Cập nhật ngày: 01/05/2025 05:22:57
ĐTO - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định Phê duyệt Phương án quản lý vùng nuôi cá tra thương phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Phương án).
Cá tra, ngành hàng thế mạnh của tỉnh
Mục tiêu xây dựng Phương án nhằm khai thác, sử dụng tối đa tiềm năng lợi thế diện tích, khoa học công nghệ và các nguồn lực theo hướng hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong ngành nông nghiệp; hài hòa với sự phát triển của các ngành kinh tế khác; tạo việc làm, tăng thu nhập bền vững cho người dân.
Theo đó, định hướng phát triển đến năm 2030 diện tích mặt nước nuôi cá tra đạt 3.000ha (tương đương 4.615ha diện tích tự nhiên); tổng sản lượng cá tra nuôi đạt 801.000 tấn. Tốc độ tăng trưởng bình quân sản lượng cá tra nuôi trong giai đoạn 2026 - 2030 đạt 5,6%/năm. Giá trị sản xuất cá tra đến năm 2030 đạt 13.056 tỷ đồng; thu hút một lực lượng lao động nuôi cá tra thương phẩm đạt khoảng 6.900 lao động.
Tầm nhìn đến năm 2050 là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, phát huy khả năng liên kết vùng; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; hướng đến nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Trên nền tảng đó, duy trì diện tích mặt nước đến năm 2050 tăng sản lượng lên 900.000 tấn.
Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức công bố Phương án; xây dựng kế hoạch thực hiện Phương án. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án, chương trình liên quan đến công tác quản lý vùng nuôi cá tra thương phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với mục tiêu Phương án; rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư phát triển sản xuất cá tra thương phẩm và cá tra giống theo mục tiêu, định hướng Phương án. Đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Phương án; định kỳ đánh giá thực hiện, rà soát, điều chỉnh Phương án theo quy định.
Các sở, ngành tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường và UBND huyện, thành phố bố trí nguồn nhân lực, đề xuất cơ chế chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Phương án, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng ngành và địa phương.
UBND huyện, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, rà soát, điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Phương án; cập nhật nội dung quy hoạch của địa phương bảo đảm tuân thủ các định hướng Phương án. Ưu tiên bố trí ngân sách và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định để tổ chức triển khai hiệu quả các nội dung của Phương án đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương...
Y DU
Nguồn: https://baodongthap.vn/kinh-te/gia-tri-san-xuat-ca-tra-den-nam-2030-dat-13-056-ty-dong-131143.aspx
Bình luận (0)