Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật vùng Đông Nam Bộ
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm giao thông vận tải, năng lượng, thông tin, truyền thông và các công trình công ích khác. Đây chính là nền tảng vững chắc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của vùng Đông Nam Bộ, vùng có vị trí trung tâm, cửa ngõ chiến lược về đường biển, hàng không của cả nước và khu vực phía Nam. Kết nối với các khu vực khác thông qua 5 phương thức vận tải: đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không và đường biển. Hệ thống giao thông vận tải hiện đại là xương sống của sự phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ. Các tuyến cao tốc liên vùng như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Mỹ Phước - Tân Vạn... cùng với hệ thống đường bộ quốc lộ, tỉnh lộ được nâng cấp, mở rộng, đã rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách, giảm chi phí logistics, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư. Hệ thống cảng biển quốc tế Cát Lái, cảng Thị Vải, cùng với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Đông Nam Bộ với thị trường trong nước và quốc tế.
Đông Nam Bộ là trung tâm phụ tải của hệ thống điện miền Nam, tiêu thụ điện chủ yếu tập trung ở 3 địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Hiện trạng hạ tầng điện lực vùng Đông Nam Bộ cho thấy sự phát triển đáng kể trong những năm gần đây. Hệ thống điện lưới quốc gia đã được mở rộng, nâng cấp với nhiều nhà máy điện lớn đi vào hoạt động, đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của khu vực.
Hạ tầng của lĩnh vực viễn thông vùng Đông Nam Bộ đã được phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại và rộng khắp, với dung lượng lớn, tốc độ cao… Việc kết nối liên xã, liên huyện, liên tỉnh thông suốt đã góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ thời gian qua luôn chú trọng phát triển hạ tầng chính quyền số nhằm phục vụ tốt hơn công tác điều hành, lãnh đạo ở các cấp. Theo đó, tất cả các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã trong toàn vùng đã được đầu tư hệ thống mạng LAN, internet và mạng diện rộng. Điều này tạo điều kiện cho việc triển khai ứng dụng các phần mềm dùng chung, phần mềm chuyên ngành tại đơn vị. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong quá trình kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu luôn được các đơn vị chú trọng.
“Điểm nghẽn” trong hạ tầng kỹ thuật
Trong quá trình phát triển, vùng Đông Nam Bộ đã và đang gặp phải những hạn chế, thách thức do các “điểm nghẽn” về hạ tầng kỹ thuật tạo ra.
Thứ nhất, về giao thông đường bộ, thời gian qua, các tuyến đường bộ chính kết nối các cảng biển tiếp tục được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, một số tuyến đường liên vùng và hướng tâm bị quá tải. Hệ thống đường vành đai của vùng chậm triển khai nên luồng xe chở hàng hóa hành khách phải đi vòng theo Quốc lộ 1A, 1K hoặc đi xuyên qua khu vực đô thị, gây ra nhiều tai nạn, ùn tắc giao thông, ô nhiễm về khí thải và tiếng ồn. Bên cạnh đó, vùng còn thiếu cầu qua các sông lớn như sông Đồng Nai, Sài Gòn, Nhà Bè, Vàm Cỏ… làm tăng cự ly vận tải. Kết cấu hạ tầng còn chưa theo kịp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng và đang ngày càng quá tải; ùn tắc giao thông trên các tuyến đường quốc lộ và các tuyến đường nội đô ngày càng nghiêm trọng.
Thứ hai, về đường thủy nội địa và đường biển. Đối với đường thủy nội địa, do hầu hết các cầu trên tuyến đường thủy nội địa liên vùng có “tĩnh không” thấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả giao lưu vận tải hàng hóa giữa vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hơn thế, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang ảnh hưởng trực tiếp đến các cảng và luồng tuyến đường thủy nội địa. Đối với đường biển, một số bến cảng container tại Cái Mép - Thị Vải chưa khai thác hiệu quả, ít hàng, trong khi hàng vẫn dồn về cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. Hệ thống đường bộ kết nối đến một số cảng vẫn chưa hoàn chỉnh, một số tuyến đã đầu tư nhưng còn chậm và chưa đồng bộ với quy mô cũng như tiến trình khai thác cảng.
Thứ ba, về đường sắt và đường hàng không. Mạng đường sắt đầu mối chưa phát triển, tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu với kết cấu hạ tầng yếu kém, nhiều đoạn giao cắt với đường phố đô thị; chưa có tuyến kết nối trực tiếp đến các cảng biển trong vùng. Đầu tư hệ thống đường sắt đô thị còn chậm, mới chỉ có 1 tuyến Bến Thành - Suối Tiên chuẩn bị được đưa vào khai thác. Năng lực vận chuyển hành khách và hàng hóa ở Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nằm ngay trong nội đô thành phố nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông ở những tuyến đường ra vào sân bay và đang trở nên quá tải.
Thứ tư, hạ tầng viễn thông vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Sự chênh lệch về chất lượng dịch vụ internet giữa các khu vực đô thị và nông thôn vẫn còn rất rõ rệt. Trong khi đó, công tác quy hoạch và phát triển hạ tầng viễn thông còn thiếu đồng bộ, đặc biệt giữa hạ tầng viễn thông và các hạ tầng kỹ thuật khác (giao thông, cấp thoát nước, chiếu sáng, điện lực…). Kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng còn thấp.
Thứ năm, do được xây dựng từ lâu và thường xuyên chịu tác động của thiên tai, thiếu kinh phí bảo trì thường xuyên nên hệ thống công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đang bị xuống cấp. Các công trình phục vụ nền nông nghiệp đa dạng và công nghệ cao chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến hiệu quả phục vụ thấp. Hệ thống công trình thủy lợi chống ngập cho Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kéo dài nên chưa phát huy hiệu quả.
Thứ sáu, hạ tầng cung ứng điện chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế, gây gián đoạn sản xuất, làm giảm năng suất và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Tình trạng thiếu nước sạch, đặc biệt trong mùa khô, ảnh hưởng đến đời sống dân cư và hoạt động sản xuất, đặc biệt là các ngành công nghiệp sử dụng nhiều nước.
Thứ bảy, công tác quy hoạch và quản lý đô thị thiếu đồng bộ, chưa thực sự hiệu quả trong phát triển hạ tầng. Việc thiếu quỹ đất sạch cho phát triển công nghiệp và nhà ở khiến chi phí đầu tư tăng cao. Quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải chưa được tốt, gây ô nhiễm môi trường.
Thứ tám, kết cấu hạ tầng ở cấp vùng và liên vùng hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, gây cản trở sự phát triển và sức lan tỏa của khu vực. Sự không đồng bộ trong phát triển các phương thức vận tải, cũng như giữa hệ thống giao thông với các cảng biển và trung tâm logistics đã dẫn đến tình trạng chậm trễ trong luân chuyển hàng hóa. Điều này làm giảm đi năng lực cạnh tranh và kìm hãm sự phát triển của vùng.
Thứ chín, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Những bất cập về hạ tầng kỹ thuật đã được Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 24-NQ/TW) chỉ ra: “Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng. Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ. Tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập úng nghiêm trọng chậm được khắc phục” cần được khơi thông.
Khơi thông “điểm nghẽn” kết cấu hạ tầng để tăng trưởng của vùng tương xứng với tiềm năng
Xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực… là quan điểm được xác định trong Nghị quyết số 24-NQ/TW. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành liên quan cần có những giải pháp đồng bộ để kịp thời hóa giải những điểm “nghẽn” về hạ tầng kỹ thuật, qua đó giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ của vùng Đông Nam Bộ. Vì vậy, vùng Đông Nam Bộ cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội và được phân cấp, phân quyền mạnh để phát triển kết cấu hạ tầng, qua đó tạo dựng môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao so với các nước trong khu vực và quốc tế, thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn, chất lượng cao của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ nhất, hệ thống giao thông cần được phát triển mạnh mẽ nhằm bảo đảm sự kết nối liên tục giữa các đô thị, trung tâm kinh tế và cảng biển trong khu vực, cũng như giữa các vùng lân cận. Đặc biệt, tập trung đầu tư vào việc xây dựng và nâng cấp các trục giao thông liên vùng, với trọng điểm là các tuyến cao tốc, như Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Hoa Lư, Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa - Vũng Tàu và đường vành đai 3, vành đai 4 của Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát triển các tuyến giao thông nhằm hỗ trợ cho việc kết nối toàn tuyến hành lang với các cao tốc như Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và Biên Hòa - Vũng Tàu; đồng thời, xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu để kết nối với cảng biển cửa ngõ, xây dựng tuyến Metro Thủ Thiêm - Long Thành để kết nối đến cảng hàng không quốc tế. Phát triển cảng Cái Mép - Thị Vải và xây dựng cảng Cần Giờ thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Thứ hai, thúc đẩy liên kết giữa đô thị trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với các đô thị ở Bình Dương, Đồng Nai, các tỉnh trong vùng để hình thành mạng lưới đô thị phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông đô thị, kiến trúc, cảnh quan, các tiện ích, nhà ở và chất lượng sống của người dân đô thị. Triển khai áp dụng mô hình TOD (Transit Oriented Development) với chuỗi đô thị dọc theo các tuyến giao thông công cộng, qua đó giảm chi phí đầu tư cho các tuyến giao thông công cộng.
Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu cần được đẩy mạnh để tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số và thúc đẩy kinh tế, xã hội trong kỷ nguyên số. Chú trọng phát triển hạ tầng xã hội để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực kinh tế, đồng thời cung cấp dịch vụ xã hội thiết yếu cho mọi tầng lớp dân cư. Cùng với đó, hệ thống hạ tầng bảo vệ môi trường cũng cần được cải thiện nhằm phòng, chống thiên tai và bảo đảm điều kiện cho sự phát triển bền vững.
Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng các trung tâm logistics và những doanh nghiệp logistics có năng lực cạnh tranh cao. Hình thành trung tâm logistics hàng không gắn với Cảng hàng không quốc tế Long Thành; hệ thống logistics tại cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ số, công nghệ quản lý hiện đại trong vận hành của các trung tâm logistics để nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí, bảo đảm năng lực cạnh tranh và hội nhập được với các trung tâm logistics của khu vực, thế giới.
Thứ năm, cần tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật chuỗi cung ứng hàng hóa; tuân thủ và thực hiện hiệu quả các chủ trương quy hoạch phát triển vùng của Chính phủ, gồm Quyết định số 370/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch các tỉnh, thành trong vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Thứ sáu, thúc đẩy chuyển đổi số hạ tầng quản lý kỹ thuật chuỗi cung ứng của vùng Đông Nam Bộ. Chuyển đổi số cho phép tự động hóa các hoạt động trong chuỗi cung ứng như lập kế hoạch, theo dõi đơn hàng, quản lý tồn kho và giao nhận hàng hóa. Việc số hóa dữ liệu giúp loại bỏ các sai sót từ quá trình nhập liệu thủ công, đồng thời tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong việc theo dõi và phân tích dữ liệu thời gian thực, giúp dự đoán nhu cầu, quản lý kho bãi hiệu quả và giảm chi phí vận hành.
Thứ bảy, tăng cường hợp tác công - tư (PPP). Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án hợp tác công - tư trong việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, từ việc xây dựng các tuyến đường mới đến việc phát triển các kết cấu hạ tầng kho bãi. Đối tác công tư (PPP) là một công cụ thiết yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp vùng Đông Nam Bộ.
Thứ tám, để nâng cao hiệu quả quản lý hạ tầng kỹ thuật phục vụ chuỗi cung ứng hàng hóa, cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho vùng Đông Nam Bộ. Công tác đào tạo và phát triển kỹ năng trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng, logistics và công nghệ thông tin cần được tỉnh, thành phố trong vùng chú trọng hơn nữa. Thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo và hội thảo chuyên ngành để cập nhật kiến thức và công nghệ mới nhất cho đội ngũ nhân lực. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của khu vực.
Hạ tầng kỹ thuật là động lực then chốt thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ. Việc đầu tư bài bản, đồng bộ và hiệu quả vào các lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng, thông tin, truyền thông và công trình công ích là cần thiết để xây dựng một vùng kinh tế năng động, hiện đại, bền vững, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Sự quan tâm của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương đối với việc hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ quyết định đến sự thành công trong việc biến tiềm năng to lớn của Đông Nam Bộ thành hiện thực./.
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/thuc-tien-kinh-nghiem1/-/2018/1076202/phat-trien-vung-dong-nam-bo-ben-vung--can-khoi-thong-%E2%80%9Cdiem-nghen%E2%80%9D-ve-phat-trien-ha-tang-ky-thuat.aspx
Bình luận (0)