Đánh giá về hội nghị, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc giảm thiểu những yếu tố bất ổn, thúc đẩy cải cách và củng cố tăng trưởng trong “thời điểm khó khăn.” Đồng thời, họ cũng thể hiện tinh thần sẵn sàng cùng nhau hợp tác để ứng phó với những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt.
Bà Georgieva cho rằng các nhà lãnh đạo chính trị đã nhận ra rằng sự bất ổn thương mại hiện tại là thời điểm “để tự sắp xếp lại công việc nội bộ” thông qua việc giải quyết các cải cách bị trì hoãn, tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế, thúc đẩy năng suất và cải thiện triển vọng tăng trưởng.
Bà thừa nhận: “Chúng ta vẫn đang trải qua một giai đoạn khá khó khăn. Tuy nhiên, khi mọi người ngồi lại với nhau, những chính sách trừu tượng trở nên gần gũi và mang tính nhân văn hơn. Và điều đó tạo ra một sự khác biệt trong các cuộc đối thoại."
Cùng ngày, ông Indermit Gill, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), cảnh báo rằng sự bất ổn thương mại gia tăng đang làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ nần và tình trạng tăng trưởng trì trệ mà các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển phải đối mặt. Tuy nhiên, ông cho rằng việc các quốc gia này chủ động cắt giảm thuế quan có thể mang lại một cú hích tăng trưởng đáng kể.
Ông Gill cho biết giới kinh tế toàn cầu đang nhanh chóng hạ dự báo tăng trưởng đối với các nền kinh tế phát triển và có phần chậm hơn đối với các nước đang phát triển, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Nguyên nhân chính là do làn sóng thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục công bố. IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế đối với Mỹ, Trung Quốc và hầu hết các quốc gia, đồng thời cảnh báo rằng xung đột thương mại leo thang sẽ tiếp tục kìm hãm đà tăng trưởng toàn cầu.
Tổ chức này dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay chỉ đạt 2,8%, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Một vừa qua.
Ông Gill cho biết sự đồng thuận của các nhà kinh tế toàn cầu cho thấy những điều chỉnh giảm đáng kể trong dự báo tăng trưởng và thương mại. Các chỉ số về sự bất ổn, vốn đã ở mức cao hơn nhiều so với một thập kỷ trước, cũng đã tăng vọt sau các động thái thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump vào ngày 2/4 vừa qua.
So với các cú sốc kinh tế trước đây, trong đó có cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và đại dịch COVID-19, ông Gill nhận định cú sốc hiện tại là kết quả từ chính sách của chính phủ, đồng nghĩa với việc điều này cũng có khả năng bị đảo ngược.
Ông chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ tiếp tục kìm hãm tăng trưởng ở các thị trường mới nổi. Thương mại toàn cầu hiện được dự báo chỉ tăng trưởng 1,5% - thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 8% trong những năm 2000.
Ông Gill cũng cảnh báo rằng mức nợ cao hiện tại đồng nghĩa với việc một nửa trong số khoảng 150 quốc gia đang phát triển và thị trường mới nổi đang hoặc có nguy cơ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ. Tỷ lệ này đã tăng gấp đôi so với năm 2024 và có thể tiếp tục gia tăng nếu kinh tế toàn cầu suy thoái.
Ông nhấn mạnh nếu tăng trưởng toàn cầu và thương mại đều chững lại trong khi lãi suất vẫn duy trì ở mức cao, nhiều quốc gia - trong đó có cả những nước xuất khẩu hàng hóa - sẽ rơi vào tình trạng nợ nần.
Lời khuyên của ông Gill dành cho các nước đang phát triển là nhanh chóng và khẩn trương đàm phán các thỏa thuận với Mỹ để giảm thuế quan của chính họ và tránh các mức thuế cao của Mỹ, đồng thời mở rộng các mức thuế thấp hơn cho các quốc gia khác.
Ông cho rằng đây là thời điểm thích hợp để thực hiện điều này, khi áp lực từ Mỹ có thể làm giảm sự phản đối trong nước. Các mô hình của WB cho thấy những động thái như vậy có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách đáng kể.
Tương tự, Ủy ban Tài chính và tiền tệ quốc tế (IMFC) thuộc IMF cùng ngày đã bày tỏ lo ngại rằng căng thẳng thương mại có thể làm suy yếu ổn định tài chính toàn cầu, gây bất ổn thị trường và rủi ro tài chính. IMFC đồng thời tái khẳng định vai trò trung tâm của IMF trong việc hỗ trợ các nước thành viên vượt qua khó khăn.
Ủy ban này cũng kêu gọi điều chỉnh hạn ngạch và cổ phần để phản ánh đúng vị thế kinh tế của các quốc gia. Chủ tịch IMFC, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed Al-Jadaan, nhấn mạnh ưu tiên giải quyết các lỗ hổng nợ, nhất là ở các nước thu nhập thấp.
Trong diễn biến khác, cũng trong ngày 25/4, Ủy ban chỉ đạo của WB đã thông qua kế hoạch của thể chế này này trong việc nghiên cứu các phương án mở rộng khả năng tiếp cận năng lượng, bao gồm cả tiềm năng tài trợ cho năng lượng hạt nhân.
Theo đó, ủy ban này đã kêu gọi WB nỗ lực đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng cho 300 triệu người dân châu Phi từ nay đến năm 2030, đồng thời nhất trí mục tiêu phân bổ 45% khoản vay cho hoạt động khí hậu vào năm 2026. Đáng chú ý, tuyên bố của ủy ban cũng bày tỏ ủng hộ chiến lược về giới của WB và kêu gọi nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy bình đẳng giới./.
Theo TTXVN
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/imf-danh-gia-hoi-nghi-mua-xuan-voi-wb-mang-tinh-xay-dung-246926.htm
Bình luận (0)