Cử tri quan tâm tên gọi hành chính cấp xã sau sáp nhập 

Dân cần chính quyền đủ mạnh

Ông Lê Văn Dương (tổ dân phố Thế Mỹ A, phường Phong Phú, TX. Phong Điền) là người am tường về những những cuộc “tách nhập” các đơn vị hành chính (ĐVHC). Vốn là Chủ tich UBND xã Phong Hải (nay là phường Phong Hải, TX. Phong Điền) từ những năm 80 của thế kỷ trước, ông Dương bảo rằng, sáp nhập ĐVHC là câu chuyện nhằm tạo ra sự phù hợp cho từng thời kỳ phát triển. “Đến bây giờ tên gọi Phong Hải vẫn còn đặt cho một ĐVHC cấp xã. Nhưng dự kiến sau sáp nhập, Phong Hải sẽ nhập với Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) trở thành phường Phong Quảng. Tôi cho rằng, tên gọi mới khá hợp lý bởi đây là sự tổng hòa tên gọi của các địa phương”, ông Dương nói.

Còn ông Trần Viết Giáo (thôn Giang Chế, xã Giang Hải, huyện Phú Lộc) mở đầu câu chuyện về Đề án sắp xếp, tổ chức lại các ĐVHC cấp xã trên địa bàn TP. Huế (Đề án) rằng: “Đã đến lúc phải thay đổi, nếu không sẽ giậm chân tại chỗ. Dân không chỉ cần cán bộ gần dân, mà còn cần cán bộ giỏi việc, chính quyền nhanh, minh bạch”.

Theo ông Giáo, trải qua biết bao biến thiên của thời cuộc, nhiều lần sáp nhập rồi chia tách, các tên gọi ĐVHC không ít lần thay đổi, nhưng ở các địa phương các tên làng xã truyền thống ăn sâu vào tiềm thức biết bao thế hệ vẫn còn. “Tôi nghĩ rằng, tên gọi mới là ĐVHC mang tính quản trị, quản lý còn những tên làng, tên xã không được chọn sẽ không mất đi mà mãi tồn tại trong tâm khảm người dân”, ông Giáo nói.

Ghi nhận của chúng tôi, trong hai ngày cuối tuần, nhiều thôn, tổ dân phố vận động người dân đến hội trường để tham gia góp ý, lấy ý kiến, cùng với đó, cán bộ địa phương về tận cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng; kiên trì giải thích, tuyên truyền, thông tin về Đề án tinh gọn các ĐVHC cấp xã, tiến tới mô hình chính quyền hai cấp. Và từ những tiếng nói, ý kiến của cử tri, bản Đề án tưởng chừng khô khan, hành chính lại trở nên gần gũi, với Nhân dân là trung tâm. Bên cạnh đa số ý kiến đồng thuận, điều khiến người dân còn băn khoăn không phải là “ghép với ai”, mà là những câu hỏi rất cụ thể: Xã mới tên gì? trụ sở đặt ở đâu? có bất tiện khi đi lại làm giấy tờ?

Ông Lê Văn Hiếu (xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy) chia sẻ: “Chúng tôi không tiếc tên xã theo kiểu bảo thủ. Nhưng tên mới phải gắn với truyền thống, mang bản sắc vùng đất và trụ sở mới phải thuận lợi cho người dân mỗi khi đi làm giấy tờ”.

Không chỉ dừng lại ở tên gọi sau sáp nhập, không ít cử tri bày tỏ kỳ vọng xa hơn. Theo họ, sáp nhập không chỉ là tinh giản tổ chức, mà còn là cơ hội đổi mới phương thức phục vụ. “Dân giờ không cần xã nhiều, chỉ cần xã mạnh. Cán bộ không cần đông, chỉ cần làm việc đàng hoàng, đừng để dân chờ đợi, đi lại nhiều là được”, ông Hiếu nói.

Hoàn chỉnh tổ chức bộ máy, tạo động lực phát triển

Đến ngày 20/4, các địa phương trên toàn thành phố đã cơ bản hoàn tất việc lấy ý kiến với tỷ lệ cử tri đồng thuận Đề án cao.

Theo Đề án, việc xây dựng phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã đã tính đến các yếu tố về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của ĐVHC sau sắp xếp. Đồng thời, cân nhắc kỹ các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền địa phương và người dân; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực đảo, quần đảo và vùng biên giới; giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc của mỗi địa phương; bảo đảm khối đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư.

Đề án cũng chỉ rõ gắn việc sắp xếp ĐVHC với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm chính quyền địa phương cấp xã gần dân, sát dân và phục vụ người dân được tốt nhất.

Việc sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC cấp xã đảm bảo lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán; vị trí địa lý, điều kiện địa lý - tự nhiên, liên kết tiểu vùng, vùng; quy mô, trình độ phát triển kinh tế; quốc phòng, an ninh chính trí, trật tự xã hội; hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin…

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Phương cho biết, sau sắp xếp, các ĐVHC mới tại Huế sẽ tổ chức bộ máy tinh gọn, đồng bộ và hoạt động hiệu quả hơn. Các xã, phường mới được sắp xếp cũng có tổ chức bộ máy hoàn chỉnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, công chức được điều động, sắp xếp lại theo hướng nâng cao chất lượng, tăng cường tính chuyên nghiệp, tận tụy và gần dân. Đây là cơ hội để Huế xây dựng chính quyền cơ sở kiểu mẫu, lấy người dân làm trung tâm phục vụ.

Theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại các ĐVHC cấp xã, thành phố Huế dự  kiến sẽ tiến hành sắp xếp lại 133 ĐVHC cấp xã (gồm 48 phường, 78 xã và 7 thị trấn), tổ chức lại thành 40 ĐVHC cấp xã mới (gồm 21 phường và 19 xã), tương ứng với việc giảm 93 đơn vị, đạt tỷ lệ tinh giản gần 70%.
Lê Thọ - Đức Quang

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/dong-thuan-de-doi-thay-sap-nhap-de-phat-trien-152801.html