Nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của nhiều nông sản Việt Nam. Hoạt động hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững.
Năm 2024, Việt Nam là quốc gia cung cấp cà phê đứng thứ 3 cho Trung Quốc (sau Brazil và Colombia), đạt 24.100 tấn, trị giá 100,6 triệu USD, tăng 65,8% về lượng và tăng 169,8% về trị giá so với năm 2023. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 9,44% trong năm 2023 lên 12,62% trong năm 2024.
Phó Cục trưởng Cục Thương mại châu Hồng Hà (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) Lý Trị Quốc (thứ ba từ trái qua) tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu cà phê của doanh nghiệp Đắk Lắk tại buổi tọa đàm kết nối xuất khẩu nông sản giữa tỉnh Đắk Lắk và châu Hồng Hà. |
Thông tin tại buổi tọa đàm kết nối xuất khẩu nông sản giữa tỉnh Đắk Lắk và châu Hồng Hà (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) diễn ra vào ngày 11/3, ông Lý Trị Quốc, Phó Cục trưởng Cục Thương mại châu Hồng Hà cho biết, những năm gần đây Hồng Hà đã triển khai hiệu quả với các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Đắk Lắk trong các lĩnh vực hợp tác thương mại, logistics xuyên biên giới, phối hợp thông quan cửa khẩu; thúc đẩy phát triển tích cực thương mại và đầu tư song phương Trung – Việt. Năm 2024, châu Hồng Hà đạt kim ngạch xuất, nhập khẩu 20,74 tỷ nhân dân tệ (xếp thứ 3 toàn tỉnh), trong đó thương mại với Việt Nam đạt 14,1 tỷ nhân dân tệ (tăng 60,4%) chiếm 62,6% tổng thương mại Trung – Việt ở Vân Nam.
Châu Hồng Hà có 3 cửa khẩu quốc gia với Việt Nam gồm: cửa khẩu Hà Khẩu đường bộ, cửa khẩu Hà Khẩu đường sắt và cửa khẩu Kim Thủy Hà. Hiện có khoảng 1.160 DN hoạt động xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu Hà Khẩu. Trong đó, Trung Quốc đã mở “luồng xanh thông quan nhanh” cho nông sản giữa cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) và Lào Cai (Việt Nam).
Châu Hồng Hà là một trong những khu vực có hệ thống nền tảng mở toàn diện nhất, có chính sách khuyến khích tập trung và ưu đãi nhất tại Trung Quốc. Hiện nay, hai bên Trung – Việt đang nỗ lực thúc đẩy xây dựng khu hợp tác qua biên giới Hà Khẩu (Trung Quốc) – Lào Cai (Việt Nam). Châu Hồng Hà cũng đang triển khai mạnh mẽ thí điểm mô hình một container, một xe đến tận nơi cùng nền tảng logistics thông minh qua biên giới trong vận tải xuyên biên giới.
Cụ thể là triển khai liên vận đường sắt – đường bộ và liên vận đa phương thức đường sắt – đường bộ - đường biển trên tuyến Thành Đô - Trùng Khánh – Côn Minh - Hà Khẩu – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; thiết lập tuyến vận tải container xuyên suốt từ Hà Khẩu (Trung Quốc) đến Việt Nam, Lào, Thái Lan; thực hiện vận tải đa phương thức không gián đoạn. Qua đó, giảm thêm 15 – 20% chi phí logistics xuyên biên giới so với phương thức truyền thống…
Doanh nghiệp Trung Quốc tìm hiểu sản phẩm cà phê do doanh nghiệp Đắk Lắk sản xuất tại buổi tọa đàm kết nối xuất khẩu nông sản giữa tỉnh Đắk Lắk và châu Hồng Hà. |
Theo Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột Trịnh Đức Minh, trong 10 năm trở lại đây, chiến lược phát triển cà phê của Việt Nam đã chuyển từ số lượng sang chất lượng và đi đầu là Đắk Lắk.
Từ ngày 29/4 đến 5/5/2025, tại TP. Mông Tự (châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam) sẽ diễn ra Lễ hội quốc tế Cà phê Trung – Việt lần thứ I, với sự tham gia của 14 DN trồng cà phê hàng đầu của Vân Nam, DN về chế biến, xuất nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam. |
Trong thời gian vừa qua, Hiệp hội cũng được tiếp một số đoàn của hiệp hội Trung Quốc, đặc biệt là Hiệp hội Cà phê Thượng Hải, một trong những thị trường tiêu thụ lớn và đã có những kết nối bước đầu. Hy vọng với những kết nối giao thương giữa DN của châu Hồng Hà và DN Đắk Lắk góp phần thúc đẩy hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ cho những sản phẩm nông sản có chất lượng của địa phương.
Đắk Lắk là “thủ phủ” cà phê của Việt Nam, sở hữu vùng Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột với 107.000/212.000 ha toàn tỉnh với sản lượng đạt khoảng 300.000 - 350.000 tấn. Hiện nay, trên nền tảng Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột, tỉnh đã phát triển một phân khúc cao cấp và ngày càng phát triển mạnh mẽ kể cả ở thị trường Trung Quốc, đó là cà phê đặc sản. Đây là nền tảng quan trọng giúp các DN địa phương phát triển và mở rộng thị trường ra quốc tế.
Hiện Đắk Lắk có gần 11.000 DN đang hoạt động và 936 DN có trụ sở chính ở tỉnh ngoài đăng ký thành lập, hoạt động hình thức chi nhánh tại tỉnh. Trong những năm qua, DN của tỉnh có tốc độ phát triển rất nhanh, ngày càng hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới, trong đó có thị trường Trung Quốc nói chung và tỉnh Vân Nam nói riêng. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt vào thị trường Trung Quốc – đối tác thương mại lớn của Việt Nam, sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tạo điều kiện phát triển bền vững cho nông nghiệp địa phương.
Doanh nghiệp Đắk Lắk và Trung Quốc ký kết biên bản hợp tác thương mại, hợp đồng ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm. |
Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, công ty đã ký kết thành công biên bản hợp tác thương mại và hợp đồng ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm với các DN tỉnh Vân Nam. Đây là bước tiến quan trọng, không chỉ mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn khẳng định vị thế của thương hiệu trên thị trường quốc tế. Việc hợp tác này hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội phát triển, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, đặc biệt là Cà phê Buôn Ma Thuột – thương hiệu đã khẳng định vị thế trên bản đồ cà phê thế giới.
Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, trong khuôn khổ buổi tọa đàm kết nối xuất khẩu nông sản giữa tỉnh Đắk Lắk và châu Hồng Hà, đã có 9 biên bản hợp tác thương mại, hợp đồng ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm giữa DN Việt Nam và Trung Quốc được ký kết. Đây là một trong những hoạt động nhằm triển khai có hiệu quả chủ trương của Chính phủ hai nước và Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Thương mại Trung Quốc về việc đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, nâng cao giá trị kim ngạch hàng hóa hai chiều của hai nước, đặc biệt là mặt hàng cà phê.
Minh Thuận - Tuyết Mai
Nguồn: https://baodaklak.vn/tin-noi-bat/202503/ket-noi-xuat-khau-ca-phe-sang-thi-truong-trung-quoc-7421bb0/
Bình luận (0)