Lầu ngũ phụng (Huế) Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải.
Năm 2025 không chỉ là dấu mốc quan trọng khi Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mà còn là 5 địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia. Đây được xem là cơ hội vàng để Huế đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, tạo động lực bứt phá trên nền tảng giá trị di sản văn hóa đặc sắc.
Huế - thành phố của di sản và vận hội mới
Huế, kinh đô của Việt Nam dưới triều đại nhà Nguyễn từ năm 1802 đến 1945, là một trong những thành phố có bề dày lịch sử và văn hóa phong phú. Quần thể di tích Cố đô Huế - được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993 - là minh chứng rõ nét nhất cho bề dày văn hóa này.
Đồng thời, Huế hiện là địa phương duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á sở hữu 8 di sản văn hóa được UNESCO công nhận ở nhiều hạng mục. Tuy nhiên, thay vì chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, Huế đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, tận dụng các di sản để tạo nên những trải nghiệm du lịch mới mẻ, hấp dẫn.
Một trong những hướng đi hiệu quả trong phát triển du lịch Huế là kết hợp giữa bảo tồn di sản và khai thác sáng tạo. Các chương trình tham quan Kinh thành Huế hiện nay không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu lịch sử và kiến trúc mà còn mở rộng sang các hoạt động trải nghiệm như mặc áo dài cung đình, tham gia tái hiện nghi lễ triều đình, hay thưởng thức bữa ăn cung đình.
Những hoạt động này không chỉ giúp du khách hiểu rõ hơn về đời sống cung đình thời Nguyễn mà còn tạo ra những kỷ niệm khó quên. Đặc biệt, việc tổ chức các lễ hội văn hóa như Festival Huế, lễ hội áo dài, hay các chương trình nghệ thuật đường phố đã góp phần làm sống lại không gian văn hóa Huế trong lòng du khách. Đây chính là cách mà Huế không chỉ bảo tồn mà còn làm mới giá trị lịch sử và văn hóa của mình.
Bên cạnh đó, Huế còn tận dụng các giá trị văn hóa phi vật thể để phát triển du lịch. Nhã nhạc cung đình Huế đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Các buổi biểu diễn nhã nhạc không chỉ được tổ chức tại các không gian cung đình mà còn được đưa vào các tour du lịch trên sông Hương, mang đến cho du khách những trải nghiệm vừa gần gũi vừa trang trọng.
Ngoài nhã nhạc, các làng nghề truyền thống như làng nón bài thơ Tây Hồ, làng gốm Phước Tích, hay tranh làng Sình cũng được khai thác để phát triển du lịch làng nghề. Du khách không chỉ được chiêm ngưỡng các sản phẩm thủ công tinh xảo mà còn có cơ hội tham gia vào quá trình sản xuất, từ đó hiểu thêm về văn hóa và con người Huế.
Một điểm đáng chú ý khác trong câu chuyện phát triển du lịch Huế là sự kết hợp giữa du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Với vị trí địa lý đặc biệt, Huế không chỉ có di sản văn hóa mà còn sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp như vườn quốc gia Bạch Mã, đầm phá Tam Giang, hay biển Lăng Cô.
Việc xây dựng các tour du lịch kết hợp tham quan di sản và khám phá thiên nhiên đã mang lại những trải nghiệm đa dạng cho du khách. Chẳng hạn, sau khi tham quan Kinh thành Huế, du khách có thể đi thuyền trên sông Hương để ngắm hoàng hôn hoặc khám phá hệ sinh thái phong phú của đầm phá Tam Giang. Những trải nghiệm này không chỉ giúp du khách cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của Huế mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch địa phương.
Đèn hoa đăng. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải
Những bước tiến trong vận hội mới
Những năm gần đây, Huế đã có nhiều bước tiến đáng kể trong việc khai thác di sản văn hóa để phát triển du lịch. Điển hình, các công trình như Điện Kiến Trung và Điện Thái Hòa, sau nhiều năm trùng tu, đã mở cửa đón khách vào năm 2024, mang lại sức hút lớn.
Bên cạnh đó, các công nghệ hiện đại như bảng gắn chip NFC giúp du khách trải nghiệm “check-in thông minh” và khám phá thông tin về kiến trúc, lịch sử cung đình đã tạo nên sự mới mẻ, đặc biệt thu hút giới trẻ.
Festival Nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, với chuỗi sự kiện tổ chức tại Đại Nội, đã thu hút hơn 2.500 lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Những sản phẩm du lịch mang thương hiệu Huế như “Huế - Thành phố lễ hội,” “Huế - Kinh đô ẩm thực” hay “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” đã góp phần đưa hình ảnh cố đô đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước; hay việc mở cửa tham quan Di tích Hải Vân Quan hay đưa vào vận hành Đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung”...
Năm 2024, Huế đón khoảng 4 triệu lượt khách du lịch, tăng 26% so với năm 2023; trong đó, khách nội địa chiếm khoảng 2,7 triệu lượt, tương đương 69%, và tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 8.500 tỉ đồng.
Năm 2025 là thời điểm Huế quyết tâm tăng tốc, bứt phá để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với việc cơ cấu lại nền kinh tế, tỉnh sẽ tập trung phát triển ngành du lịch như một mũi nhọn chiến lược. Phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Giá cả cạnh tranh - Điểm đến an toàn, thân thiện” sẽ là kim chỉ nam để Huế nâng tầm du lịch, khai thác hiệu quả giá trị di sản.
Tranh dân gian Làng Sình đã trở thành nhu cầu của đời sống văn hóa, là thành tố của mỹ thuật cổ truyền và hợp thành văn hóa truyền thống xứ Huế. Ảnh: Phúc Đạt
Thách thức trong phát triển du lịch
Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả giá trị lịch sử và văn hóa, Huế cần đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là sự xuống cấp của các công trình di sản. Dưới tác động của thời gian và thiên nhiên, nhiều công trình tại Quần thể di tích Cố đô Huế đang bị hư hỏng nghiêm trọng.
Việc trùng tu và bảo tồn các di sản này đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn cũng như sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Ngoài ra, sự phát triển du lịch ồ ạt cũng đặt ra nguy cơ làm mất đi tính nguyên bản của văn hóa Huế. Việc tổ chức các sự kiện du lịch cần được thực hiện một cách cẩn trọng, tránh tình trạng thương mại hóa quá mức hoặc làm biến dạng các giá trị văn hóa truyền thống.
Để giải quyết những thách thức này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương. Chính quyền cần ban hành các chính sách hỗ trợ bảo tồn di sản, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch sáng tạo.
Trong đó, tỉnh sẽ hợp tác với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025; thúc đẩy mở các đường bay kết nối với các thị trường trong và ngoài nước như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc; đồng thời hợp tác với các hãng lữ hành lớn tại những thị trường truyền thống lẫn tiềm năng mới.
Năm Du lịch Quốc gia 2025 tại Huế là cơ hội vàng để quảng bá hình ảnh cố đô đến với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, để biến cơ hội này thành động lực phát triển lâu dài, Huế cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong cách khai thác giá trị lịch sử và văn hóa.
Với những giá trị độc đáo và nỗ lực không ngừng, Huế hoàn toàn có thể khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch thế giới, đồng thời trở thành hình mẫu cho các địa phương khác trong việc phát triển du lịch từ khai thác giá trị lịch sử và văn hóa địa phương.
Nguồn: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/hue-va-hanh-trinh-cat-canh-bang-di-san-van-hoa-1483234.ldo
Bình luận (0)