Ảnh minh họa. Ảnh: Internet
Giá cà phê biến động trái chiều trên các sàn quốc tế
Trên sàn giao dịch London vào 5 giờ sáng ngày 24/4/2025, giá cà phê Robusta bất ngờ bật tăng mạnh trở lại, sắc xanh chiếm lĩnh thị trường với mức tăng dao động từ 99 - 105 USD/tấn so với phiên trước, ghi nhận trong khoảng 5.140 - 5.375 USD/tấn. Cụ thể, hợp đồng giao tháng 5/2025 đạt 5.331 USD/tấn; tháng 7/2025 là 5.362 USD/tấn; tháng 9/2025 đứng ở mức 5.298 USD/tấn và tháng 11/2025 ghi nhận 5.222 USD/tấn.
Tại sàn New York, cùng thời điểm 24/4, giá cà phê Arabica nối dài đà tăng so với phiên hôm qua, mức tăng ghi nhận từ 10,70 - 13 cent/lb, dao động trong khoảng 354.45 - 390.55 cent/lb. Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 7/2025 là 385.75 cent/lb; tháng 9/2025 là 378.60 cent/lb; tháng 12/2025 ghi nhận 370.35 cent/lb và tháng 3/2026 là 364.20 cent/lb.
Kết thúc phiên, giá cà phê Arabica Brazil biến động theo từng kỳ hạn, với các mức cụ thể gồm: tháng 5/2025 là 498.40 USD/tấn; tháng 7/2025 đạt 485.85 USD/tấn; tháng 9/2025 xuống mức 461.00 USD/tấn và tháng 12/2025 ở ngưỡng 457.25 USD/tấn.
Giá cà phê trong nước giảm nhẹ 100 đồng/kg
Theo cập nhật lúc 5 giờ sáng nay 24/4/2025, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm nhẹ 100 đồng/kg so với hôm qua. Mức giá thu mua trung bình được ghi nhận ở mức 129.300 đồng/kg.
Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk hiện đang thu mua cà phê với mức 129.400 đồng/kg; tại Lâm Đồng giá là 128.900 đồng/kg; Gia Lai có mức 129.300 đồng/kg và Đắk Nông hiện thu mua ở mức 129.400 đồng/kg.
Trong 4 ngày gần đây, thị trường cà phê thiếu vắng mức giá tham chiếu rõ ràng, cùng với nhiều nguồn thông tin trái chiều khiến việc dự đoán xu hướng trở nên vô cùng khó khăn.
Ông Nguyễn Đắc Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại Nga Thanh (Đắk Nông), nhận xét: “suốt 12 năm làm trong ngành thu mua cà phê, ông chưa từng thấy năm nào giá cả diễn biến giống năm nào, nên rất khó để tìm ra quy luật”. Hiện nay, giao dịch gần như đình trệ do bên bán và bên mua chưa đạt được thỏa thuận giá. Các giao dịch chủ yếu là các đơn hàng nhỏ phục vụ nhu cầu cấp bách từ các cơ sở rang xay trong nước.
Ông Đạt cho biết cà phê có thể được bảo quản từ 2 đến 3 năm mà không ảnh hưởng chất lượng. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản lượng cà phê sụt giảm mạnh do thời tiết khắc nghiệt, năng suất thấp và một phần diện tích bị chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc bị đô thị hóa.
Hồ tiêu duy trì mức cao ổn định
Theo ghi nhận lúc 5 giờ sáng ngày 24/4/2025, thị trường hồ tiêu trong nước vẫn duy trì ở ngưỡng cao, gần như không có biến động đáng kể trong nhiều phiên liên tiếp. Giá tiêu trung bình tại các địa bàn trọng điểm hiện ở mức 154.400 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu tại Gia Lai không thay đổi so với hôm qua, hiện được thu mua ở mức 154.000 đồng/kg.
Tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu cũng giữ ổn định như phiên giảm nhẹ trước đó, hiện thu mua ở mức 154.000 đồng/kg.
Tại Bình Phước, thị trường tiếp tục đi ngang với giá thu mua hiện tại là 154.000 đồng/kg.
Giá tiêu tại hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk không biến động so với ngày hôm qua, hiện cùng đứng ở mức 155.000 đồng/kg.
Thị trường hồ tiêu thế giới đi ngang, riêng Indonesia biến động nhẹ
Theo cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) vào lúc 5 giờ sáng 24/4/2025, thị trường hồ tiêu toàn cầu nhìn chung giữ xu hướng ổn định. Riêng tại Indonesia, giá có sự điều chỉnh tăng - giảm đan xen; trong khi đó, các nước khác không có nhiều thay đổi.
Chi tiết, giá tiêu đen Lampung của Indonesia hiện ở mức 7.104 USD/tấn; giá tiêu trắng Muntok được giao dịch ở mức 9.614 USD/tấn.
Tại Malaysia, giá vẫn ổn định, với tiêu đen ASTA được thu mua ở mức 9.600 USD/tấn và tiêu trắng ASTA đang ở mức 12.100 USD/tấn.
Thị trường Brazil cũng ghi nhận giá đi ngang so với phiên tăng hôm qua, hiện tiêu đen được thu mua với giá 6.900 USD/tấn.
Tiêu đen Việt Nam xuất khẩu vẫn giữ mức ổn định với loại 500 g/l có giá 6.800 USD/tấn, loại 550 g/l là 6.900 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 9.800 USD/tấn.
Xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc tăng mạnh nhưng vẫn thấp hơn năm ngoái
Theo số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong quý I năm 2025, lượng tiêu xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2.034 tấn, tăng 87,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Tuy nhiên, khi so với cả năm 2023, con số này vẫn thấp hơn đến 92,2%. Trung Quốc hiện đã vươn lên vị trí thứ 4 trong số các thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, với thị phần tăng từ 1,9% lên 4,3%.
Việc xuất khẩu hồ tiêu tăng nhanh cho thấy nguồn dự trữ của Trung Quốc đang cạn kiệt. Dù vậy, giao thương vẫn gặp cản trở do nước này kiểm soát chặt hàng hóa qua biên giới. Vận chuyển bằng đường biển lại khiến chi phí đội lên cao, khiến các doanh nghiệp Trung Quốc chưa vội chốt đơn.
Sản xuất hồ tiêu trong nước gặp khó vì thời tiết khắc nghiệt
Trong nước, tình hình sản xuất hồ tiêu đang đối mặt với nhiều thách thức do điều kiện thời tiết bất lợi. Nắng hạn kéo dài từ đầu năm 2025 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng trồng tiêu trọng điểm ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Dù một vài cơn mưa gần đây phần nào giúp cải thiện tình hình, nhưng chưa đủ để các vườn tiêu hồi phục hoàn toàn. Thời điểm mưa muộn có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển mầm hoa, dẫn tới nguy cơ giảm năng suất trong vụ tới.
Giá tiêu nội địa hiện vẫn giữ ở mức cao trong bối cảnh sản lượng sụt giảm, mang lại niềm tin cho nông dân trong giai đoạn cao điểm thu hoạch, dự kiến kéo dài đến hết tháng 4.
Trái ngược với các năm trước, khi nguồn cung dồi dào khiến giá giảm, năm nay giá tiêu vẫn giữ quanh mốc 150.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính là do tâm lý găm hàng của người nông dân, không còn chịu áp lực bán sớm như trước.
Đầu tháng 4, giá tiêu từng có thời điểm điều chỉnh giảm, song đã nhanh chóng phục hồi và bật tăng trở lại. Đến giữa tháng, giá tiêu trong nước đã chạm ngưỡng 160.000 đồng/kg.
Dù mức giá cao là tín hiệu tích cực đối với người trồng, nhưng lại trở thành rào cản với các doanh nghiệp xuất khẩu. VPSA dự báo trong quý II/2025, hoạt động xuất khẩu có thể gặp khó khăn do giá cao làm giảm sức mua và ảnh hưởng đến dòng tiền của các nhà nhập khẩu.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/gia-nong-san-hom-nay-24-4-ca-phe-giam-nhe-ho-tieu-tiep-tuc-duy-tri-muc-cao/20250424081008663
Bình luận (0)