục tiêu tham vọng. Ðể đạt mục tiêu này, Việt Nam cần thực hiện rất nhiều giải pháp và phải có những cải cách mạnh mẽ hơn về thể chế, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã nỗ lực liên tục trong việc cải cách thủ tục hành chính, tăng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng giao thông nhằm tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư. Ðồng thời công tác xúc tiến đầu tư cũng được mở rộng, các địa phương đều xây dựng các danh mục dự án mời gọi FDI có trọng tâm, nhất là tập trung vào các ngành công nghệ cao, logistics... để tạo động lực lan tỏa.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh dịch chuyển dòng vốn FDI toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ thì Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để đón sóng đầu tư nhờ môi trường đầu tư, thể chế ổn định. Còn theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của Cục Thống kê cũng cho thấy, khu vực doanh nghiệp FDI lạc quan nhất với 87% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II-2025 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I-2025. Ðây là tín hiệu tích cực để tăng động lực tăng trưởng kinh tế từ khu vực FDI.

SONG NGUYÊN

Nguồn: https://baocantho.com.vn/dong-luc-tang-truong-kinh-te-tu-khu-vuc-fdi-a185358.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4
Việt Nam không những..., mà còn...!
Victory - Bond in Vietnam: Khi âm nhạc đỉnh cao hòa quyện với kỳ quan thiên nhiên thế giới
Máy bay chiến đấu cùng 13.000 chiến sĩ lần đầu hợp luyện cho đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm