Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Du lịch xanh toả sáng giữa đại ngàn

(PLVN) - Giữa những chuyển động của du lịch hiện đại, khi khắp nơi ồn ào với các khu nghỉ dưỡng sang trọng và các gói trải nghiệm được lập trình sẵn, thì ở vùng trung du miền núi phía Bắc có những điểm đến đang âm thầm vươn mình bằng vẻ đẹp hoang sơ và bản sắc riêng biệt. Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang - ba tỉnh đang trở thành lựa chọn cho hành trình xanh, thân thiện và bền vững.

Báo Pháp Luật Việt NamBáo Pháp Luật Việt Nam26/04/2025

Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang - ba viên ngọc xanh của trung du miền núi phía Bắc đang trở thành lựa chọn ưu tiên cho những ai kiếm tìm sự nguyên sơ, sự an yên, và hơn hết, một lối du lịch xanh, chậm, bền vững, gắn liền với thiên nhiên và hồn cốt văn hóa dân tộc.

Thiên nhiên trao tặng – Văn hóa được gìn giữ

Không phải ngẫu nhiên mà du khách phương xa đến hồ Ba Bể (Bắc Kạn) lại thường chọn khởi hành từ sáng sớm. Khi làn sương còn vương trên mặt nước, và tiếng mái chèo khua nhè nhẹ vang vọng giữa núi rừng, Ba Bể hiện lên như một tranh thủy mặc sống động.

Hồ Ba Bể là địa điểm mà du khách lựa chọn đến thăm quan khi tới tỉnh Bắc Kạn (Ảnh: Lê Hanh)

Hồ Ba Bể là địa điểm mà du khách lựa chọn đến thăm quan khi tới tỉnh Bắc Kạn (Ảnh: Lê Hanh)

Là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất miền Bắc, Ba Bể không chỉ sở hữu hệ sinh thái rừng nguyên sinh quý hiếm, mà còn là mái nhà văn hóa của người Tày với những truyền thuyết, lễ hội và kiến trúc nhà sàn độc đáo. Xung quanh hồ là Ao Tiên, thác Đầu Đẳng, động Puông, mỗi nơi là một chấm phá trong bức tranh hoang sơ của thiên nhiên Bắc Kạn.

Trong khi đó, Cao Bằng vùng đất địa đầu Tổ quốc lại đưa du khách từ cảm xúc nhẹ nhàng đến choáng ngợp. Thác Bản Giốc là một trong những thác nước đẹp và lớn nhất Đông Nam Á, thác tuôn trào trắng xóa giữa đại ngàn.

Thác Bản Giốc địa danh nổi tiếng tại Cao Bằng (Ảnh: Lê Hanh)

Thác Bản Giốc địa danh nổi tiếng tại Cao Bằng (Ảnh: Lê Hanh)

Cách thác không xa là động Ngườm Ngao, nơi có hệ thống thạch nhũ kỳ ảo bậc nhất miền Bắc. Thêm vào đó là hồ Thang Hen xanh biếc quanh năm, núi Mắt Thần với lỗ tròn tự nhiên độc nhất vô nhị, tạo nên một Cao Bằng đầy chất thơ và hấp dẫn giới trẻ khám phá.

Tuyên Quang vừa là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng lại nổi bật với vẻ đẹp yên bình. Khu du lịch sinh thái Na Hang – Lâm Bình được ví như "Hạ Long giữa đại ngàn" với hồ nước, thác Khuổi Nhi, động Song Long, rừng đặc dụng và bản làng người Dao, Tày, Pà Thẻn…

Na Hang - Tuyên Quang được ví như Vịnh Hạ Long giữa núi rừng (Ảnh: Lê Hanh)

Na Hang - Tuyên Quang được ví như Vịnh Hạ Long giữa núi rừng (Ảnh: Lê Hanh)

Nơi đây là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thiên nhiên, ưa khám phá, và tìm kiếm sự cân bằng giữa nghỉ dưỡng và trải nghiệm bản địa. Còn suối khoáng Mỹ Lâm với nguồn nước nóng giàu khoáng chất lại là nơi du khách tìm về chữa lành cả thể chất lẫn tinh thần.

Du lịch tâm linh – Mảnh ghép đầy tiềm năng

Không chỉ sở hữu thiên nhiên kỳ vĩ, ba tỉnh vùng trung du này còn là nơi lắng đọng của tín ngưỡng, văn hóa tâm linh lâu đời. Những ngôi đền, ngôi chùa không chỉ là chốn chiêm bái mà còn là phần hồn không thể tách rời của cảnh quan, bản sắc địa phương.

Tại Bắc Kạn, ngay giữa lòng hồ Ba Bể, đền An Mạ nằm tĩnh lặng trên đảo nhỏ, là nơi thờ các tướng lĩnh trung thành của nhà Mạc. Du khách đến đây thường đi thuyền ra đền, vừa để lễ cầu bình an, vừa cảm nhận không gian linh thiêng giữa sóng nước và rừng xanh. Xa hơn là chùa Thạch Long nằm sâu trong hang núi đá ở huyện Chợ Đồn, mang vẻ đẹp huyền bí, thu hút không chỉ Phật tử mà cả những người yêu kiến trúc tâm linh.

Đến Bắc Kạn du khách còn được nghe những làn điệu hát then, đàn tính do các nghệ nhân tại địa phương thực hiện (Ảnh: Lê Hanh)

Đến Bắc Kạn du khách còn được nghe những làn điệu hát then, đàn tính do các nghệ nhân tại địa phương thực hiện (Ảnh: Lê Hanh)

Ở Cao Bằng, chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc được xây dựng trên đỉnh đồi cao nhìn xuống thác Bản Giốc, là điểm nhấn vừa mang tính tâm linh, vừa thể hiện kiến trúc độc đáo nơi biên giới. Với lối thiết kế hài hòa thiên nhiên và văn hóa Phật giáo Việt Nam, ngôi chùa đã trở thành điểm đến được du khách quốc tế đặc biệt yêu thích.

Người Dao Đỏ tại Cao Bằng có những bài thuốc dân gian giúp chữa bệnh rất hiệu quả cho người dân (Ảnh: Lê Hanh)

Người Dao Đỏ tại Cao Bằng có những bài thuốc dân gian giúp chữa bệnh rất hiệu quả cho người dân (Ảnh: Lê Hanh)

Bên cạnh đó, khu di tích Pác Bó nơi Bác Hồ từng sống và làm việc không chỉ có giá trị lịch sử mà còn là một không gian thiêng liêng, yên tĩnh, mang dáng dấp của một "thánh địa" cách mạng.

Tuyên Quang lại là thủ phủ của hệ thống đền thờ Mẫu nổi tiếng như đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La nơi mỗi dịp đầu năm thu hút hàng vạn người hành hương.

Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tuyên Quang nhìn từ trên cao (Ảnh: Lê Hanh)

Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tuyên Quang nhìn từ trên cao (Ảnh: Lê Hanh)

Lễ hội Thành Tuyên, vốn nổi bật với mô hình đèn khổng lồ rực rỡ, thực chất xuất phát từ tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu, hòa quyện giữa văn hóa tâm linh và lễ hội dân gian.

Ngoài ra, đền Mẫu Thượng Ngàn, đền Cảnh Xanh hay chùa An Vinh đều là những địa chỉ tâm linh linh thiêng, gắn liền với bản sắc và tâm thức người Việt vùng trung du.

Doanh nghiệp địa phương – Những người gìn giữ và kiến tạo

Điểm sáng đáng ghi nhận trong hành trình “xanh hóa” du lịch của ba tỉnh này chính là sự tiên phong của các doanh nghiệp tư nhân, các hộ dân địa phương trong phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, tâm linh một cách bền vững.

Tại Bắc Kạn, những ngôi nhà sàn ở bản Pác Ngòi, Bó Lù (huyện Ba Bể) đã trở thành biểu tượng của du lịch cộng đồng. Không bê tông hóa hay cải tạo hiện đại, những homestay tại đây vẫn giữ nguyên nếp nhà, lối sống và cả những món ăn truyền thống. Du khách không chỉ lưu trú mà còn được cùng chủ nhà vào rừng hái rau, chèo thuyền, nghe hát Then và thưởng thức rượu ngô nồng ấm bên bếp lửa.

Ở Cao Bằng, khu nghỉ dưỡng Sài Gòn – Bản Giốc là một mô hình đáng học hỏi khi kết hợp kiến trúc thân thiện môi trường với các hoạt động bảo tồn văn hóa: tổ chức lễ hội dân gian, trình diễn trang phục truyền thống, khuyến khích người dân bán đặc sản và làm hướng dẫn viên bản địa. Ngoài ra, một số dự án homestay ở Trà Lĩnh hồ Thang Hen cũng đang nổi lên với phong cách “mộc mạc – sạch – xanh”.

Cao Bằng được ví như viên ngọc xanh giữa núi rừng Tây Bắc (Ảnh : Lê Hanh)

Cao Bằng được ví như viên ngọc xanh giữa núi rừng Tây Bắc (Ảnh : Lê Hanh)

Tuyên Quang không kém cạnh với hàng loạt homestay sinh thái nhỏ tại xã Phú Lâm nơi người dân trồng dược liệu, cây ăn trái và tổ chức trải nghiệm chăm sóc sức khỏe bằng bài thuốc dân gian. Cùng với đó, nhiều hộ dân quanh suối khoáng Mỹ Lâm đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình nghỉ dưỡng kết hợp spa từ nguồn khoáng tự nhiên, đây là một hướng đi mới đầy tiềm năng.

Du khách thích thú khi chụp ảnh bên vườn hoa Lê tại Na Hang - Tuyên Quang (Ảnh: Lê Hanh)

Du khách thích thú khi chụp ảnh bên vườn hoa Lê tại Na Hang - Tuyên Quang (Ảnh: Lê Hanh)

Hướng đi xanh cho tương lai bền vững

Để các tỉnh trung du như Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang thực sự bứt phá trên bản đồ du lịch, cần có chiến lược bài bản và đồng bộ. Phát triển du lịch xanh không chỉ là trồng cây hay giữ rừng, mà là cách nghĩ và cách làm bền vững ở mọi khâu.

Trước hết, hạ tầng kết nối và truyền thông số cần được cải thiện mạnh mẽ, để du khách có thể dễ dàng tìm kiếm, đặt dịch vụ và tiếp cận thông tin điểm đến. Song song, cần đào tạo lực lượng “hướng dẫn viên bản địa”, người dân trở thành những đại sứ văn hóa sống động và đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, các tỉnh nên xây dựng bộ tiêu chuẩn du lịch sinh thái, tâm linh, cộng đồng để bảo đảm chất lượng đồng đều, tránh thương mại hóa méo mó. Những mô hình hiệu quả cần được nhân rộng bằng cách hỗ trợ vốn vay ưu đãi, giảm thuế, ưu tiên mặt bằng và cấp phép nhanh.

Cuối cùng, cần xây dựng thương hiệu du lịch riêng cho mỗi địa phương: "Hồ Ba Bể – huyền thoại xanh", "Bản Giốc – miền biên viễn kỳ vĩ", "Mỹ Lâm – nguồn suối chữa lành"... Những thông điệp ngắn gọn, gợi cảm xúc sẽ góp phần định vị hình ảnh rõ nét trong tâm trí du khách.

Du lịch không chỉ là cuộc dạo chơi, mà còn là hành trình nuôi dưỡng tâm hồn. Trong thời đại mà con người đang quay về tìm kiếm sự cân bằng, bản sắc và thiên nhiên, thì Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang chính là lời đáp nhẹ nhàng mà sâu sắc.

Giữ rừng, giữ bản, giữ văn hóa không chỉ để giữ cho hôm nay, mà còn để ba mảnh đất trung du ấy thực sự trở thành điểm sáng của du lịch xanh, bản sắc, bền vững hơn trong tương lai.

Nguồn: https://baophapluat.vn/du-lich-xanh-toa-sang-giua-dai-ngan-post546686.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm