Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giao Thủy đảm bảo chủ động "4 tại chỗ" trong phòng, chống thiên tai

Giao Thủy là huyện ven biển, hệ thống đê lớn, đa dạng bao gồm: 31,161km đê biển, 11,602km đê sông Hồng, 8,737km đê sông Sò. Bờ biển diễn biến phức tạp, biển tiến bãi thoái; vừa trực tiếp chịu ảnh hưởng của thuỷ triều, gió, bão, vừa chịu ảnh hưởng dòng chảy lũ sông đổ ra Biển Đông gây xói lở, sạt trượt trên tuyến đê biển… Để bảo đảm an toàn các tuyến đê cũng như hoạt động sản xuất và tài sản, tính mạng của người dân trong mùa mưa bão năm nay, huyện Giao Thủy đang tích cực chuẩn bị các phương án phòng, chống thiên tai (PCTT) theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu những thiệt hại do bão, lũ gây ra.

Báo Nam ĐịnhBáo Nam Định19/05/2025

Cán bộ phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện kiểm tra cống Cồn Nhất trước mùa mưa bão năm 2025.
Cán bộ phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện kiểm tra cống Cồn Nhất trước mùa mưa bão năm 2025.

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) huyện Giao Thủy, được sự quan tâm của UBND tỉnh, hệ thống đê điều trên địa bàn huyện thời gian qua đã được tu bổ, nâng cấp đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Năm 2024, đã tiến hành tu sửa kho dự trữ vật tư PCTT tại Hạt Quản lý đê Giao Thủy (K0+440); Phát quang mái đê đoạn từ K2+700 đến K7+069 đê cửa sông hữu Hồng thuộc án phận xã Hồng Thuận; Tu sửa, đắp đất bổ sung mái, cơ phía sông gia cố mái đê, chân đê từ K7+200 đến K8+155 trên đê cửa sông hữu Hồng thuộc án phận xã Giao Hương; Xây mới 650m kè biển từ K1+400 đến K2+050 thuộc địa phận xã Giao Hương.

Để chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai, huyện Giao Thủy đang tích cực triển khai đồng bộ các phương án với phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó thực hiện phòng tránh là chính”. Để đảm bảo “chỉ huy tại chỗ”, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 1429/QĐ-UBND ngày 26/3/2025 kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban; Tại các trọng điểm PCTT trên tuyến đê biển, đê sông đều thành lập Ban Chỉ huy bảo vệ trọng điểm, do lãnh đạo các cơ quan huyện làm trưởng ban, phụ trách chung; Chủ tịch UBND xã, thị trấn làm phó ban, phụ trách nhân lực, vật tư, phương tiện.

Trên cơ sở kết quả tổng kiểm tra, đánh giá thực trạng đê, kè, cống trên địa bàn, UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã xây dựng các phương án ứng phó với từng tình huống cấp bão mạnh, siêu mạnh; phương án hộ đê toàn tuyến; phương án phòng, chống lũ, lụt, úng; tổ chức diễn tập thực binh các tình huống: Thực hành chống sạt lở mái đê phía sông và chống nước tràn qua mặt đê tại xã Giao Thịnh.

Bên cạnh đó, huyện cũng xây dựng 4 phương án bảo vệ các trọng điểm cấp huyện, gồm: Cống Cồn Năm trên tuyến đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Giao Hương; cống Cát Đàm Hạ trên tuyến đê tả sông Sò thuộc địa bàn xã Giao Thịnh; trọng điểm đê, kè, cống Cồn Tư trên tuyến đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Hồng Thuận. Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo 20 xã, thị trấn tập trung xây dựng và củng cố lực lượng xung kích tại chỗ theo Quyết định số 1022/QĐ-UBND ngày 14/3/2025 của UBND huyện: các xã, thị trấn ven đê là 90-110 người/xã, các xã nội đồng là 70 người/xã. Tổng lực lượng xung kích toàn huyện 2.070 người, lực lượng tuần tra canh gác 312 người. Ngoài lực lượng huy động của địa phương, tại các trọng điểm khi cần thiết được tăng cường thêm bộ đội của Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh và Quân khu III.

Cán bộ Hạt quản lý đê Giao Thủy kiểm tra vật tư dự trữ phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện năm 2025.
Cán bộ Hạt quản lý đê Giao Thủy kiểm tra vật tư dự trữ phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện năm 2025.

Nhằm bảo đảm đầy đủ vật tư, phương tiện, trang thiết bị tại chỗ sẵn sàng phục vụ công tác PCTT, UBND huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn chuẩn bị 122 ô tô tải, 22 máy phát điện; 5.300 cây tre, phi lao; 45.600 cọc tre dài hơn 2m; dự trữ 19 nghìn m3 đất; 91.600 chiếc bao; ngoài ra trong mỗi hộ gia đình đều chuẩn bị các dụng cụ cuốc xẻng, xe rùa, bao tải... sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có lệnh huy động. Huyện kiểm tra, rà soát vật tư, trang thiết bị dự trữ tại nhà kho gồm: 33 nhà bạt, 820 áo phao, 1.650 phao tròn, 23 chiếc bè, 26.734m2 bạt chống sóng, 5.570m2 vải lọc, 746 rọ thép, 161.500 bao ni lông, 64kg dây thép, các phương tiện vận tải khác như 4 xe ô tô 4 chỗ; 5 ca nô, xuồng máy; xe tải nhỏ của các doanh nghiệp và ký hợp đồng xe ô tô khách với các chủ phương tiện để phục vụ công tác PCTT và TKCN. Tại các trọng điểm tập kết vật tư gồm: Đá hộc là 7.862m3; trong đó tập kết tại cống Chúa 479m3, Cồn Ba 500m3, Cồn Tư 424m3, Giao Hương 1.000m3; Dốc Vạn Xuân 458m3; Cai Đề 1.988m3, cống số 8B là 337m3, cống Nhành 500m3; Cổ Vạy Ang Giao Phong 1.638m3; Quất Lâm 538m3; Bạt chống sóng 21.234m2; vải lọc 5.270m2; Rọ thép 466 cái; Bao ni lông 158.300 cái; Bao tải 1.432 cái (kho Phòng Nông nghiệp và Môi trường, kho Hạt Quản lý đê Giao Thủy).

Đối với công tác hậu cần tại chỗ, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện giao Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện xây dựng kế hoạch bảo đảm tài chính phục vụ kịp thời yêu cầu PCTT và TKCN của huyện. Các xã, thị trấn đều xây dựng kế hoạch bảo đảm tài chính cho lực lượng chỉ huy, lực lượng xung kích của địa phương và công tác khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng phương án sơ tán dân theo các cấp độ rủi ro thiên tai. Nhằm nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng trong PCTT, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin và thể thao huyện phối hợp với Đài truyền thanh các xã, thị trấn, lực lượng Biên phòng thường xuyên thông tin, truyền thông, giáo dục pháp luật về PCTT và phổ biến các văn bản, tài liệu, sản phẩm truyền thông do Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng; phim… để nhân dân nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản khi thiên tai xảy ra. Kiến thức PCTT cũng được lồng ghép vào nội dung các tiết học tại nhà trường để học sinh biết cách phòng tránh.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác PCTT và TKCN, giảm nhẹ thiên tai; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2025; Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Giao Thuỷ cũng đề xuất UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường, các sở, ban, ngành có liên quan quan tâm đầu tư tu bổ, nâng cấp một số công trình: kè Cồn Nhì (từ K2+068 đến K2+655) dài 587m đã xây dựng lâu năm hiện không đảm bảo an toàn khi có tình huống thiên tai; kè Cồn Ba (từ K3+406 ÷ K4+110) dài 304m đã xây dựng lâu năm hiện đã bong xô; kè Cồn Tư (từ K5+400 ÷ K5+900) dài 500m thuộc tuyến đê hữu Hồng đang bị sạt lở. Xây mới cống Cồn Tư, Cồn Năm thuộc tuyến đê cửa sông hữu Hồng; cống Cát Đàm Hạ thuộc tuyến đê sông Sò. Sửa chữa cải tạo mặt đê biển từ xã Giao Xuân đến thị trấn Quất Lâm (từ K14+125 đến K30) dài 15,8km. Kè và kiên cố hóa mặt đê sông Sò (chiều dài kè 10,626km, chiều dài kiên cố mặt đê 9,35km). Cải tạo, nâng cấp tuyến đường phòng chống lụt bão xã Bạch Long, đoạn từ cống C7 (giáp xã Bạch Long và Giao Phong) ra cống Triết Giang B thuộc tuyến đê biển Bạch Long hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, rất khó khăn trong phục vụ giao thông, PCTT và TKCN.

Việc chuẩn bị chu đáo, bài bản, căn cơ về công tác chỉ huy, lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” là cơ sở để huyện Giao Thủy bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa bão năm nay.

Bài và ảnh: Đức Toàn
 

Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202505/giao-thuy-dam-bao-chu-dong4-tai-cho-trong-phong-chong-thien-tai-93a12b8/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm