Cây nghiến cổ thụ tại Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng. |
Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ là một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên, diện tích lên đến 15.000ha, trải dài đến các xã gồm: Côn Minh, Văn Lang và Vĩnh Thông.
Hệ sinh thái rừng tại đây phong phú, bao gồm nhiều loài động thực vật quý hiếm như: Voọc má trắng, rùa sa nhân, cầy vòi hương, tắc kè đá... cùng hàng trăm loài cây dược liệu quý. Nổi bật nhất là quần thể cây gỗ nghiến, đinh, trai cổ thụ, nhiều cây có tuổi đời hàng trăm năm mọc rải rác trên địa hình đá tai mèo hiểm trở.
Chính vì có trữ lượng gỗ quý lớn và địa bàn rừng rộng, Kim Hỷ trong quá khứ từng là “điểm nóng” về chặt phá rừng, khai thác lâm sản và khoáng sản trái phép.
Trước nguy cơ “chảy máu” rừng quý, các cấp ngành chức năng đã tăng cường nhiều biện pháp từ tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ rừng, kiểm soát cưa xăng, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bảo vệ rừng, thực hiện tốt các chính sách giao khoán rừng cho cộng đồng dân cư, nhờ vậy mấy năm nay các vụ việc xâm hại đến rừng giảm đáng kế.
Lực lượng Kiểm lâm Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ tuần rừng tại khu vực rừng quý hiếm Lủng Siên, xã Vĩnh Thông. |
Ông Lương Văn Cáo, một người dân ở thôn Lủng Siên, xã Vĩnh Thông, chia sẻ: Ngày trước, nhìn cây nghiến to là chỉ muốn đốn mang về làm nhà nhưng từ khi được nhận giao khoán, được cán bộ đến vận động, tuyên truyền, gia đình và cả thôn không ai dám chặt nữa.
Những thay đổi tích cực trong ý thức cộng đồng đang giúp rừng Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ dần được bảo vệ bền vững. Theo Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ, 6 tháng đầu năm 2025 không ghi nhận vụ xâm hại nào đến rừng gỗ quý, tuy nhiên các hoạt động khai thác khoáng sản vẫn lén lút xảy ra.
Ông Đặng Văn Hải, Giám đốc Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ, cho biết: Chúng tôi phối hợp với cộng đồng các thôn thường xuyên tuần tra định kỳ, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân nắm rõ. Quan trọng hơn là đã có quy ước cam kết rõ ràng, thôn nào để xảy ra vi phạm sẽ không được hưởng lợi từ chính sách lâm nghiệp.
Rừng đặc dụng tại Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc được bảo vệ tốt. |
Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc cũng là khu rừng nguyên sinh lớn với diện tích hơn 4.000ha, nằm trên địa bàn các xã Nam Cường, Yên Thịnh, Quảng Bạch, trữ lượng cây gỗ quý tại đây còn lớn. Để bảo vệ rừng nguyên sinh, Ban Quản lý Khu bảo tồn đã đánh số thứ tự từng cây quý, mỗi gốc cây đều có mã số cụ thể. Điều này giúp theo dõi được sự biến động và phát hiện kịp thời nếu có dấu hiệu bị xâm hại.
Tính đến nay, hơn 3.700 cây gỗ quý trong khu vực đã được gắn biển quản lý chặt chẽ, trong đó có hơn 600 cây gỗ trai, đinh; hơn 3.100 cây gỗ nghiến.
Tương tự, tại Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng (phường Bắc Kạn), có hơn 594ha rừng đặc dụng đã được giao khoán cho cộng đồng thôn, tổ bảo vệ. Tại đây hiện còn giữ được 500 cây gỗ nghiến cổ thụ, mỗi cây đều được đánh số thứ tự để phục vụ công tác theo dõi, giám sát.
Trong các khu rừng quý không thể không nhắc tới Vườn quốc gia Ba Bể, thuộc danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh với hệ sinh thái đa dạng, diện tích rừng hơn 10.000ha. Nhiều năm về trước, khu vực này từng là điểm nóng về khai thác lâm sản trái phép.
Tuy nhiên, nhờ vào sự phối hợp quyết liệt giữa lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương và người dân, các vụ vi phạm tác động đến rừng đã giảm rõ rệt.
Rừng nguyên sinh tại Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ. |
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Chúng tôi đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về các quy định của Luật Lâm nghiệp, đến thực hiện đầy đủ chính sách giao khoán bảo vệ rừng. Đặc biệt, tỉnh Bắc Kạn trước đây đã có văn bản tạm dừng việc mua bán, đấu giá, vận chuyển gỗ quý hiếm. Nhờ đó, trong nhiều năm trở lại đây, tình trạng xâm hại đến rừng gỗ quý tại các khu bảo tồn đã giảm rõ rệt.
Rừng gỗ quý tại các khu bảo tồn là món quà thiên nhiên vô giá, góp phần quan trọng vào cân bằng sinh thái, hạn chế thiên tai, giữ nguồn nước, điều hòa khí hậu và tạo môi trường sống trong lành. Nhiều khu rừng nguyên sinh trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách ưa khám phá và trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ.
Nếu có sự quan tâm đúng hướng, những “lá phổi xanh” này kỳ vọng mang lại nhiều lợi thế cho tỉnh Thái Nguyên trong việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với văn hóa bản địa. Đồng thời là tiền đề quan trọng để tỉnh từng bước tham gia thị trường tín chỉ carbon, tăng tỷ lệ che phủ rừng và góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai gần.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/giu-rung-go-quy-tai-cac-khu-bao-ton-bae19fb/
Bình luận (0)