Một số nội dung chính trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi 2025 so với hướng dẫn 2014:
Cận lâm sàng
Cận lâm sàng cơ bản: hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi 2025 thêm khí máu động mạch khi có suy hô hấp và xét nghiệm đánh giá đáp ứng viêm: Ferritin, LDH, interleukin khi sởi có biến chứng nhiễm khuẩn nặng.
Cận lâm sàng phục vụ chẩn đoán: hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi 2025 bổ sung thêm “nếu xét nghiệm IgM sởi âm tính mà triệu chứng lâm sàng vẫn nghi ngờ sởi thì có thể làm lại lần 2 sau 72 giờ, hoặc chỉ định PCR sởi qua bệnh phẩm dịch tỵ hầu” và “phân lập virus từ máu và dịch mũi họng trong giai đoạn sớm của bệnh”.
Chẩn đoán
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi 2025 bổ sung yếu tố nguy cơ bệnh diễn tiến nặng đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi; người chưa tiêm phòng vaccine hoặc tiêm không đầy đủ; suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải; bệnh nền nặng; suy dinh dưỡng nặng; thiếu vitamin A; phụ nữ mang thai.
Mặt khác, hướng dẫn mới bổ sung ca bệnh nghi ngờ: tiền sử tiếp xúc với người bệnh sởi trong vòng 7-21 ngày hoặc sống trong vùng dịch sởi lưu hành; triệu chứng lâm sàng nghi ngờ sởi (sốt và viêm long đường hô hấp trên).
Hướng dẫn 2025 bổ sung ca bệnh lâm sàng: sốt, ho, chảy nước mũi hoặc viêm kết mạc, có hạt Koplik hoặc phát ban dạng sởi.
Bên cạnh đó, hướng dẫn mới điều chỉnh chẩn đoán xác định ca bệnh nghi ngờ hoặc ca bệnh lâm sàng mắc sởi, và có xét nghiệm kháng thể IgM hoặc PCR dương tính với sởi.
Ngoài ra, hướng dẫn chẩn đoán phân biệt thêm với các bệnh như bệnh do Mycoplasma pneumoniae, bệnh sốt mò: nhiễm virus Epstein-Barr: viêm màng não mủ.
Điều trị
Hướng dẫn mới nêu chi tiết cụ thể hơn điều trị biến chứng viêm phổi ở người bệnh sởi, hỗ trợ hô hấp theo các mức độ suy hô hấp (sơ đồ hóa).
Về sử dụng Globuline miễn dịch đường tĩnh mạch (IVIG): hướng dẫn cụ thể từ chỉ định tình trạng nhiễm trùng nặng kèm theo bằng chứng tăng đáp ứng viêm; suy hô hấp tiến triển nhanh; viêm não đến liều dùng IVIG tĩnh mạch 0,25 g/kg/ngày x 3 ngày liên tiếp (tổng liều có thể 1g/kg, dùng từ 2-4 ngày); truyền tĩnh mạch chậm trong 8-10 giờ.
Hướng dẫn mới phân cấp điều trị chi tiết cho các đơn vị
Trong đó, Trạm Y tế xã và phòng khám tư nhân: khám và điều trị ngoại trú người bệnh sởi không biến chứng; chuyển tuyến điều trị đối với bệnh sởi có biến chứng hoặc có suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền nặng.
Bệnh viện (BV) huyện, BV tư nhân khám và điều trị người bệnh sởi không có biến chứng và bệnh sởi có biến chứng; chuyển tuyến điều trị đối với người bệnh sởi có biến chứng viêm phổi cần thở oxy, viêm não, nhiễm khuẩn huyết hoặc có suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền nặng.
BV đa khoa tỉnh, đa khoa khu vực, BV chuyên khoa nhiễm hoặc nhi: khám và điều trị người bệnh sởi các trường hợp. Hội chẩn, hướng dẫn tuyến trước điều trị các trường hợp nặng hoặc khó điều trị.
Bổ sung một số nội dung:
Ngoài ra, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi 2025 bổ sung một số nội dung: chăm sóc điều dưỡng; quản lý người bệnh chú ý cách ly dài hơn đối với người suy giảm miễn dịch.
Dự phòng sau phơi nhiễm: tiêm vaccine, sử dụng Immune Globulin (IG) đường truyền tĩnh mạch, hoặc tiêm bắp hoặc tiêm dưới da, chỉ định Immune Globulin dự phòng sau phơi nhiễm cho một số trường hợp đặc biệt: người suy giảm miễn dịch nặng, trẻ em dưới 9 tháng có bệnh lý nền nặng đang tiến triển, xem xét chỉ định đối với phụ nữ mang thai.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/huong-dan-moi-nhat-ve-cach-ly-ca-mac-soi.html
Bình luận (0)