Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hoàn thiện những mảnh ghép xanh

STO - VietShrimp 2025 đã khép lại, nhưng dư âm từ 4 phiên hội thảo với các tham luận chuyên sâu về định hướng, giải pháp, đặc biệt là các giải pháp về công nghệ số, công nghệ sinh học… chắc chắn sẽ còn tiếp tục lan tỏa, kết nối các mảnh ghép trong chuỗi giá trị ngành tôm một cách hoàn hảo hơn, nhằm đưa ngành tôm phát triển phù hợp với xu thế sản xuất, tiêu dùng xanh của thế giới.

Báo Sóc TrăngBáo Sóc Trăng23/04/2025

Để xanh hóa ngành tôm thì vai trò của chính sách là hết sức cần thiết, nếu không muốn nói là rất quan trọng. Vì vậy, ngay từ những năm 2021, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã có những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phát triển thủy sản xanh. Gần đây nhất, phải kể đến Quyết định số 540/QĐ-TTg, ngày 19/6/2024, về việc phê duyệt Đề án Phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Cùng với đó là các dự án có liên quan như: “Dự án Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững”; “Dự án Thúc đẩy thực hiện quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam”; “Dự án Cộng đồng ven biển thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam”…

Các công nghệ, thiết bị được giới thiệu, trưng bày tại Hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam năm 2025 giúp hoàn thiện hơn mảnh ghép cho một ngành tôm xanh. Ảnh: TÍCH CHU

Theo đại diện Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú, muốn xanh hóa vùng nuôi phải thực hiện xanh hóa cả chuỗi quy trình nuôi, từ con giống cho đến chế phẩm sinh học, thức ăn, chất xử lý môi trường… Điều này đã và đang được Công ty Minh Phú triển khai thực hiện cho kết quả ban đầu khá khả quan bằng mô hình MPBio không cắt mắt tôm bố mẹ, không sử dụng clorin trong xử lý nước, nuôi với mật độ thấp… để đảm bảo sức tải môi trường. Còn ông Ngô Tiến Chương thuộc Tổ chức GIZ đề xuất rằng, để tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững ngành thủy sản cần có cơ chế, chính sách cho hợp tác công tư (PPP).

Một trong những thách thức lớn nhất của ngành tôm trên con đường xanh hóa hiện nay là làm sao giải được bài toán chi phí, giá thành trong nuôi tôm. Mấy năm gần đây, tuy ngành tôm luôn có sự tăng trưởng cả về sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu, nhưng lợi nhuận của người nuôi ngày càng teo tóp lại, thậm chí nhiều hộ thua lỗ. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo người nuôi thì chủ yếu đến từ yếu tố con giống và môi trường. Chính con giống chất lượng không ổn định, môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm và cùng với đó là thời tiết thất thường làm phát sinh dịch bệnh gây thiệt hại tôm nuôi.

Ngành nuôi tôm tại Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, với thức ăn đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo năng suất, giảm chi phí sản xuất, duy trì sức khỏe tôm và bảo vệ môi trường. Từ thức ăn tươi sống, thức ăn công nghiệp đến các giải pháp sinh học thân thiện môi trường, ngành thức ăn nuôi tôm đang không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tuy nhiên, theo các diễn giả, hiệu quả sử dụng thức ăn (FCR) mới là chỉ số quan trọng đánh giá thành công của một vụ nuôi. Đây là vấn đề rất quan trọng, bởi theo các nhà khoa học, chỉ khoảng 26,4 - 30% tổng đạm ăn vào được tôm tích lũy để tăng trưởng, phần còn lại phục vụ hoạt động sống hoặc thải ra môi trường, gây ô nhiễm nếu không được quản lý tốt. Thức ăn thừa có thể làm gia tăng Nitơ (>60%) và Phốt-pho (>85%) trong ao nuôi.

Theo đại diện Công ty DeHeus, thủy sản bền vững gồm nhiều yếu tố: môi trường, trách nhiệm xã hội, kinh tế… Do đó, muốn giảm phát thải trong nuôi tôm cần quan tâm ngay từ các yếu tố đầu vào, bởi theo nghiên cứu các yếu tố này tạo ra đến 80% lượng phát thải trong quá trình nuôi tôm. Một trong số đó là nguồn đạm đến từ thức ăn cho tôm. Do đó, vấn đề quan trọng là thúc đẩy nguồn nhân lực, phát triển cộng đồng, chuyển giao kiến thức… để thúc đẩy sự phát triển của toàn chuỗi cung ứng bền vững (điện mặt trời, xe nâng chạy bằng điện, hạn chế sử dụng bao bì nhựa, quản lý toàn bộ quy trình sản phẩm để giảm phát thải carbon...).

Làm thế nào để giảm nguy cơ nhiễm vibrio là một vấn đề khá nóng của ngành tôm, bởi vibrio rất khó kiểm soát do xuất hiện hầu hết trong môi trường tại các vùng nuôi, gây nên một số bệnh nguy hiểm làm thiệt hại tôm nuôi. Chúng có nhiều chủng khác nhau, ngay cả trong 1 loài cũng có một vài biến thể trong quá trình tiến hóa, thích nghi, nên độc tính cũng rất khó đoán, khó phân biệt với những loài khác. Khoáng chất chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong hệ sinh thái ao nuôi nhưng có một vai trò rất quan trọng đối với toàn bộ hệ sinh thái này, đặc biệt là giúp nâng cao hệ miễn dịch cho tôm, thúc đẩy quá trình trao đổi chất… nên việc sử dụng khoáng chất tự nhiên sẽ giúp quản lý hệ sinh thái tài nguyên bền vững, cho hiện tại và cho cả tương lai.

Ông Trần Công Khôi - Trưởng Phòng Quản lý giống và thức ăn thủy sản (Cục Thủy sản và Kiểm ngư) cho rằng, các tham luận đã có sự chuẩn bị công phu đi sâu vào các vấn đề của ngành. Điểm đặc biệt là lần này các tham luận không đi sâu vào chi tiết kỹ thuật mà đi sâu vào công nghệ, đặc biệt là công nghệ chuyển đổi số, công nghệ sinh học và các công nghệ khác có tính kết nối với nhau. Đây có thể nói là bước chuẩn bị rất tốt giúp hoàn thiện chuỗi giá trị ngành tôm từ: giống thức ăn, quy trình nuôi, công nghệ nuôi, môi trường nuôi, dịch bệnh và chế biến. Hy vọng các mắt xích trong chuỗi giá trị ngành tôm sẽ đi cùng nhau, đi xa hơn trong giai đoạn tới, đưa ngành tôm phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với xu hướng phát triển xanh của thế giới.

TÍCH CHU

Nguồn: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/202504/hoan-thien-nhung-manh-ghep-xanh-c251a92/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm