Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Truyền thông cần tuân thủ pháp luật về bảo vệ bí mật đời sống riêng tư của trẻ em

(PLVN) - Theo Luật Trẻ em, cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

Báo Pháp Luật Việt NamBáo Pháp Luật Việt Nam26/04/2025

Trong thời gian qua, một số tài khoản mạng xã hội đăng bài, clip phản ánh một số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, các thông tin này đã góp phần hỗ trợ cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng và các hành vi vi phạm quyền trẻ em nói chung.

Mặc dù vậy, một số trang mạng xã hội khi đăng tải thông tin đã vi phạm quy định về bảo vệ bí mật đời sống riêng tư của trẻ em theo quy định tại Điều 21 và Khoản 2 Điều 54 Luật Trẻ em và Điều 33 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09-5-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.

Cụ thể, Điều 21 và Khoản 2. Điều 54 Luật Trẻ em quy định, trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

Về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, theo Luật Trẻ em cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

Điều 33 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09-5-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em cũng nhấn mạnh, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Trước tình hình này, Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế vừa ban hành Công văn số 305/BMTE-BV ngày 25/4/2025 gửi Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử về việc tăng cường công tác bảo vệ bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Công văn nêu rõ đề nghị Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện đúng quy định của pháp luật và có biện pháp xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm quyền trẻ em, bảo vệ bí mật đời sống riêng tư của trẻ em theo đúng quy định của pháp luật.

Nguồn: https://baophapluat.vn/truyen-thong-can-tuan-thu-phap-luat-ve-bao-ve-bi-mat-doi-song-rieng-tu-cua-tre-em-post546752.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm