Viện Cơ Mật hình thành từ năm 1834 (thời vua Minh Mạng) theo mô hình Khu mật viện của nhà Tống và Quân cơ xứ của nhà Thanh (Trung Quốc), ban đầu đặt ở Tả Vu (tòa nhà dành cho quan văn trong Hoàng thành Huế). Đây là nơi tập trung các đại thần tài giỏi nhất triều đình.
Ký họa của họa sĩ Ngọc Nguyễn
Đến năm 1903 (thời vua Thành Thái), công trình mới được khánh thành trên nền chùa Giác Hoàng (vị trí ngày nay, số 33 Tống Duy Tân, P.Thuận Thành, TP.Huế). Cơ quan này hoạt động hơn 100 năm, cho đến khi triều đại nhà Nguyễn kết thúc vào năm 1945.
Ký họa của KTS Nguyễn Văn Thiện Quân
Ký họa của KTS Linh Hoàng
Ký họa của KTS Trần Thái Nguyên
Công trình trước đây có ba tòa (nên người dân còn gọi là Tam Tòa). Tòa trung tâm là Viện Cơ Mật gồm ba gian, kiểu trùng thiềm (mái chồng mái), đây là nơi làm việc của các đại thần và là nơi họp giữa quan triều đình và khâm sứ Pháp. Dãy bên trái là Bảo tàng Kinh tế. Dãy bên phải là văn phòng Hội lý dành cho người Pháp. Tuy nhiên do thời gian và chiến tranh, công trình bị phá hủy và biến đổi nhiều.
Ký họa của KTS Bùi Hoàng Bảo
Sau này, công trình được phục dựng, xây mới hầu hết. Phần kiến trúc còn sót lại rõ nét nhất là cổng chính kết hợp phong cách kiến trúc VN (xây kiểu tam quan, chữ Hán, hoa văn trang trí kiểu cung đình) kết hợp phong cách kiến trúc phương Tây (hàng cột lai thức cổ điển Hy Lạp, đỉnh mái, cột). Bức bình phong sau cổng tam quan được phục dựng kiểu cuốn thư, ở giữa là chữ thọ, trang trí long, lân, quy, phụng cùng nhiều hoa văn cầu kỳ. Tòa nhà Viện Cơ Mật cũng được xây lại, hai tầng, thêm hai khối nhà hai bên…
Ký họa của KTS Trần Xuân Hồng
Cổng trong nắng - ký họa của họa sĩ Trần Bình Minh
Ký họa của họa sĩ Trần Bình Minh
Bức bình phong sau cổng tam quan - ký họa của họa sĩ Trần Bình Minh
Viện Cơ Mật được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Hiện tại là trụ sở Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế.
Nguồn: https://thanhnien.vn/goc-ky-hoa-dau-nao-tham-muu-cua-trieu-dinh-nha-nguyen-185250412210415636.htm
Bình luận (0)