Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Bài học và ý nghĩa lịch sử

TCCS - Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại dưới sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quan trọng làm nên thắng lợi, cũng là bài học lịch sử còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản26/04/2025


Lực lượng quân đội tham gia diễu binh, diễu hành chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025)_Nguồn: chinhphu.vn

Cội nguồn thắng lợi

Sức mạnh dân tộc là tổng hợp những nguồn lực bên trong của một quốc gia, được biểu hiện thông qua sức mạnh của tiềm lực kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh; sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sức mạnh của truyền thống và các giá trị văn hóa. Yếu tố quan trọng để phát huy sức mạnh dân tộc là giữ vững tinh thần yêu nước, ý thức độc lập tự chủ, tự lực tự cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh dân tộc Việt Nam là sức mạnh nội sinh, được hình thành, phát triển bền vững trên cơ sở hun đúc, lưu truyền, tiếp nối các giá trị văn hoá qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh dân tộc không chỉ được tiếp nối, nuôi dưỡng, hun đúc mà còn phát triển lên một tầm cao mới. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 chính là nơi hội tụ và kết tinh cao nhất sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Ở đó, lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí quyết tâm đánh đuổi giặc Mỹ, không quản hy sinh gian khổ cho độc lập, tự do và thống nhất đất nước đã toả sáng, tạo thành sức mạnh vô địch để dân tộc ta chiến thắng kẻ thù.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, truyền thống yêu nước đã được khơi dậy, phát huy trong mỗi người dân Việt Nam, thôi thúc họ đứng lên cầm vũ khí chống giặc với tinh thần quả cảm, mang khí thế và quyết tâm cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đảng đã tập hợp, đoàn kết được toàn thể quần chúng nhân dân, các giai tầng trong xã hội tạo thành nguồn sức mạnh to lớn không quân thù nào cản được. Ðại thắng mùa Xuân năm 1975 chính là biểu tượng của sự hội tụ, tỏa sáng tinh thần đoàn kết thống nhất toàn dân tộc.

Ý thức đoàn kết dân tộc trên dưới một lòng, thống nhất “ý Ðảng, lòng dân”, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được nâng lên thành tư tưởng “Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công” trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước. Với tinh thần trường kỳ kháng chiến vì miền Nam ruột thịt, quân và dân miền Bắc đã tay cày tay súng, thực hiện “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, vừa xây dựng vừa chiến đấu, sẵn sàng chi viện, đáp ứng mọi nhu cầu của tiền tuyến. Nhân dân miền Nam dù chịu đàn áp tàn bạo của địch nhưng với ý chí quật cường, bất khuất vẫn một lòng một dạ đi theo cách mạng, tin tưởng sắt đá vào sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tình yêu quê hương đất nước “máu chảy ruột mềm”, muôn triệu trái tim người Việt Nam ở nước ngoài đã hướng về Tổ quốc, góp công sức cùng với nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình mở ra mặt trận đấu tranh trên thế giới và trong “lòng địch”, góp phần vào ngày toàn thắng của dân tộc… Trong trận chiến lược mùa Xuân năm 1975, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã bùng lên mạnh mẽ, cả dân tộc ra quân, bừng bừng khí thế “một ngày bằng hai mươi năm”, tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

Trong Ðại thắng mùa Xuân năm 1975, bên cạnh việc phát huy sức mạnh dân tộc - nhân tố bên trong đóng vai trò quyết định thì sức mạnh thời đại - nhân tố bên ngoài giữ vai trò hết sức quan trọng cũng được Đảng ta lãnh đạo và phát huy hiệu quả. Ðể đi đến ngày toàn thắng, Ðảng, Nhà nước, quân đội và toàn thể nhân dân Việt Nam không chỉ giương cao, giữ vững ngọn cờ độc lập dân tộc, tự chủ trong mọi chủ trương, đường lối và hành động cách mạng, mà còn luôn giữ vững và giương cao ngọn cờ đoàn kết quốc tế ở mức cao nhất; luôn gắn cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam với đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới. Nhờ vậy, những lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn, dân tộc Việt Nam luôn có sự đồng hành hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt thành từ bạn bè quốc tế.

Sức mạnh thời đại trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975 được biểu hiện rõ nét trước tiên là ở sự đoàn kết, sát cánh chiến đấu chống kẻ thù chung của ba nước Đông Dương. Phát huy truyền thống lịch sử láng giềng anh em gắn bó, Đảng, chính quyền và nhân dân ba nước đã đoàn kết chặt chẽ trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước. Chính phủ và nhân dân hai nước Lào và Campuchia đã tạo điều kiện để quân đội ta mở tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên đất bạn, giúp vận chuyển lương thực, thực phẩm và vũ khí trang bị vào chiến trường miền Nam, tạo thế chiến lược tiến công địch trên cả ba nước. Lực lượng vũ trang của ta và bạn cùng nhau phối hợp, sát cánh chiến đấu gây ra những thất bại chiến lược cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong các chiến dịch ở Nậm Thà (1962), Nậm Bạc (1968),  Cánh Đồng Chum (1969, 1970, 1972), Đường 9 - Nam Lào (1971) của Lào.

Ở Campuchia, ta và bạn đã mở cuộc phản công đánh bại cuộc hành quân của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn 5 tỉnh Đông Bắc Campuchia; đánh bại các cuộc hành quân lớn của địch, như Chen La I (1970), Toàn thắng (1971), Chen La II (1971)… Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976) đã khẳng định: “Thắng lợi của chúng ta cũng là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu không gì lay chuyển nổi của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, của mối quan hệ đặc biệt đã có từ lâu trong lịch sử và được thử thách trong ngọn lửa cách mạng chống kẻ thù chung của ba dân tộc”(1).

Sức mạnh thời đại trong Đại thắng mùa Xuân 1975 còn biểu hiện ở sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và hiệu quả cả về tinh thần và vật chất của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, mà điển hình là Liên Xô và Trung Quốc, góp phần làm tăng sức mạnh mọi mặt của Việt Nam. Từ năm 1955, Việt Nam và Liên Xô đã ký kết nhiều hiệp định, tạo điều kiện cho hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Từ năm 1954 đến năm 1964, Liên Xô ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam khôi phục và phát triển kinh tế, đào tạo cán bộ cho miền Bắc. Ngoài ra, Liên Xô còn viện trợ cho Việt Nam một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược để giúp nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược…

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Trung Quốc tiếp tục giúp đỡ và ủng hộ Việt Nam cả về chính trị, kinh tế và viện trợ quân sự. Trung Quốc là một trong những quốc gia đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của đế quốc Mỹ ở Việt Nam và kiên quyết ủng hộ Việt Nam kháng chiến. Nhân dân Trung Quốc đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú biểu hiện tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân Việt Nam…

Cùng với Liên Xô và Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa khác cũng tích cực ủng hộ nhân dân Việt Nam, nhiều đoàn đại biểu của Đảng, Chính phủ các nước Ba Lan, Hunggari, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Cộng hòa Dân chủ Đức, Cuba... đã đến thăm Việt Nam, ủng hộ nền độc lập, tự do và thống nhất của ta. Các hoạt động hợp tác văn hoá, giáo dục, y tế… được mở rộng. Bước vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, các nước xã hội chủ nghĩa tiếp tục viện trợ quân sự và nhiều hàng hóa cho ta. Có thể nói, sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của các nước xã hội chủ nghĩa, điển hình là Liên Xô và Trung Quốc đã góp phần quan trọng để dân tộc ta sớm giành thắng lợi hoàn toàn.

Các cựu chiến binh cùng nhân dân Mỹ xuống đường biểu tình chống chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam_Ảnh: nhandan.vn

Sức mạnh thời đại trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975 còn được biểu hiện ở sự ủng hộ to lớn của các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình trên thế giới. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, trên thế giới đã hình thành một mặt trận rộng rãi ủng hộ Việt Nam phát triển rất sâu rộng và mạnh mẽ. Nhiều nước đã thành lập tổ chức, ủy ban, phong trào đoàn kết và ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Các tổ chức quốc tế, như Phong trào không liên kết, Ủy ban đoàn kết Á - Phi - Mỹ La-tinh, Hội đồng hòa bình thế giới, Liên hiệp Công đoàn thế giới, Liên hiệp Phụ nữ thế giới, Liên hiệp Thanh niên và Sinh viên thế giới… luôn hoạt động tích cực và hiệu quả để giúp đỡ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Hầu khắp các nước ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ - La-tinh đã lên án đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam. Nhiều nước tư bản là đồng minh của Mỹ đã phản đối chiến tranh, ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ với nhiều hình thức như mít tinh, biểu tình, bãi công...

Có thể nói, bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng đã phản ánh sự kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về sức mạnh nội lực với sức mạnh ngoại lực. Nhờ kết hợp và phát huy tốt nhân tố sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại dân tộc ta mới làm lên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV (năm 1976) khẳng định: “Nhờ kết hợp sức mạnh của nhân dân ta với sức mạnh của thời đại, nhờ đường lối quốc tế đúng đắn của Đảng, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ rất to lớn về tinh thần và vật chất của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của tất cả các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới, tạo thành mặt trận quốc tế rộng lớn chưa từng có ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược”(2).

Ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

50 năm đã trôi qua kể từ sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại luôn được Đảng ta vận dụng trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng, mang lại nhiều thành tựu to lớn cho đất nước. Từ chỗ bị bao vây, cấm vận, đến nay, đời sống kinh tế - xã hội của đất nước có bước phát triển mạnh mẽ, Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, uy tín, vị thế quốc tế ngày một nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thách thức an ninh phi truyền thống và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Vì vậy, trước yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, việc vận dụng bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại hiện nay cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”, đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau chân thành hòa hợp dân tộc, vun đắp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ tạo nên hình ảnh đất nước Việt Nam thống nhất, cùng chung một ý chí, một lợi ích, một bản sắc văn hóa. Đó là sự đoàn kết gắn bó giữa đồng bào các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc, giữa các tầng lớp nhân dân trong nước và ngoài nước, giữa các tôn giáo..., mà hạt nhân là sự lãnh đạo của Đảng. Việc củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc lấy mục tiêu độc lập, thống nhất Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò phản biện của các tổ chức quần chúng trong quản lý, xây dựng đất nước, đấu tranh chống tệ nạn quan liêu, tham nhũng, tiêu cực và mọi nguy cơ làm tổn hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hai là, tiếp tục phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách thực hiện thắng lợi khát vọng vươn lên trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Niềm tin, ý chí quyết đánh và quyết thắng là biểu hiện sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ và trong Đại thắng mùa Xuân 1975, ý chí đó thể hiện ở lý tưởng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, ở quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “tất cả để chiến thắng giặc Mỹ”. Ý chí và niềm tin chiến thắng trở thành sức mạnh, là động lực thôi thúc con người Việt Nam đứng lên và chiến thắng quân thù.

Ý chí, bản lĩnh và tinh thần của nhân dân Việt Nam từ Đại thắng mùa Xuân 1975 luôn được phát huy, góp phần đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Nhất là khi Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch chống phá quyết liệt, cùng với những hạn chế, khuyết điểm của nền kinh tế tập trung chưa được giải quyết; những yếu kém trong lãnh đạo, quản lý và những vấn đề mới phát sinh đã làm cho nền kinh tế phát triển thiếu ổn định… Ngày nay, phát huy tinh thần của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thể hiện ý chí, quyết tâm và khát vọng vươn lên để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chúng ta quyết tâm xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.

Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ tạo nên hình ảnh đất nước Việt Nam thống nhất, cùng chung một ý chí, một lợi ích, một bản sắc văn hóa_Nguồn: vietnam.vn

Ba là, tăng cường công tác đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, vận dụng sáng tạo tư tưởng, đường lối ngoại giao “cây tre Việt Nam” vào bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Vận dụng và phát huy vai trò của đường lối đối ngoại từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975 trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, cần xác định rõ cách mạng Việt Nam vẫn luôn là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới, vì vậy, chúng ta cần tiếp tục đoàn kết, ủng hộ các phong trào, trào lưu tiến bộ trên thế giới vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong quan hệ quốc tế, cần quán triệt và thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng trong tình hình mới. “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi... Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(3). Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại.

Việt Nam cần tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, xây dựng, thắt chặt mối quan hệ hợp tác chiến lược với các quốc gia láng giềng, các nước xã hội chủ nghĩa, các đối tác chiến lược và các nước lớn. Tận dụng tối đa sức mạnh thời đại, vượt qua nguy cơ, thách thức, không ngừng gia tăng nguồn lực để nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tích cực và thể hiện trách nhiệm cao khi tham gia vào các tổ chức, diễn đàn quốc tế, để tranh thủ sự ủng hộ về chính trị, kinh tế, quân sự và kỹ thuật từ cộng đồng quốc tế nhằm nâng cao vị thế và sức mạnh quốc gia. Việt Nam cần tăng cường duy trì thường xuyên lực lượng tham gia phái bộ hoà bình của Liên hợp quốc, tham gia cứu hộ, cứu nạn quốc tế...

Bốn là, tăng cường sức mạnh quân sự, tiềm lực quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh. Đại thắng mùa Xuân 1975 cho thấy, muốn chiến thắng kẻ thù xâm lược, cùng với sức mạnh của niềm tin và ý chí quyết chiến quyết thắng, chúng ta phải có tiềm lực và thực lực quân sự đủ mạnh để đè bẹp mọi sự kháng cự của kẻ thù. Hiện nay, việc tăng cường sức mạnh quân sự, tiềm lực quốc phòng, xây dựng, củng cố, hoàn thiện bộ máy tổ chức chính quy, tinh nhuệ, hiện đại nhằm tạo thế chủ động trong quân đội góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Để làm được việc đó, cần phải giải quyết tốt một số vấn đề: Chú trọng đến phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội để tạo ra nguồn lực vật chất vững mạnh cho quốc phòng, an ninh; tinh gọn bộ máy lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu cao; xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; nâng cao hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị, công tác giáo dục, huấn luyện, công tác hậu cần, kỹ thuật, công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, nghệ thuật quân sự, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước để hoạch định đường lối, chính sách quân sự, quốc phòng và những quyết sách, đối sách xử lý các tình huống liên quan đến bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, kết hợp chặt chẽ thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Đẩy mạnh hợp tác, đối ngoại quốc phòng, ứng dụng có hiệu quả thành tựu to lớn cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm là, phát huy vai trò của giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc cho thế hệ trẻ Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Đảng ta đã thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, nhờ đó đã huy động được sức mạnh toàn dân, hoàn thành thế trận chiến tranh nhân dân vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước. Ngày nay, để nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc, cần tiếp tục coi trọng và đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hoá, khơi dậy lòng yêu nước để thế hệ trẻ tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, đẩy mạnh các phong trào thanh niên tình nguyện, tham gia vào các hoạt động cộng đồng nhằm xây dựng tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với Tổ quốc.

Thắng lợi vĩ đại mùa Xuân 1975 đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đổi mới, hội nhập và phát triển. Thành tựu xây dựng đất nước nửa thế kỷ qua tiếp tục tạo thế và lực để dân tộc ta bước vào kỷ nguyên phát triển, vươn mình. Bối cảnh mới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra những thách thức mới. Bởi vậy, bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn cần được phát huy hơn bao giờ hết, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc./.

----------------

(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 37, tr. 475 
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 37, tr. 485 - 486
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 1, tr. 162

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/1078102/ket-hop-suc-manh-dan-toc-voi-suc-manh-thoi-dai-trong-dai-thang-mua-xuan-nam-1975---bai-hoc-va-y-nghia-lich-su.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm