Nói về hiệu quả bệnh án điện tử mang lại, PGS,TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau 6 tháng triển khai, Bệnh viện Bạch Mai đã trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số của ngành y tế. Bệnh viện đã chủ động, tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực.
Với đặc thù đội ngũ cán bộ nhiều trình độ, lứa tuổi khác nhau…, Bệnh viện tổ chức các lớp “bình dân học vụ số” để phổ cập kiến thức, cách thức sử dụng cho tất cả cán bộ, nhân viên. Nhờ đó, cán bộ tại các khoa, phòng, trung tâm đều thích nghi nhanh, triển khai công việc khá nhuần nhuyễn trên môi trường số.
Trước đây, toàn bộ dữ liệu của người bệnh (phim chụp, kết quả xét nghiệm, bệnh án) đều là bản in, bản giấy thì nay đã chuyển số liệu điện tử, tạo thuận lợi cho công tác quản trị bệnh viện. Với người bệnh, thay vì phải mang nhiều loại giấy tờ khác nhau (căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế…) thì nay chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh. Kết quả chiếu chụp, xét nghiệm, bệnh án đều được trả qua app, vừa giúp giảm chi phí (cho cả người bệnh và cơ quan bảo hiểm) vừa xây dựng được cơ sở dữ liệu (hồ sơ sức khỏe) đầy đủ của người bệnh.
Từ kết quả tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS,TS Đào Xuân Cơ khẳng định, nếu tất cả các bệnh viện đều triển khai bệnh án điện tử thì đây thật sự là "cuộc cách mạng lớn" trong hệ thống y tế Việt Nam.
Tuy nhiên đến giữa tháng 4/2025, cả nước mới có 153 bệnh viện công bố đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy. Trong đó, có hai sở y tế (Phú Thọ và Bắc Ninh) đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử ở tất cả các bệnh viện trực thuộc. Kết quả này là thấp so với con số khoảng 1.400 bệnh viện trên cả nước.
Theo Thầy thuốc nhân dân, PGS,TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam, việc triển khai bệnh án điện tử đem lại hiệu quả thiết thực cho các bên liên quan, từ người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm y tế. Đối với người bệnh, bệnh án điện tử giúp không phải lưu trữ giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh, không lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm… Kết hợp với việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử giúp người bệnh tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục.
Đối với thầy thuốc và nhân viên y tế, việc truyền tải dữ liệu người bệnh giữa các khoa, phòng, giữa các bệnh viện một cách nhanh chóng giúp tránh được các chỉ định cận lâm sàng (siêu âm, xét nghiệm…) trùng lặp; bác sĩ dễ dàng tìm lại hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, giảm thời gian thăm khám, hỗ trợ điều trị kịp thời, giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị. Thông tin về các lần khám, chữa bệnh của bệnh nhân đều được số hóa, lưu trữ khoa học và sử dụng đơn thuốc điện tử… góp phần giảm thiểu sai sót y khoa.
Việc triển khai bệnh án điện tử cùng với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành y tế có dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đây là cơ sở dữ liệu về sức khỏe rất lớn (big data) của ngành mà việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp ngành có các chỉ đạo kịp thời về phòng, chống dịch bệnh và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn.
Thông tin về khám, chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp cho quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm. Sau khi hồ sơ bệnh án điện tử được ký số thì toàn bộ thông tin không thể chỉnh sửa, bảo đảm tính nguyên vẹn dữ liệu của hồ sơ bệnh án.
Như vậy, việc triển khai bệnh án điện tử có ích cho người dân, có lợi cho ngành y tế, thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề... Chính vì vậy, trong Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 14/3/2025, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chỉ đạo, đôn đốc 100% các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tử; liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện của địa phương với các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, tận dụng dữ liệu đã được liên thông, liên tuyến để cắt giảm xét nghiệm cho người dân, hoàn thành trong tháng 9/2025.
Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, hiện nay Bộ Y tế và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đang chỉ đạo quyết liệt việc triển khai bệnh án điện tử ở tất cả các bệnh viện thuộc thẩm quyền quản lý. Các chuyên gia cho rằng, hiện nay hành lang pháp lý cho việc triển khai bệnh án điện tử tương đối đầy đủ. Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Giao dịch điện tử và các văn bản pháp lý có liên quan đều đã có đủ cơ sở pháp lý để triển khai bệnh án điện tử. Bộ Y tế cũng đã ban hành các văn bản có ý nghĩa thực tiễn, có tính đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế và triển khai bệnh án điện tử.
Tuy nhiên việc áp dụng bệnh án điện tử cũng gặp một số thách thức như: nền tảng và hạ tầng số chưa đáp ứng; quy định về tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai bệnh án điện tử nói riêng chưa có hướng dẫn cụ thể; trình độ đội ngũ cán bộ y tế khác nhau…
Để triển khai bệnh án điện tử, các chuyên gia cho rằng, Bộ Y tế cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác chuyển đổi số y tế nói chung và triển khai bệnh án điện tử nói riêng; có chính sách và giải pháp để thực hiện chuyển đổi số y tế, trong đó cần đặc biệt chú trọng việc triển khai đồng bộ các nền tảng, hệ thống ứng dụng và cơ sở dữ liệu chuyên ngành làm nền tảng thúc đẩy tiến trình ứng dụng bệnh án điện tử. Bộ Y tế và các đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu chuyên môn hướng dẫn về chuyển đổi số y tế nói chung và triển khai bệnh án điện tử nói riêng. Bộ Y tế cần có chế tài đối với các đơn vị, địa phương không thực hiện triển khai theo đúng lộ trình đã quy định…
Theo kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị xác định việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về công tác này; ưu tiên nguồn lực, huy động sự tham gia thực hiện của tổ chức, doanh nghiệp và người dân, quyết liệt triển khai, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, hoàn thành trong tháng 9/2025.
Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử bảo đảm thực chất, đem lại hiệu quả cụ thể, nâng cao năng suất, chất lượng công tác khám, chữa bệnh, phòng bệnh, mang lợi ích thiết thực cho người bệnh, người dân, cơ sở y tế; bảo đảm sự liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan theo quy định...
TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, các đơn vị được giao nhiệm vụ đang tập trung triển khai bệnh án điện tử. Cục Quản lý khám, chữa bệnh đang tích cực xây dựng các danh mục lâm sàng, cận lâm sàng, điều dưỡng và các danh mục liên quan trong hồ sơ bệnh án điện tử, bảo đảm đúng lộ trình.
Bên cạnh đó, khung bệnh án điện tử cũng đang được gấp rút hoàn thiện để mỗi bệnh viện tùy theo điều kiện, khả năng có thể áp dụng theo từng mức độ. Bộ Y tế xác định sẽ áp dụng trên toàn hệ thống khám, chữa bệnh, từ bệnh viện hạng thấp đến hạng đặc biệt; dữ liệu phải liên thông và có mã nguồn mở để các bệnh viện bổ sung. Đối với phần mềm quản lý bệnh án điện tử, có thể sử dụng của các nhà cung cấp, nhưng khi thay đổi phần mềm quản lý không ảnh hưởng đến liên thông dữ liệu.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn yêu cầu các đơn vị cần đổi mới tư duy trong quản trị bệnh viện, trong đó ứng dụng sâu rộng chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành và chuyên môn. Cần chuyển từ mô hình quản lý hành chính sang quản trị hiện đại, lấy dữ liệu làm nền tảng, minh bạch trong vận hành, hiệu quả trong ra quyết định.
Đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, hệ thống quản lý chất lượng, kết nối liên thông giữa các đơn vị, tiến tới xây dựng mô hình bệnh viện thông minh, đáp ứng yêu cầu quản trị theo thời gian thực và lấy người bệnh làm trung tâm.
Nguồn: https://nhandan.vn/gap-rut-trien-khai-benh-an-dien-tu-post876672.html
Bình luận (0)