Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kẽ hở để sữa giả “lách” vào bệnh viện

Tại các bệnh viện, sữa cũng như các sản phẩm dinh dưỡng phải trải qua quy trình đấu thầu để sử dụng cho người bệnh đúng chỉ định. Tuy nhiên, nguy cơ sữa kém chất lượng lọt vào cơ sở y tế vẫn có thể xảy ra.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng19/04/2025

S1f.jpg
Kho hàng trong đường dây sữa giả bị phát hiện ở Hà Nội

Sau thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa giả, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) đã rà soát các sản phẩm sữa cho người bệnh. Kết quả phát hiện sữa Hofumil Gold Plus được cung ứng trong bệnh viện thuộc danh mục sản phẩm của một công ty thuộc đường dây trên.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cũng phát đi thông báo tạm dừng tư vấn sữa Hapomil của Công ty dược quốc tế Rance Pharma - công ty trong đường dây sản xuất sữa giả. Các bệnh viện đã tiến hành thu hồi sản phẩm, liên hệ với người bệnh để khuyến cáo dừng sử dụng, hướng dẫn hoàn trả sản phẩm, đồng thời cam kết sẽ đồng hành cùng người bệnh yêu cầu đơn vị cung ứng hoàn trả tiền, bảo vệ quyền lợi người bệnh.

S7a.jpg
TS-BS Lưu Ngân Tâm và một bệnh nhân nặng được điều trị dinh dưỡng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Minh Khuê

Theo TS-BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và đường tiêu hóa Việt Nam, dinh dưỡng lâm sàng là một phần rất quan trọng, góp phần tăng hiệu quả điều trị cho người bệnh. Tại Việt Nam, dinh dưỡng điều trị tuân thủ theo các khuyến nghị của thế giới và tài liệu hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trong quá trình điều trị, bên cạnh các suất ăn phù hợp bệnh lý, người bệnh bị suy dinh dưỡng hoặc nguy cơ suy dinh dưỡng nhưng ăn uống kém, sụt cân nhiều sẽ được bổ sung bằng các sản phẩm dinh dưỡng qua đường tiêu hóa phù hợp. Các sản phẩm này (bao gồm sữa) phải trải qua quy trình đấu thầu chặt chẽ, tương tự như đấu thầu thuốc. Các sản phẩm dinh dưỡng trong nhà thuốc bệnh viện cũng phải tuân thủ quy định này.

Theo TS-BS Lưu Ngân Tâm, “hàng rào” đầu tiên để các sản phẩm dinh dưỡng tiếp cận hệ thống y tế chính là sự tham mưu chuyên môn từ lãnh đạo khoa dinh dưỡng, bao gồm kiểm duyệt độ uy tín ở trong nước và trên thế giới của công ty sản xuất, công thức dinh dưỡng có theo các khuyến cáo chuẩn về dinh dưỡng lâm sàng hay không. Sau đó xem xét hồ sơ đăng ký chất lượng và thực hiện quy định đấu thầu. Khâu kiểm duyệt ban đầu càng kỹ lưỡng thì nguy cơ hàng kém chất lượng lọt vào bệnh viện càng thấp.

Tuy nhiên, TS-BS Lưu Ngân Tâm cũng cho rằng, hàng rào kỹ thuật giúp giảm thiểu nguy cơ nhưng không thể tránh tuyệt đối. Thực tiễn cho thấy, mối nguy lớn tồn tại từ lâu là doanh nghiệp có thể sao chép công thức của nhãn hàng uy tín, đưa vào hồ sơ đăng ký sản phẩm rồi công bố và tham gia đấu thầu. Nếu hồ sơ và công thức của sản phẩm “rởm” y chang như sản phẩm uy tín nhưng bỏ giá thấp hơn thì vẫn có thể trúng thầu.

“Đó là kẽ hở nằm ngoài khả năng kiểm soát của bệnh viện vì bệnh viện không có chức năng đi kiểm định xem sản phẩm có đúng như công thức đã công bố hay không. Thậm chí, quy định hiện nay cho phép nhiều thực phẩm được tự công bố, không cần tiền kiểm vẫn có thể lưu hành. Giả sử hậu kiểm không hiệu quả thì rất bất an cho người sử dụng. Và như vậy, bệnh viện cũng có thể là nạn nhân”, TS-BS Lưu Ngân Tâm phân tích.

Ngày 18-4, Bộ Công thương đã ban hành công điện hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng các đơn vị chức năng tại các địa phương đề nghị kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là các sản phẩm sữa, thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trước tình trạng hàng giả gia tăng và gây bức xúc trong dư luận.

VĂN PHÚC


Các sản phẩm sữa giả được công bố ở Hà Nội chủ yếu dành cho trẻ em

Ngày 18-4, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) thông tin về kết quả rà soát bước đầu các sản phẩm sữa bột giả của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group vừa bị cơ quan công an phát hiện.

Theo đó, trong số 573 loại sữa giả bị cơ quan công an phát hiện, qua rà soát có 67 hồ sơ của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và 4 hồ sơ của Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group được công bố tại Chi cục ATVSTP Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chi cục trưởng ATVSTP Hà Nội, những loại sữa nói trên không phải giả mạo nhãn mác, thương hiệu của sản phẩm khác mà các chất dinh dưỡng có trong sữa dưới 70% so với công bố và chủ yếu là sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung dành cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi.

Đại diện Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, đối với 71 sản phẩm sữa giả của 2 công ty trên, đơn vị đã lấy 4 mẫu của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma vào tháng 8-2023 và lấy 1 mẫu của Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group vào tháng 9-2024 để kiểm tra nhưng không phát hiện vi phạm.

“Chi cục đã lấy mẫu một số sản phẩm của 2 công ty trên, dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, tức chỉ kiểm tra những chỉ tiêu ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, sau đó gửi Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia. Các chỉ tiêu của sản phẩm đều đạt như hồ sơ”, ông Trung cho biết.

QUỐC LẬP

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/ke-ho-de-sua-gia-lach-vao-benh-vien-post791377.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào
Cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay giữa trời Nam rực nắng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm