Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giúp người dân Salavan thâm canh cây bắp

Việt NamViệt Nam21/04/2025


Giúp người dân Salavan thâm canh cây bắp

Với sự hỗ trợ giống, vật tư và chuyển giao kỹ thuật của tỉnh Bình Định, mô hình thâm canh cây bắp được chuyển giao cho nông dân tỉnh Salavan (Lào) mang lại hiệu quả khá cao. Qua đó, ý thức của người dân được nâng lên rõ rệt trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, phòng trừ sâu bệnh hại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu tác động môi trường.

Năm 2023, tỉnh Bình Định và 4 tỉnh Nam Lào (Attapeu, Sekong, Champasak, Salavan) ký kết văn bản hợp tác giai đoạn 2021 - 2025 trên các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, Y tế, Nông nghiệp, KH&CN, Văn hóa và thể thao, Du lịch, Truyền thông…

Trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Bình Định cử chuyên gia trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi và thú y đến 4 tỉnh Nam Lào hướng dẫn canh tác, chăm sóc, bảo vệ cây trồng; tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản. Đồng thời, tiếp nhận đoàn cán bộ nông nghiệp của 4 tỉnh Nam Lào sang Bình Định trao đổi, học tập kinh nghiệm về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tổ chức tập huấn ngắn hạn và hướng dẫn thực hành thực tế tại các địa điểm phù hợp.

Đoàn cán bộ chuyên gia tỉnh Bình Định bàn giao giống, vật tư triển khai mô hình thâm canh cây bắp tại tỉnh Salavan.Ảnh: T.N

Tháng 10.2024, UBND tỉnh Bình Định đã cử cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông (thuộc Sở NN&PTNT, nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) sang tỉnh Salavan để triển khai xây dựng thực hiện mô hình thâm canh cây bắp với quy mô 5 ha, thời gian từ tháng 10.2024 đến tháng 3.2025 với tổng kinh phí thực hiện hơn 287 triệu đồng.

Cuối tháng 10.2024, tại tỉnh Salavan, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Salavan tổ chức lễ bàn giao 100 kg bắp giống, 7.500 kg phân hữu cơ vi sinh, 25 kg chế phẩm Trichoderma và các vật tư thiết yếu để hỗ trợ thực hiện mô hình. Đồng thời, cử cán bộ chuyên gia của tỉnh Bình Định trực tiếp xây dựng kế hoạch triển khai, nội dung tài liệu tập huấn và dịch thuật sang tiếng Lào để dễ dàng trong công tác chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn thực hiện mô hình. Bên cạnh đó, Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Salavan cũng cử cán bộ để phối hợp chọn địa điểm triển khai, tạo mọi điều kiện thuận lợi để mô hình chuyển giao thành công tốt đẹp.

Sau 5 tháng triển khai, mô hình mang lại kết quả rất khả quan, cây bắp sinh trưởng và phát triển tốt, thích ứng tốt với điều kiện canh tác tại địa phương, năng suất hạt đạt 8,4 tấn/ha, cao hơn đối chứng 2,1 tấn/ha (33,3%); năng suất trái bắp tươi đạt 15,5 tấn/ha, cao hơn so với đối chứng 3,6 tấn/ha (31,2%); lợi nhuận đạt trung bình gần 82 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 21,59 triệu đồng/ha (36%).

Th.S Hồ Quang Thạch - cán bộ chuyên gia của tỉnh Bình Định, người trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân Salavan, cho hay: Mô hình triển khai trong mùa khô, gặp nhiều khó khăn như hệ thống tưới tiêu chưa đồng bộ, khí hậu khô - lạnh, diện tích phân bố rải rác tại nhiều bản, kỹ thuật canh tác của người dân còn nhiều hạn chế... Nhưng nhờ các bên liên quan cùng cố gắng, nỗ lực; đặc biệt người dân Lào rất chịu khó học hỏi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao nên mô hình đã đạt hiệu quả khá cao, các chỉ tiêu sinh trưởng dinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực đều đạt, cao hơn so với tập quán sản xuất của người dân từ 31 - 33%, hiệu quả kinh tế mang lại tăng hơn 35% so với trước đây.

Mô hình do tỉnh Bình Định chuyển giao được chính quyền và người dân địa phương ghi nhận, đánh giá rất cao, giúp người dân đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa chuyển đổi, nâng cao năng suất và thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Ông Sinxay Phetphenglasy, Phó Giám đốc Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Salavan, cho hay: Chúng tôi sẽ chỉ đạo, xây dựng định hướng phát triển và nhân rộng mô hình này trên địa bàn tỉnh. Hy vọng, thời gian tới, việc hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa 2 tỉnh Bình Định và Salavan ngày càng được tăng cường, gắn kết chặt chẽ hơn nữa để hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp tỉnh Salavan phát triển, đảm bảo an ninh lương thực, phát triển các nông sản hàng hóa chủ lực địa phương, góp phần phát triển bền vững nền nông nghiệp nước nhà.     

THÀNH NGUYÊN



Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=354696

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm