NHỮNG NGUYÊN TẮC KHI DẠY HỌC 2 BUỔI/NGÀY
Quy định học 2 buổi/ngày, tức là học buổi sáng và chiều trong một ngày, một buổi học theo chương trình chính khóa và một buổi học phụ thêm. Cách tổ chức dạy học như vậy chỉ có ở VN và một ít nước thuộc khu vực châu Á.
Nhiều nước, trong đó có các quốc gia với nền giáo dục phát triển, không phân biệt học một buổi hay hai buổi mà học sinh (HS) tới trường học liên tục trong khoảng 6 - 7 giờ cho tới khi rời trường trước 15 giờ hằng ngày. Đây là sự khác biệt lớn nên VN cần phân tích để xem xét vận dụng việc học 2 buổi/ngày vào giáo dục nước nhà.
Do đó, trong buổi học thứ 2, việc dạy và học không thể thực hiện theo cảm tính mà cần có nguyên tắc. Những nguyên tắc cốt lõi bao gồm:
Không dạy lại bài học buổi chính khóa. Tuyệt đối không dạy thêm, dạy sâu hoặc nâng cao kiến thức đã được học trong buổi học chính khóa. HS học tự nguyện nên không tổ chức dạy học theo lớp học chính khóa mà cần dạy theo nhu cầu và do HS đăng ký tự chọn. Tinh giản nội dung học và được cấp có thẩm quyền thẩm định, tránh quá tải cho người dạy và người học. Không nên thu phí của HS. Có cơ sở vật chất đủ và phù hợp để HS thực hành, ngoại khóa, tổ chức câu lạc bộ và hỗ trợ cho rèn luyện phát triển toàn diện sức khỏe về thể chất, tinh thần và trí tuệ HS.
Trong buổi thứ hai cần hướng dẫn học sinh rõ hơn các nền tảng công nghệ số, đặc biệt cần thực hành thật nhiều và vận dụng thường xuyên
ẢNH: NHẬT THỊNH
Chương trình học tập được thiết kế hợp lý, theo kịp xu thế và thực sự góp phần đạt mục tiêu dạy học chính khóa cũng như định hướng của nội dung giáo dục đổi mới.
DẠY CÁCH HỌC, CÁCH TỰ HỌC, KỸ NĂNG
Dạy học buổi thứ 2 cần tập trung vào một số nội dung cơ bản. Trước hết là cần dạy cho HS cách học, cách tự học và học tập suốt đời. Các nội dung này được vận dụng trực tiếp vào các bài học chính khóa.
Phần hướng dẫn học về nhà, giáo viên (GV) nên ghi rõ thêm nhiệm vụ là "hướng dẫn tự học cho HS". Tuy nhiên, không thể cứ nói HS phải tự học là tức khắc các em sẽ làm được. Bản chất ở đây là tự học có hướng dẫn, nghĩa là thầy hướng dẫn trò, kiểm tra, đánh giá và giúp trò việc tự học.
Các em cần được dạy và rèn luyện các phương pháp tự học như: xây dựng mục tiêu và kế hoạch học tập cụ thể, rõ ràng; biết tự đánh giá mục tiêu và điều chỉnh tiến độ tự học; áp dụng các kỹ thuật học tập hiệu quả; tự tạo ra động lực và môi trường học tập phù hợp; quan tâm và chăm sóc sức khỏe bản thân; tự tìm tòi, tìm kiếm tài liệu tham khảo cho nội dung tự học.
Rõ ràng, những hoạt động cơ bản nói trên, HS không thể tự làm được mà cần có sự đồng hành và hỗ trợ từ các GV dạy học chính khóa.
Thứ hai là giúp HS thực hành kỹ năng sống. Đây là nội dung cực kỳ quan trọng trong buổi học chính khóa và cả buổi học thứ hai. HS phổ thông đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, thái độ sống và thói quen ứng xử nên rất cần nhiều thời gian cho dạy kỹ năng sống.
Tuy buổi dạy chính khóa đã đề cập nội dung này, nhưng buổi thứ hai vẫn cần có thêm thời gian cho thảo luận, thực hành, xử lý tình huống thực tế, để HS dần tự thành quen và củng cố phẩm chất riêng, cũng như tạo ra được lối sống lành mạnh cho mỗi cá nhân. Cụ thể, thông qua các hoạt động của HS để dạy kỹ năng sống bao gồm: dạy tự tin, tự trọng, tự kiểm soát cảm xúc, tư duy tích cực, phản biện; dạy biết lắng nghe, thấu hiểu, hợp tác, giải quyết xung đột, làm việc nhóm; dạy biết giải quyết vấn đề, đưa ra lựa chọn hợp lý; dạy cách ứng phó với khó khăn, áp lực và dạy kỹ năng kiểm soát căng thẳng, vượt qua thất bại, kiên trì trong mọi hoạt động.
Thực hành về nội dung dạy công nghệ thông minh. Cũng như nội dung dạy kỹ năng sống, dạy buổi thứ hai cần làm rõ hơn các nền tảng công nghệ số, đặc biệt cần thực hành thật nhiều và vận dụng thường xuyên. Ngoài ra, cần dạy HS biết cách tìm thông tin chính xác, đánh giá nguồn đáng tin cậy; biết bảo mật tài khoản, tránh lừa đảo online; ứng xử thông thái, lịch sự trên mạng, tránh bắt nạt, biết tôn trọng bản quyền; không tin tưởng mù quáng, biết kiểm tra thông tin và đặt câu hỏi…
Nhà trường cần tổ chức thực hành, trải nghiệm cho HS hình thành thói quen, để các em không chỉ là "biết dùng công nghệ" hay "công nghệ số hóa" mà còn biết sử dụng công nghệ một cách thông minh, có trách nhiệm, và sáng tạo để phục vụ việc học, làm việc và sống tốt trong xã hội hiện đại.
Ở buổi thứ hai, cần dạy cho HS cách học, cách tự học và học tập suốt đời
ảnh: Đào Ngọc Thạch
CÓ THỂ THÍ ĐIỂM GIỜ HỌC KÉO DÀI QUA TRƯA ?
Trên cơ sở nguyện vọng của HS, nhà trường sắp xếp lớp theo trình độ của HS mà không phân biệt theo lứa tuổi.
Với GV, cũng không phân biệt chọn GV để dạy buổi thứ hai, ai có năng lực dạy nội dung nào đều được xem xét phân công giảng dạy. Không còn tạo ra sự bất bình đẳng như dạy thêm, học thêm thời gian vừa qua.
Dựa vào Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm và Thông tư 05 về quy định chế độ làm việc của nhà giáo, các nhà trường có thể vận dụng linh hoạt để tổ chức dạy buổi thứ hai trong các trường trung học.
Trong quy định hiện tại của Bộ GD-ĐT, các trường trung học, nhất là ở các thành phố lớn, có thể thí điểm buổi học tại trường cho HS kéo dài qua trưa, như nhiều nước trên thế giới đã làm. Trong sự thay đổi giờ học này, HS có thể mang đồ ăn hoặc vào căn tin trường ăn nhẹ bữa trưa. Và như vậy nhà trường không phải tổ chức ăn nghỉ bán trú tại trường.
Nguồn: https://thanhnien.vn/hoc-2-buoi-ngay-khong-phai-la-day-them-nang-cao-kien-thuc-tu-buoi-chinh-khoa-185250416183940606.htm
Bình luận (0)