Áo dài Việt trên sân khấu Festival Huế. Ảnh: Festival Huế

Từ sự kiện địa phương đến tầm vóc quốc tế

Festival Huế ra đời vào năm 2000, ban đầu chỉ là một sự kiện văn hóa địa phương nhằm tôn vinh di sản Cố đô và khôi phục tinh thần cộng đồng sau những năm tháng khó khăn hậu chiến tranh và thời kỳ bao cấp. Kỳ Festival đầu tiên diễn ra từ ngày 8 đến 19/4/2000, với tên gọi “Festival Việt - Pháp”, tập trung vào sự giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia.

Dù quy mô còn khiêm tốn, sự kiện đã thu hút hơn 300.000 lượt khách, mở ra hy vọng về một hướng đi mới cho Huế - nơi văn hóa, không phải bây giờ mà từ thời điểm đó đã được những người có trách nhiệm của địa phương, như ông Lê Viết Xê, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ), phụ trách lĩnh vực văn xã, xác định với người viết là động lực để phát triển thành phố.

Từ đó, Festival Huế được tổ chức hai năm một lần, dần mở rộng tầm ảnh hưởng. Đến kỳ thứ hai năm 2002, sự kiện chính thức mang tên “Festival Huế” và bắt đầu đón các đoàn nghệ thuật từ nhiều quốc gia, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Các kỳ tiếp theo chứng kiến sự tham gia của hàng chục nước, từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ, biến Festival Huế thành một lễ hội quốc tế thực thụ. Đến năm 2024, kỳ festival mới nhất đã ghi dấu ấn với hơn 50 đoàn nghệ thuật quốc tế và gần 1,5 triệu lượt khách, khẳng định tầm vóc toàn cầu của sự kiện.

Có thể nói hành trình phát triển của Festival Huế là câu chuyện về sự kiên trì và tầm nhìn của lãnh đạo chính quyền địa phương qua nhiều thời kỳ khác nhau. Từ một sân chơi văn hóa địa phương, nó đã vượt qua giới hạn không gian và thời gian để trở thành biểu tượng của sự hội nhập với quốc tế, không chỉ của địa phương mà còn tầm quốc gia, bằng con đường văn hóa khi trở thành “sân khấu” để nhiều dân tộc trên thế giới đến trình diễn những vẻ đẹp văn hóa đặc trưng của riêng mình.

Dấu nối giữa truyền thống và hiện đại

Ông Nguyễn Duy Hiền, nguyên Giám đốc Trung tâm Festival Huế một thời nhớ lại: “Nhờ Festival Huế mà những di sản, địa danh như Đại Nội, Kỳ Đài, cầu Trường Tiền, Thượng thành, đôi bờ sông Hương… trở thành những bối cảnh, sân khấu sống động, làm cho những giá trị độc đáo của văn hóa Huế tỏa sáng trước mắt bạn bè trong nước và quốc tế. Qua mỗi kỳ tổ chức, Festival Huế không chỉ lớn lên về quy mô mà còn trưởng thành về chất lượng, trở thành “đặc sản” không thể thiếu trong bản đồ văn hóa Việt Nam”.

Một trong những yếu tố làm nên sức hút của Festival Huế chính là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống và nghệ thuật hiện đại. Đây là nơi mà ca Huế mượt mà trên sông Hương hòa quyện với những điệu múa đương đại từ phương Tây, nơi Nhã nhạc cung đình vang vọng bên cạnh âm thanh sôi động của nhạc điện tử.

Đáng nói hơn, như ông Nguyễn Duy Hiền từng nói, rằng Festival Huế - từ một sự kiện nghệ thuật ban đầu, theo thời gian còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế, du lịch và nhận thức cộng đồng về bảo tồn văn hóa. Các con số thống kê từ ngành du lịch cho thấy, mỗi kỳ Festival Huế đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào ngân sách địa phương, từ doanh thu vé, dịch vụ lưu trú đến các hoạt động thương mại liên quan.

Sau gần 25 năm, dù đã trở thành “bốn mùa”, nhưng Festival Huế vẫn tiếp nối được tinh thần và truyền thống, tiếp tục đóng góp vào hành trình phát triển của thành phố. Với vị thế thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 1/1/2025, Huế đặt mục tiêu tiếp tục nâng Festival Huế lên một tầm cao mới, trở thành sự kiện văn hóa hàng đầu khu vực, sánh ngang với những lễ hội lớn, như: Gion Matsuri (Nhật Bản) hay Edinburgh Festival (Scotland)...

Nhưng trên hết, Festival Huế là minh chứng cho khả năng hội nhập và sáng tạo, thúc đẩy hợp tác quốc tế bằng con đường văn hóa của một thành phố từng chịu nhiều mất mát sau chiến tranh. 50 năm sau ngày giải phóng, Huế không chỉ đứng dậy, vươn mình khẳng định tư cách là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, được gói gọn trong 13 chữ “Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững” - như lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, mà còn tỏa sáng trên trường quốc tế, với Festival Huế là nhịp cầu vững chắc.

Hoàng Văn Minh

Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/festival-hue-nhip-cau-van-hoa-va-hoi-nhap-151995.html