Cán bộ Hạt quản lý đê Hà Châu kiểm tra chất lượng vật tư phục vụ công tác hộ đê. Ảnh: TL |
Hà Châu còn nổi tiếng cả nước với quả trám đen. Trám Hà Châu có vị bùi, thơm, béo ngậy đặc biệt so với trám ở các vùng khác. Từ trám đen, người dân nơi đây chế biến nhiều món ăn độc đáo như xôi trám, trám kho thịt, đặc biệt là nham trám - món gỏi trám trộn với thịt và gia vị, mang hương vị đặc trưng khó quên. Riêng tôi, lại nhớ mãi về một đêm ngủ lại Hà Châu. Vài chục năm qua rồi, tôi và “người đó” đã cao tuổi, nhưng kỷ niệm vẫn xanh mãi trong tâm trí tôi.
Ngày đó, tôi, cô phóng viên báo tỉnh, được cử đi viết về việc phòng chống bão lụt ở các tuyến đê dọc sông Cầu. Đê Hà Châu là tuyến đê cấp III, có chiều dài hơn 16km. Tuyến đê này bảo vệ vùng hữu ngạn sông Cầu, bao gồm các xã Hà Châu, Nga My, Úc Kỳ, Điềm Thụy thuộc huyện Phú Bình và xã Tiên Phong của Phổ Yên. Tổng diện tích được đê bảo vệ khoảng 4.201ha đất đai và khoảng 34.000 người.
Vốn hăng hái và thích “dấn thân” tiếp cận thực tế, tôi đã “lang thang” khảo sát tuyến đê, ngắm cánh đồng lúa xanh thẫm và lắng nghe tiếng sóng nước thầm thì. Quang cảnh “bên này rì rào sóng lúa/bên này rì rào dòng sông” mê hoặc tôi. Trời buông bóng tối, tôi quyết định sẽ ngủ lại Hà Châu để hưởng trọn vẹn một ngày ở thôn quê thanh bình. Nhưng ở đâu bây giờ? Tôi cho xe đi chầm chậm trên đê và chưa biết mình sẽ dừng lại chỗ nào. Bỗng xa xa, tôi nhìn thấy dãy nhà xây cấp bốn, biển đề “Trạm canh đê Hà Châu”. Như có người xui khiến, tôi rẽ vào, gặp một người phụ nữ hơn tôi chừng chục tuổi. Chị cho biết tên là Thơm, làm nhiệm vụ canh đê Hà Châu. Chị Thơm có mái tóc dài, giọng nói nhẹ như sương sớm, ánh mắt hiền hậu và đôi tay chai sạm nắng gió. Nghe tôi trình bày, chị vui vẻ mời tôi ở lại, lời mời giản dị, đượm tình quê.
Bữa cơm tối bên bếp lửa hôm ấy, có đĩa trứng tráng vàng ruộm và đĩa rau bí xào xanh ngát, nồi cơm gạo quê thơm phức. Gà chị nuôi, rau chị trồng, thóc chị cấy, với tôi đó là bữa ăn ngon lạ thường. Mới quen nhưng chị mở lòng kể về những đêm thức trắng mùa nước lũ như thời điểm này, chuyện gà đẻ sai ngày, chuyện luống rau mới bén rễ và cả chuyện cuộc đời chị gắn với con đê, với cánh đồng một bên và sông Cầu một bên đã mấy chục năm rồi.
Đêm khuya, trạm canh đê mờ trong ánh trăng lặng lẽ. Tôi nằm nghe tiếng gió thì thào và tiếng gà gáy xa. Bên ngoài, chị Thơm đứng nhìn dòng sông. Dáng chị thanh mảnh, tóc dài buông nhẹ, im lặng. Tôi bước ra sân, ngắm vầng trăng thượng tuần nhu nhú trên bầu trời, mấy câu thơ chợt đến: Mong manh vầng trăng cỏ may/ Nhú bên bầu trời tím sẫm/ Hoa nở nhẹ như giấc mơ/Sương phủ bờ mi ướt đẫm… Trở về tòa soạn, tôi hoàn thành bài thơ “Đêm Hà Châu”cùng bài báo về công tác phòng chống lũ lụt ở các tuyến đê xung yếu, được bạn đọc đánh giá cao.
Thời gian thấm thoát trôi đi, mỗi khi ai đó nói đến Phú Bình, tôi lại nhớ ngay đến Hà Châu. Hình ảnh người phụ nữ tóc dài đứng trên đê, lặng lẽ như trăng, ấm áp như bếp lửa giữa đêm khuya hằn khắc trong vùng nhớ của tôi. Hà Châu với tôi không chỉ là một miền quê lúa ven sông, mà còn là nơi tôi từng nhận được một bữa cơm chan chứa tình người, có một đêm không quên dưới mái trạm canh đê và có một người đàn bà tên Thơm, người đi qua bao mùa lũ lụt cùng trạm canh lặng lẽ.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202504/ha-chau-mot-mien-thuong-nho-9eb047a/
Bình luận (0)